Hướng dẫn nông dân chăn nuôi gà thịt bản địa theo hướng hữu cơ
Theo giảng viên Lan Hương chăn nuôi theo hướng hữu cơ giúp cho gà ít bệnh, tiêu tốn thức ăn giảm, chuồng nuôi luôn được sạch sẽ, môi trường không khí, đất, nước, không bị ô nhiễm. Đứng trong chuồng nuôi gà với mật độ 1000con/100m2 chuồng cũng không ngửi thấy mùi hôi của phân gà; nền chuồng nuôi lúc nào cũng khô ráo, tơi xốp không thấy phân gà thải ra, do đó giúp gà khoẻ mạnh. Bên cạnh đó, nuôi gà theo hướng hữu cơ, con gà không phải dùng kháng sinh để phòng trị bệnh mà gà vẫn khoẻ mạnh và nhanh nhẹn, chóng lớn, chất lượng thịt gà thơm ngon hơn; thành phẩm nước luộc thịt gà trong và ngọt, giá bán được cao hơn.
Sau đây là kỹ thuật nuôi gà theo hướng hữu cơ:
1. Giống và chọn giống:
Giống thích nghi với điều kiện ở địa phương và với hệ thống chăn nuôi hữu cơ, ưu tiên sử dụng các nguồn giống bản địa: Gà ri, gà Đông tảo, gà Hồ, gà Mía, gà H’Mông, gà Ác, gà Tre, gà Lương Phượng, gà Rode Ri, gà Tây trắng, gà Tây đen.
* Yêu cầu: Gà giống có nguồn gốc rõ ràng, được ấp nở ở các cơ sở sản xuất an toàn dịch bệnh, được vận chuyển bằng xe chuyên dụng. Có giấy kiểm dịch khi mua khác tỉnh.
2. Yêu cầu chuồng trại, dụng cụ, thiết bị:
Chuồng nuôi: đảm bảo cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, biệt lập với chuồng nuôi khác, có hàng rào vật lý quanh khu vực chăn nuôi. Có biển báo trước cổng trang trại và đầu chuồng nuôi, có khu vực vệ sinh thay quần áo khử trùng trước khi vào trại, có hố sát trùng trước cổng trại.
- Diện tích: 4000m2 nuôi được 1000 con gà (mật độ trong chuồng 10con/m2 chuồng, bãi thả đảm bảo tốt nhất 4m2/con).
Chuồng nuôi
- Đệm lót nền làm bằng nguyên liệu có độ trơ cao (không bị nước làm nhũn nát như: mùn cưa, phoi bào, rơm, rạ…. trộn với một hệ vi sinh vật bản địa để phân hủy phân, nước tiểu giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi tạo môi trường trong sạch không ô nhiễm. Chuẩn bị làm đệm lót:
100M2 nền chuồng cần: + 2,5m3 mùn cưa
+ 5 lít chế phẩm vi sinh
+ 2-3 kg muối
+ 40-60 lít nước sạch
(đảm bảo độ ẩm nền chuồng 30%, gà bới không bụi)
* Bước 1: Pha nước sạch với chế phẩm
* Bước 2: Đảo đều chế phẩm và nước
* Bước 3: Dải đều mùn cưa ra nền
* Bước 4: Dải đều muối lên mùn cưa
* Bước 5: Tưới chế phẩm đã pha lên mùn cưa đã rải
Nguyên tắc sử dụng vi sinh cho đệm lót chuồng
- Sử dụng vi sinh trong đệm lót chuồng: tiết kiệm công lao động; giảm mùi hôi, tiêu diệt mầm bệnh; Hút ẩm từ phân gà, làm giảm mức đậm đặc của phân; Diệt khuẩn nhờ quá trình lên men ở mức thấp; Điều hoà ẩm độ và nhiệt độ môi trường; Lớp đệm chuồng có độ ẩm 25-30% là phù hợp, phải tơi xốp và có khả năng hút ẩm tốt.
- Chỉ đưa vi sinh vào đệm lót khi đệm lót đã có sẵn dinh dưỡng cho vi sinh vật phát triển. Đảm bảo được mật độ vi sinh hữu ích trong đệm lót chuồng;
- Tránh ánh nắng trực tiếp, tránh mưa tạt; Tránh phun thuốc khử trùng trực tiếp trên nền đệm lót sinh học;
- Định kỳ đảo đệm lót 3-5 ngày/lần bằng cào 3 răng, phun bổ sung vi sinh và nước vào đệm lót khi độ ẩm thấp hơn 25-30% thêm nước có bổ xung vi sinh (Kiểm tra bằng cách tay có găng, lấy 1 nắm đệm lót và nắm thật chặt, mở tay ra tơi hết là bị khô, có ẩm ở tay là ướt quá, độ ẩm vừa là nó thành hình nắm tay và gạt ra sẽ tơi)
• Nếu đệm lót bị ướt: hót hết phần ướt ra ngoài, san đệm lót cũ rồi bổ sung đệm lót mới
• Giai đoạn úm tuần đầu tiên nuôi trên đệm lót trấu, tuần thứ 2-3 nới dần quây úm ra đệm lót mùn cưa bổ xung vi sinh.
• Sau mỗi lứa nuôi Không thay đệm lót để tiết kiệm vật tư, công lao động và tận dụng các vi sinh vật có ích sẵn có trong đệm lót (thường sau 2-3 lứa hoặc 1 năm mới thay đệm lót 1 lần)
+ Dùng vắc xin đầy đủ.
+ Thực hiện tốt các biện pháp về an toàn sinh học.
- Mái chuồng: Mái chuồng tốt nhất làm 4 mái, vật liệu làm mái cách nhiệt tốt.
- Quanh chuồng nuôi có hệ thống dẫn và xử lý nước bảo yêu cầu vệ sinh thú y.
- Khoảng cách giá các chuồng (khu trại có nhiều chuồng): ít nhất 2,5 lần chiều rộng của chuồng;
* Lưu ý: Chuồng nuôi phải chống nóng tốt.
- Máng ăn: Gà 1 - 2 tuần tuổi dùng khay ăn tròn đường kính 35cm: 50 gà/khay; gà trên 2 tuần tuổi: dùng máng tròn: 2,5cm vành máng/con hoặc máng dài: 5cm vành máng/con
- Máng uống: Gà 1-2 tuần dùng máng tròn 1,5-2 lít: 40-50 con/máng; gà trên 2 tuần tuổi dùng máng tròn lớn (3,8-5 lít):1-1,5cm vành máng/con
* Lưu ý: Máng ăn, máng uống luôn treo, kê, đặt sao cho gờ miệng máng ngang lưng gà;
3. Kỹ thuật nuôi úm gà con 1-21 ngày tuổi
3.1. Chuẩn bị dụng cụ, chuồng trại
- Toàn bộ chuồng, lồng úm, máng ăn, máng uống nuôi phải được rửa sạch, tiêu độc khử trùng trước khi thả gà ít nhất 2 tuần. Mùn cưa, phôi bào phơi nắng kỹ để nguội trước khi sử dụng.
- Bố trí máng ăn, máng uống, lắp đặt bóng điện chiếu sáng, bóng sưởi ấm trước khi thả gà - Công việc này phải thực hiện trước khi đưa gà về ít nhất 2 giờ.
- Trước khi thả gà 1-2 ngày ta dung 1lít chế phẩm pha 18-19 lít nước sạch phun cho 200M2:
+ Bước 1- Pha đều 1 lít chế phẩm với 18-19 lít nước vào bình phun (bình sạch dùng riêng không dùng chung lẫn với bình phun các hóa chất khác);
+ Bước 2- Phun đều từ trên tường xuống dưới nền, từ trong ra ngoài chuồng nuôi, bãi thả gà, và chỗ nào có mùi hôi thì phun, có thể phun trực tiếp lên gà.
3.2. Thả gà vào quây úm:
- Khi gà mới về, cho nghỉ ngơi từ 30 phút đến 1giờ ở nơi râm mát.
- Sau đó thả nhẹ nhàng, từ từ và phân bổ gần vào quây úm.
3.3. Cho gà ăn, uống
- Không dùng các loại thức ăn biến đổi gen như Ngô, đỗ tương
- Chuẩn bị tối thiểu 50% lượng thức ăn cho gà là loại sẵn có tại địa phương
- Thức ăn không chứa phụ gia và các chất chế biến;
- Thức ăn phối trộn từ thực vật có nguồn gốc hữu cơ càng nhiều càng tốt, thức ăn không có Nitơ phi Protein và Nitơ tổng hợp
- Ngay sau khi thả, tiến hành cho gà uống nước pha chất điện giải để chống “stress”, sau 2h thu máng và rửa sạch, rồi cho nước sạch để gà uống tự do.
- Sau khi cho uống nước 2-3 giờ thì đổ thức ăn vào cho gà ăn.
- Thức ăn luôn bổ sung chế phẩn sinh học để ủ trước khi cho ăn 24 giờ.
Bổ sung chế phẩm vào thức ăn cho gà?
+ Bước 1: Chuẩn bị cám, túi ủ, dây buộc hoặc thùng xô có nắp kín, chế phẩm, bình pha và tưới chế phẩm, cốc đong, dụng cụ đảo trộn,…
+ Bước 2: Pha chế phẩm với nước tỷ lệ 10% (1 lít chế phẩm pha với 9 lít nước sạch);
+ Bước 3: 10 lít chế phẩm đã pha trộn đều với 300kg thức ăn dạng viên hoặc dạng bôt;
+ Bước 4: Cho vào thùng có nắp đậy kín hoặc túi nilong buộc chặt ủ trong 24 giờ sau cho ăn.
+Thức ăn đã bổ sung chế phẩm bảo quản được 2 tuần.
(chú ý nếu thức ăn tự trộn chưa có khoáng, ta bổ sung thêm 1kg muối)
- Nước uống: Luôn có nước sạch, mát để gà uống tự do.
3.4. Nhiệt độ và chiếu sáng:
Duy trì nhiệt độ và ánh sáng cho gà như sau:
* Lưu ý: Để biết được gà úm có đủ nhiệt hay không chúng ta quan sát hành vi của chúng:
- Úm đủ nhiệt: Gà nhanh nhẹn đi lại ăn uống bình thường, tản đều trong quây/lồng úm.
- Thiếu nhiệt: gà tụm lại dưới nguồn nhiệt.
- Thừa nhiệt: gà tản ra xa nguồn nhiệt.
- Gió lùa: gà dồn sang một bên (góc).
4. Chăm sóc, nuôi dưỡng giai đoạn 22 ngày tuổi đến khi xuất bán
- Thức ăn và cách cho ăn: Tuần đầu cho gà ăn tự do ăn 6-8 lần/ngày. Từ tuần thứ 2 cho ăn 4-5 lần/ngày. Mỗi lẫn cho ăn chỉ đổ 1 lượng thức ăn vừa để gà ăn hết trong khoảng 2h. Đồng thời, chỉ đỗ thức ăn mới khi đã ăn hết thức ăn cũ ít nhất 30 phút. Trên 2 tháng cho ăn ngày 3 bữa, thời gian còn lại gà tự đi kiếm ăn ở vườn;
Khi chuyển thức ăn từ thức ăn giai đoạn 1 sang thức ăn giai đoạn 2, công thức thay đổi cho gà ăn như sau:
+ Ngày thứ nhất 75% thức ăn cũ và 25% thức ăn mới
+ Ngày thứ hai 50% thức ăn cũ và 50% thức ăn mới
+ Ngày thứ ba 25% thức ăn cũ và 75% thức ăn mới
+ Ngày thứ tư cho ăn 100% thức ăn mới
- Nước uống: Cho uống tự do. Nước uống đảm bảo sạch.
- Hàng ngày kiểm tra đệm lót đảm bảo độ ẩm 30% (đệm lót không bị ẩm và không bụi).
- Ngày thay đổi thời tiết bổ sung Vitamin, chế phẩm sinh học để tăng sức đề kháng cho gà.
- Khi có bệnh xảy ra, tiến hành cách ly gà ốm nặng, dùng chế phẩm sinh học thảo dược trộn thức ăn, vệ sinh tiêu độc chuồng trại.
* Lưu ý: Vào mùa Hè nên cho ăn vào sáng sớm và chiều mát, tăng cường cho ăn vào ban đêm. Hạn chế cho ăn vào buổi trưa.
5. Vệ sinh phòng bệnh:
- Cách ly và kiểm soát vào, ra;
- Vệ sinh làm sạch: Hàng ngày trước khi cho gà ăn, uống phải dọn sạch máng, quét bỏ những thức ăn dư thừa, rơi vãi.
- Không mua mới gà bị mắc bệnh truyền nhiễm và nuôi cách ly đúng quy định.
- Điều kiện chăm sóc vật nuôi đủ không gian, ánh sáng và không khí, sào đậu, ổ nằm khô ráo và sạch sẽ, gà vận động thường xuyên (chăn thả tự nhiên), vệ sinh bãi chăn thả bằng cách 1-2 tuần phun chế phẩm vi sinh hữu ích ra bãi chăn thả 1 lần.
- Tiến hành chăn thả luân phiên càng nhiều càng tốt;
- Sử dụng thuốc thảo mộc, vi lượng đồng căn, thuốc truyền thống để phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi;
- Sử dụng vi sinh hữu ích đối kháng để xua đuổi các vi sinh vật gây bệnh;
- Dùng thảo mộc (gừng, tỏi, ớt,…) lên men để phòng bệnh.
- Thực hiện phòng đầy đủ các vacxin đối với các bệnh không kiểm soát được bằng các biện pháp quản lý. Lịch phòng bệnh bằng vắc xin tham khảo theo dịch tễ từng vùng mà Thú y địa phương có khuyến cáo.
Xử lý chất thải chăn nuôi (phân + đệm lót +…) như thế nào?
+ Chất thải ở cơ sở chăn nuôi gà phải được thu gom định kỳ, đặc biệt sau mỗi lứa nuôi, để ở khu vực riêng, cách xa khu chăn nuôi;
+ Xử lý an toàn bằng: phân + đệm lót + xác gà chết nghiền nhỏ + Chế phẩm sinh học ủ phân’
- Pha 1 lít chế phẩm + 10 lít nước sạch, trộn 1 tấn phân (gà, đệm lót nuôi gà, xác gà chết nghiền nhỏ, phân trâu, bò, dê, cừu, …) phủ bạt kín. (đảm bảo độ ẩm phân ủ 30%, nếu độ ẩm phân cao cho thêm mùn sinh học: mùn cưa, rơm, dạ, cỏ băm nhỏ 3-5mm);
- Thời gian ủ: Mùa hè 25-30 ngày, mùa động 35-40 ngày mang ra sử dụng được.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi