Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi ngao ngoài bãi triều cho nông dân

Kim Phương - 16:45 01/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Từ nhiều năm nay, ngao là đối tượng chủ lực trong phát triển kinh tế biển của tỉnh Thái Bình, nhất là tại các xã ven biển huyện Tiền Hải. Để góp phần thay đổi mạnh mẽ đời sống kinh tế của người dân, Khuyến nông tỉnh Thái Bình đã tăng cường tập huấn kỹ thuật cho hội viên nông dân nuôi ngao.
TIN LIÊN QUAN

Nuôi ngao đem lại thu nhập cao, ổn định cho nhiều hộ nuôi trồng thủy sản

Dựa vào lợi thế về địa lý với bờ biển dài trên 54km cùng với nhiều hệ thống cửa sông đổ ra biển đã tạo cho Thái Bình vùng bãi triều có dòng chảy mang nhiều nguồn phù sa nên rất phù hợp cho việc nuôi ngao. Những năm gần đây, người dân ven biển tỉnh Thái Bình đã đầu tư vốn, nhân lực để phát triển nghề nuôi ngao và đạt giá trị kinh tế cao góp phần thay đổi mạnh mẽ đời sống kinh tế của người dân trong vùng.

Người nuôi chuẩn bị đưa ngao giống đi thả ở khu vực Cồn Đen, Thái Bình.

Nuôi ngao ở các bãi triều đang là tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Thái Bình. Trong những năm trở lại đây, diện tích nuôi ngao, sản lượng và giá trị ngao nuôi tăng đáng kể. Ước tính mỗi năm sản lượng ngao nuôi ở Thái Bình đạt hơn 100 ngàn tấn và đang là địa phương đứng đầu cả nước và chiếm tới 44% sản lượng ngao của toàn quốc. Nghề nuôi ngao đã và đang giải quyết công việc cho hàng nghìn lao động và giúp cho đời sống người dân ngày càng ổn định.

Cùng với phát triển nhiều mô hình nuôi tôm, cua, cá, hiện nay, nuôi ngao ở xã Đông Minh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) là một trong những thế mạnh, đem lại thu nhập cao, ổn định cho nhiều hộ nuôi trồng thủy sản.

Ông Bùi Văn Sáng, thôn Ngải Châu nhiều năm qua đã thành công trong việc nuôi ngao. Ông cho biết: Khởi nghiệp nuôi trồng thủy sản từ đồng vốn ít ỏi và gặp không ít thất bại do thiếu kinh nghiệm nhưng chính thất bại đã giúp ông có thêm nhiều bài học kinh nghiệm.

"Để nuôi ngao thành công phải nắm vững kỹ thuật, trước khi thả ngao giống phải vệ sinh bãi triều như dọn bỏ các vỏ nhuyễn thể, san phẳng bãi; con giống nên thả giống ngao lớn sẽ nhanh thu hoạch và đỡ bị thất thoát; bãi thả ngao có nền đất cát hoặc cát pha bùn, bãi nuôi phải bằng phẳng để thích hợp nhất cho ngao phát triển. Năm 2021, từ 9ha nuôi ngao thương phẩm, gia đình tôi thu trên 3 tỷ đồng", ông Sáng nói.

Nhiều hộ nuôi ngao tại địa phương chia sẻ, nuôi ngao vất vả vì phải thường xuyên theo dõi thủy triều, tình hình dịch bệnh nhưng đổi lại đây là nghề đem lại lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với vốn bỏ ra. 

Khu vực nuôi ngao giống ở Thái Bình được quy hoạch một vùng riêng biệt.

Theo ông Bùi Duy Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Minh (huyện Tiền Hải), xã Đông Minh có gần 500ha nuôi ngao, trong đó ngao thương phẩm chiếm 70%, ngao giống 30%. Để nuôi ngao phát triển theo hướng bền vững, chính quyền xã đã quy hoạch vùng nuôi ngao thương phẩm và ngao giống bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đề ra. Việc các bãi triều được quy hoạch đã giảm thiểu các hộ dân tự phát, tranh chấp diện tích, vùng nuôi của các thôn được phân bổ hợp lý. 

Chính quyền đã phối hợp với ngành chuyên môn tăng cường tập huấn, phổ biến kiến thức ương nuôi, chăm sóc con giống để người dân từng bước làm chủ khoa học kỹ thuật, cung cấp con giống chất lượng cho bà con trong vùng. Thường xuyên khuyến cáo các hộ nuôi tuân thủ các biện pháp kỹ thuật và quy trình nuôi, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ngao sống hoàn toàn bằng nguồn thức ăn tự nhiên, chủ yếu là phù du, tảo biển. Giá ngao giống hiện nay khoảng 19.000 đồng/1.000 con/kg; ngao thương phẩm từ 10.000 - 25.000 đồng/kg.

Hiện nay, nhiều hộ dân ở Đông Minh chú trọng nuôi ngao thương phẩm, xuất bán hàng nghìn tấn ngao cho Công ty TNHH Nghêu Thái Bình và thị trường ngoài tỉnh. Năm 2021, nghề nuôi ngao mang lại lợi nhuận cho người dân Đông Minh trên 100 tỷ đồng.

Kỹ thuật thả nuôi, chăm sóc và thu hoạch ngao nuôi ngoài bãi triều

Theo hướng dẫn của KS. Bùi Văn Trụ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình, người nuôi nên chọn mua ngao giống tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, đảm bảo chất lượng; tốt nhất nên chọn ngao giống đã được ương dưỡng tại các vùng nuôi có điều kiện môi trường tương ứng.

Chuẩn bị bãi nuôi: Bãi triều phải nằm trong vùng quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; bãi nuôi thuộc vùng trung và hạ triều, bằng phẳng, ít dốc, nền đáy cát chiếm tỷ lệ khoảng 70 - 80%. Bãi nuôi tối thiểu có diện tích: 1 - 2 ha/bãi, có độ mặn ổn định, dao động từ 10 - 30‰.

Bãi nuôi không bị ảnh hưởng của nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, nước thải trong sinh hoạt và nước ngọt từ các cửa sông đổ ra.

Bãi nuôi tối thiểu có diện tích: 1 - 2 ha/bãi, có độ mặn ổn định, dao động từ 10 - 30‰.

Cải tạo bãi nuôi: Đối với bãi cũ, sau khi kết thúc một chu kỳ nuôi, người nuôi ngao cần tính toán lịch con nước thủy triều để tiến hành vệ sinh mặt bãi, đồng thời sử dụng máy, cày lật bãi nuôi, kết hợp bón vôi với lượng 10 kg/100 m2, rồi san bằng mặt bãi trước khi thủy triều lên.

Đối với bãi mới: Người nuôi ngao tính toán lịch con nước thủy triều, tiến hành vệ sinh mặt bãi. Những bãi nuôi nền đáy chưa ổn định, tiến hành phun cát bổ sung đến mức hợp lý (nền đáy cát chiếm tỷ lệ 70 - 80%), rồi san bằng mặt bãi trước khi thả giống.

Trước vụ nuôi thả ngao giống cần khử trùng đầm bãi, theo dõi sự thay đổi đột ngột của thời tiết để có chế độ chăm sóc phù hợp.

Chuẩn bị vây lưới và chòi canh bảo vệ ngao nuôi: Chuẩn bị xăm lưới Polyethylene, cọc tre hoặc gỗ để vây xung quanh bãi nuôi, tránh ngao di chuyển tự do hoặc thất thoát khi gặp các điều kiện bất lợi của thời tiết như sóng, gió, mưa bão… Vây lưới có thể được làm 1 hoặc 2 lớp, lớp trong có tác dụng ngăn không cho ngao di chuyển ra ngoài, lớp ngoài ngăn ngừa địch hại xâm nhập; chiều cao lưới 0,8 - 1,2m, cỡ mắt lưới nhỏ hơn cỡ giống thả.

Cách cắm vây lưới: Vùi xuống đất khoảng 1/3 đến 2/5 chiều cao của xăm lưới, phần còn lại dùng các cọc bằng tre hoặc gỗ dài 1,5 - 2,5m để nâng lưới lên cao hơn so với mặt bãi từ 50 - 70cm. Cách 1,5 - 2m cắm một cọc nhỏ (Φ = 8-10) để nâng lưới, cách 3-5m cắm một cọc cỡ lớn (Φ = 10-15) để căng lưới.

Vây lưới có thể được làm 1 hoặc 2 lớp, lớp trong có tác dụng ngăn không cho ngao di chuyển ra ngoài, lớp ngoài ngăn ngừa địch hại xâm nhập.

Để thuận tiện cho việc quan sát, kiểm tra bãi nuôi hàng ngày, phải tiến hành dựng chòi canh bảo vệ ngao nuôi. Chòi được thiết kế kiên cố bằng các vật liệu như phi lao, bạch đàn, tre, nứa... cao hơn mực nước cao nhất trong năm từ 5-7m.

Chọn, thả giống: Người nuôi nên chọn mua ngao giống tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, đảm bảo chất lượng; tốt nhất nên chọn ngao giống đã được ương dưỡng tại các vùng nuôi có điều kiện môi trường tương ứng. Chọn ngao giống có kích cỡ đồng đều, màu sắc sáng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không bị nhiễm bệnh, có mùi tanh tự nhiên.

Thời vụ thả nuôi: Có thể thả nuôi quanh năm, nhưng thời gian thả giống tập trung từ tháng 4-5 và tháng 9-10 dương lịch hàng năm.

Cỡ giống thả, mật độ nuôi: Tùy theo điều kiện bãi nuôi, khả năng đầu tư để lựa chọn cỡ giống và mật độ nuôi hợp lý.

+ Cỡ từ 600 - 2.000 con/kg, mật độ 250 - 350 con/m2;

+ Cỡ từ 400 - 600 con/kg, mật độ 180 - 250 con/m2.

Cách thả giống: Ngao giống sau khi vận chuyển từ nơi khác về nên để vào nơi râm mát để cân bằng nhiệt độ. Thời gian thả giống vào sáng sớm hoặc chiều mát, khi nước thủy triều đang lên. Lưu ý: Không thả giống khi độ mặn ở cơ sở cung cấp giống và địa điểm thả giống chênh lệch quá 5‰, cắm tiêu để tránh thả chồng lên nhau.

Quản lý bãi nuôi: Sau khi thả giống, chờ nước thủy triều xuống tiến hành kiểm tra tỷ lệ vùi cát của ngao, trên cơ sở đó xác định tỷ lệ sống để có kế hoạch thả giống bổ sung cho phù hợp.

Hàng ngày, sau khi thủy triều xuống tiến hành thăm bãi, kiểm tra các mối nguy có thể ảnh hưởng đến ngao nuôi như: Nhiệt độ (tăng cao vào tháng 6 - 7 hàng năm), độ mặn, ảnh hưởng của sóng, gió..; bắt các đối tượng địch hại như cua, ốc… và san lấp các chỗ trũng đọng nước trên mặt bãi để tránh hiện tượng nhiệt độ tăng cao cục bộ có thể gây chết ngao nuôi.

Sau mỗi con nước hoặc bão gió, phải tiến hành ngay việc san thưa mật độ ngao dồn vào chân vây phía cuối hướng gió hoặc dòng chảy.

Sau mỗi con nước hoặc bão gió, phải tiến hành ngay việc san thưa mật độ ngao dồn vào chân vây phía cuối hướng gió hoặc dòng chảy; tránh để hiện tượng ngao dồn mật độ cao vào chân vây kéo dài, gặp điều kiện thời tiết bất lợi, dẫn đến gây chết ngao cục bộ.

Thường xuyên vệ sinh, tu sửa chân vây lưới, tạo sự thông thoáng cho nước triều lên xuống, làm phong phú nguồn thức ăn cho ngao.

Hạn chế người đi lại trên bãi nuôi. Định kỳ kiểm tra chiều dài, trọng lượng và tỷ lệ sống của ngao để đánh giá tốc độ sinh trưởng, chủ động các giải pháp (san thưa, thu hoạch …) khi cần thiết.

Thời gian thu hoạch ngao tốt nhất là vào mùa Xuân và mùa Thu để dễ bảo quản.

Thu hoạch: Khi thu hoạch ngao thương phẩm nên thu hoạch vào thời điểm đầu năm và cuối năm để được giá và thuận lợi về thời tiết, nước thủy triều. Căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ để lựa chọn thời gian và phương pháp thu hoạch cho hợp lý. Sau thời gian nuôi khoảng 18 - 20 tháng, ngao đạt kích cỡ 50 - 60 con/kg nên tiến hành thu hoạch. Thời gian thu hoạch tốt nhất là vào mùa Xuân và mùa Thu để dễ bảo quản.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác