Hỗ trợ nông dân

Nuôi cá song, nhiều hộ nông dân Kim Sơn kỳ vọng làm giàu

Vũ Thượng - 15:11 13/09/2024 GMT+7
Ngày 11/9, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá song trong ao. Sau khi tập huấn, các hộ được nhận cá giống, thức ăn và chế phẩm vi sinh xử lý nước để nuôi con cá song (cá mú) theo hướng an toàn sinh học cho 5 hộ dân tại xã Kim Trung, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Thực hiện bàn giao chế phẩm vi sinh cho 5 hộ dân nuôi cá song tại xã Kim Trung, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. 

Nuôi cá song giúp nông dân làm giàu

Thực hiện dự án “Xây dựng mô hình chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững năm 2024”, triển khai tại xã Kim Trung, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình (đây là chương trình do Văn phòng Phát triển bền vững – T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình triển khai thực hiện), một mô hình mới bắt đầu được thực hiện với kỳ vọng giúp nhiều hộ nông dân tại huyện Kim Sơn làm giàu, cũng như thay đổi tập quán canh tác và mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững cho người dân. Với mô hình này, việc nuôi cá song trong ao kết hợp với áp dụng chế phẩm vi sinh vật trong xử lý môi trường ao nuôi, tạo môi trường sống sạch, giúp con cá song phát sinh trưởng và phát triển tốt nhất.

Có 5 hộ dân tham gia mô hình, là hội viên Hội Nông dân xã Kim Trung và đáp ứng đủ các điều kiện về diện tích ao nuôi, lao động, vốn đối ứng, tự nguyện tham gia dự án…

Ông Vũ Duy Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Sơn cho biết: "Thực hiện mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi cá song (cá mú) tại xã Kim Trung, huyện Kim Sơn sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và năng suất lao động, giải quyết việc làm cho các lao động địa phương, đảm bảo môi trường trong sản xuất. Chúng tôi cũng kỳ vọng chương trình sẽ là điểm nhấn để người dân các nơi đến tham quan, học hỏi phát triển mô hình. Qua đây, thu hút được đông đảo bà con nông dân tham gia tổ chức Hội".

Những con cá song (cá mú) được kiểm tra trước khi bàn giao cho các hộ dân.

Tự tin nhận nuôi cá song thành công

Thông qua lớp tập huấn do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tổ chức giúp các hộ dân được hướng dẫn, đào tạo kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh cho con cá song; xây dựng mô hình trình diễn; tuyên truyền và nhân rộng mô hình…

Qua tìm hiểu, thực hiện mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi cá song (cá mú) tại xã Kim Trung (huyện Kim Sơn, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ cho 5 hộ dân với tổng 5.000 con cá giống; 7.200kg thức ăn; 50kg chế phẩm vi sinh (tương đương 50%) tổng kinh phí thực hiện.

Bà Đặng Thị Kim Chi (xóm 5, xã Kim Trung) chia sẻ: “Biết tin được bàn giao cá song giống, thức ăn, chế phẩm nuôi cá song, các thành viên trong gia đình tôi ai cũng vui mừng, phấn khởi. Đây là sự quan tâm của lãnh đạo T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đến gia đình, nên chúng tôi hứa chăm sóc đàn cá song khỏe mạnh, lớn nhanh, đạt năng suất cao để có điều kiện tăng thu nhập, vươn lên làm giàu”.

Ông Nguyễn Văn Xuân (xóm 5, xã Kim Trung) cho hay, gia đình ông có 7.000m2 ao nuôi trồng thủy sản, bản thân ông cũng gần 20 năm nuôi cá, tôm, cua… các loại. Đây cũng là một phần kinh nghiệm để ông tự tin nuôi cá song thành công. Theo ông Xuân, con cá song hay mắc dịch bệnh nên người nuôi cần chủ động phòng ngừa trước khi thả nuôi và trong quá trình nuôi, sẽ giảm được thiệt hại. Đối với số cá song giống nhận được từ dự án, ông Xuân đánh giá cỡ cá đồng đều, bơi lội nhanh nhẹn… cho thấy chất lượng đảm bảo.

Ông Phạm Văn Kiệm (xã Kim Trung, huyện Kim Sơn) đang thả cá song vừa được bàn giao xuống ao nuôi.

Hướng đến phát triển bền vững

Tại buổi tập huấn, bà Hồ Thị Thoàn - giảng viên Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Bộ chia sẻ với 5 hộ nhận nuôi cá song tại xã Kim Trung, huyện Kim Sơn: “Trong sản xuất nông nghiệp, nông dân cần chú ý đặc tính cây con, quy luật sinh thái và áp dụng vào trang trại của mình để sản xuất được đảm bảo, bền vững. Từ đó cũng sẽ giúp giảm các loại hoá chất trong nông nghiệp. Nguyên tắc là đảm bảo vòng tròn năng lượng và dinh dưỡng được khép kín - đầu ra của cây, con này trở thành đầu vào của cây, con kia. Nên chú ý tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương; đối với con cá song thích ăn nhuyễn thể, nếu ở địa phương có nhiều thì nên tận dụng, và sử dụng thêm men vi sinh trong xử lý nước ao và phối trộn thức ăn.

Nuôi cá nếu cho ăn thiếu, không đủ chất, cá chậm lớn, vì vậy trong việc dùng thức ăn nhân tạo, phối trộn nhiều loại bao giờ cũng tốt hơn một loại. Bởi mỗi loại thức ăn chỉ chứa một số chất và thành phần dinh dưỡng. Khi kết hợp nhiều loại, các loại thức ăn sẽ bổ sung cho nhau về mặt dinh dưỡng và có thể tiết kiệm đến 20% chi phí.

Mô hình nuôi con cá song kỳ vọng giúp nhiều hộ nông dân tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình làm giàu.

Khi thăm ao nuôi loại cá khác, phát hiện thấy có hộ dân chưa tuân thủ nghiêm ngặt việc loại bỏ thức ăn thừa trong ao sau khi cho cá ăn, nên bà Thoàn lưu ý một trong những nguyên nhân khiến con cá bị chết, bệnh, chủ yếu do oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao, nguồn nước ao bị ô nhiễm. Do đó, bà con cần chú ý cho cá ăn vừa đủ, vớt bỏ thức ăn thừa, không để hình thành khí độc và mầm bệnh trong ao nuôi. Điều này cũng giúp nhiệt độ nước ao không bị tăng cao, đặc biệt là về mùa Hè. Với tình huống này, bà Hồ Thị Thoàn chia sẻ, cần vớt cá chết ngay, vớt thức ăn thừa không để tồn dư khí và chất độc hại. Sử dụng men vi sinh để xử lý nước ao, hồ…

Bên cạnh đó, người nuôi cần chú ý thêm môi trường sinh thái ao nuôi như: Trồng cây ven ao, ưu tiên cây bản địa tạo bóng mát, có hệ rễ bảo vệ bờ ao, các cây dược liệu có chất kháng sinh tự nhiên, tạo bóng mát ví dụ như cây sài hồ...

Bà Thoàn còn hướng dẫn cho các hộ dân tạo lợi khuẩn bản địa để xử lý môi trường ao bằng các nguyên liệu có sẵn tại địa phương: nước sạch 10 lít; men rượu 20 gram khoảng 5 viên; chuối 1 trái; bí đỏ 0,5 kg; rỉ mật, đường mía 0,5kg; sữa chua 1 hộp; men tiêu hóa 10 gói. Cách làm: Băm nhỏ quả bí, chuối, rỉ mật rồi tiến hành trộn nguyên liệu vào thùng có nắp đậy thêm nước lên 10 lít, thực hiện khuấy đều khoảng 7 ngày. Khi kiểm tra có vị chua nhẹ, mùi rượu, nếm có vị ngọt, trên bề mặt có váng trắng xốp là đảm bảo.

"Thực hiện mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi cá song (cá mú) tại xã Kim Trung, huyện Kim Sơn sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và năng suất lao động, giải quyết việc làm cho các lao động địa phương, đảm bảo môi trường trong sản xuất. Chúng tôi cũng kỳ vọng chương trình sẽ là điểm nhấn để người dân các nơi đến tham quan, học hỏi phát triển mô hình...”.

Ông Vũ Duy Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Sơn.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác