Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Hội hỗ trợ hội viên nuôi cua biển thương phẩm bằng con giống nhân tạo

Hữu Khuê - 14:05 20/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Cua biển là một trong những loại thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao, được sự hỗ trợ của chính quyền, ngành Khuyến nông và Hội Nông dân các cấp, nhiều hộ dân huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình này vừa đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, vừa phù hợp với chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị của thành phố. Trong đó, hình thức nuôi chủ yếu là nuôi 2 giai đoạn bằng con giống sinh sản nhân tạo.
TIN LIÊN QUAN

Tổ chức đào tạo, tập huấn giúp người nuôi tiếp cận kỹ thuật mới về nuôi cua 2 giai đoạn

Cần Giờ là một trong những huyện ngoại thành của TP. Hồ Chí Minh, với đặc thù có vùng nuôi thủy sản nước lợ tập trung và đa đạng loài nuôi như: tôm thẻ, tôm sú, cua biển, ... trong đó cua biển là đối tượng nuôi truyền thống có giá trị kinh tế và mang lại nguồn thu nhập nhất định cho người dân tại dây. Tuy nhiên, trước kia nghề nuôi cua biển ở Cần Giờ chủ yếu bắt giống từ tự nhiên rồi thả trực tiếp vào ao tôm quảng canh, bán thâm canh. Do đó, lượng cua thương phẩm đem lại thường không có giá trị cao, không đáp ứng đủ số lượng cũng như chất lượng cho nhu cầu của thị trường, đồng thời gây áp lực lên việc khai thác nguồn giống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi cua biển tự nhiên. Với sự phát triển ngày càng cao của công nghệ hiện đại, tiến bộ khoa học kỹ thuật đã nghiên cứu thành công trong sinh sản nhân tạo cua biển.

Cán bộ Hội Nông dân xã Thạnh An cùng cán bộ Khuyến nông huyện Cần Giờ chia sẻ kinh nghiệm nuôi cua biển cho hội viên tại mô hình.

Từ năm 2019, cùng với việc tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất giống cua biển nhân tạo, Hội Nông dân huyện Cần Giờ đã kết hợp với Chi cục Thủy sản hỗ trợ về quy trình kỹ thuật nuôi cho hội viên nông dân. Từ đó nhiều hộ nuôi tại huyện Cần Giờ đã xây dựng mô hình nuôi cua biển thương phẩm chuyên canh và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho gia đình và tác động tích cực vào nghề nuôi cua biển tại địa phương. 

Điển hình như hộ ông Nguyễn Mạnh Thơ (xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ), với diện tích 0,5 ha, ông Thơ thả nuôi 15.000 con cua giống cỡ hạt dưa theo "Qui trình nuôi hai giai đoạn bằng con giống sinh sản nhân tạo". Kết quả, sau 5 tháng nuôi ông Thơ thu được 1.350 kg, bán với giá 200.000đồng/kg; trừ chi phí, mô hình cho lợi nhuận 150 triệu đồng.

Nhằm hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tận dụng lợi thế tự nhiên của địa phương về nuôi trồng thuỷ sản, vừa qua, Hội Nông dân xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc và thả 24.500 con cua giống loại dưa 1 thuộc mô hình “Nuôi cua biển thương phẩm bằng con giống nhân tạo ” tại hộ ông Phạm Văn Thanh, ngụ tại ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An.

Theo ông Lê Minh Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã, mô hình được triển khai áp dụng quy trình nuôi cua 2 giai đoạn gồm nuôi ương và nuôi thương phẩm. Để triển khai mô hình, 24.500 con cua giống loại dưa 1 đã được thả xuống ao ương giai đoạn 1 có diện tích 4.000m2. Dự kiến sau một tháng, khi cua đạt kích cỡ 1,2-1,5 cm/con sẽ được chuyển sang ao nuôi thương phẩm với diện tích 1 ha.

24.500 con cua giống loại dưa 1 đã được thả xuống ao ương giai đoạn 1 có diện tích 4.000m2.

Để triển khai các mô hình đúng tiến độ, trước đó, Trạm Khuyến nông đã cử cán bộ kỹ thuật tập huấn cho người dân về quy trình nuôi, đồng thời, hướng dẫn người dân làm tốt công tác cải tạo ao nuôi, lựa chọn nguồn giống đảm bảo chất lượng cũng như các điều kiện cần thiết để triển khai mô hình.

“Mô hình được thực hiện sẽ giúp người nuôi tiếp cận kỹ thuật mới về nuôi cua 2 giai đoạn giúp kiểm soát tốt lượng giống khi nuôi thương phẩm, hạn chế thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu, hạn chế dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ sống, tăng năng suất, chất lượng cua. Thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục phối hợp với cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Cần Giờ sẽ trực tiếp hướng dẫn hộ dân chăm sóc quản lý ao nuôi để mô hình đạt kết quả cao” - ông Lê Minh Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết.

Cần xây dựng vùng nuôi chuyên canh nuôi cua với nguồn giống chất lượng tại chỗ

Triển khai mô hình, ông Trương Văn Năm- Trưởng trạm Khuyến nông huyện Cần Giờ đã hướng dẫn bà con kinh nghiệm nuôi cua, theo đó, để nuôi cua đạt kết quả thì người nuôi cần phải siêng năng chăm sóc, theo dõi mọi hoạt động của con cua, thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn còn ít hay nhiều để điều chỉnh kịp thời cách cho ăn. Theo ông Năm, cái khó nhất của nuôi cua là tỷ lệ sống không cao vì cua là loài hung dữ và ăn thịt lẫn nhau trong khi lột xác. Những ngày nước kém khoảng mùng 10, 25 âm lịch cua lột xác thì nên thay đổi nước, cho mực nước cao hơn bình thường và khi những ngày cua lột, cua thường trèo lên cao để tránh các cua khác vì thế khi làm ao nên có những gờ cao, hay thả chà để cua trú và cho cua ăn đầy đủ. Ngoài ra, cần tận dụng những phụ phẩm từ cá để làm thức ăn cho cua, giúp giảm chi phí đầu vào.

Qui trình nuôi cần tuân thủ 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 là ương nuôi trong giai: Cua giống hạt dưa được ương trong giai, bằng lưới vèo lại một gốc trong ao nuôi, diện tích khoảng 200m2. Trong giai ương cần đặt nhiều giá thể để cua trú ngụ, tránh hao hụt do ăn nhau. Thức ăn giai đoạn ương là cá tạp hoặc thức ăn hỗn hợp loại cho tôm sú. Hộ nuôi đã tận dụng nguồn cá tạp sẵn có để giảm chi phí. Thời gian ương trong giai là 30 ngày (1 tháng)

Giai đoạn 2 là nuôi thương phẩm: Ao nuôi phải được cải tạo kỹ lưỡng (vét bùn, bón vôi, diệt tạp, gây màu nước) cũng như kiểm tra các thông số môi trường đảm bảo các điều kiện thích hợp trước khi thả cua vào nuôi. Quanh ao cần rào lưới để ngăn không cho cua thoát ra ngoài. Trong quá trình nuôi, phải đảm bảo tốt nhất việc thay nước để duy trì chất lượng môi trường ao nuôi cũng như kích thích cua mau lột xác. (Thức ăn giai đoạn thương phẩm là: cá tạp, xem kẽ là thức ăn hỗn hợp cho tôm). Thời gian nuôi thương phẩm khoảng 90 – 100 ngày (3,0 – 3,5 tháng).

Cua giống hạt dưa được ương trong giai, bằng lưới vèo tại một góc trong ao nuôi, diện tích khoảng 200m2.

Áp dụng theo những phương pháp này, mô hình sẽ mang lại giá trị kinh tế cao do hộ nuôi ứng dụng nuôi ương dưỡng giai đoạn cua nhỏ với phương pháp quản lý tập trung và theo mô hình công nghiệp (cho ăn, xử lý, bổ sung vi sinh, …) trước khi chuyển ra nuôi thương phẩm đã góp phần nâng cao tỉ lệ sống (45%).  Mô hình thành công sẽ giúp vùng nuôi có thêm mô hình mới để áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Ngoài ra, con giống từ nguồn sinh sản nhân tạo đã góp phần bảo vệ nguồn lợi tự nhiên tại huyện Cần Giờ.

Theo chuyên gia khuyến nông, để giúp nghề nuôi cua biển bằng con giống nhân tạo phát triển bền vững, ngoài việc người dân phải tăng cường học hỏi, tiếp cận kỹ thuật, các cấp chính quyền huyện Cần Giờ cần có những chính sách, chương trình hỗ trợ thiết thực như: Xây dựng vùng nuôi chuyên canh với nguồn giống chất lượng tại chỗ; tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật trực tiếp cho người dân về các phương thức nuôi mới hiệu quả cao; các chương tình triển khai ứng dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ để người dân tiếp cận và mạnh dạn đầu tư vào nuôi cua biển cũng như một số đối tượng có giá trị cao khác bên cạnh con tôm nước lợ để từ đó xây dựng vùng nuôi thủy sản đang dạng, hiệu quả và phát triển.

“Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện quy trình kỹ thuật nâng cao tỷ lệ sống của cua, chọn những cơ sở giống uy tín để chuyển giao cho bà con. Hỗ trợ kỹ thuật tối đa áp dụng công nghệ cao vào sản xuất để chuyển giao đạt hiệu quả nhất. Với hội viên nông dân khi được tham gia mô hình khuyến nông cần tâm huyết quan tâm hơn nữa trong việc chăm sóc, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật đã chuyển giao để cùng ngành Khuyến nông xây dựng nhiều mô hình điểm hiệu quả, qua đó để nhiều nông dân học tập và nhân rộng. Ngành Khuyến nông sẽ phối hợp với Hội Nông dân hỗ trợ tối đa cho nông dân sản xuất, giúp người dân sống được với nghề” - Ông Trương Văn Năm, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Cần Giờ nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác