Liên kết sáu nhà

Làm giàu từ liên kết trồng rau

Vân Nguyễn - 07:04 15/03/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Để có doanh thu đạt 6 tỷ đồng/năm từ sản xuất cây con giống, trồng rau và nuôi bò, gia đình ông Nguyễn Văn Cường (xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) đã đầu tư hệ thống nhà lưới để chống sự tấn công của côn trùng, hạn chế các loại bệnh gây hại, tránh ảnh hưởng bất lợi của thời tiết cũng như đầu tư nghiên cứu ra những cây con giống có chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Cường bên mô hình trồng rau, màu trong nhà lưới.

Học hỏi và mạnh dạn đầu tư

Theo chia sẻ của ông Cường, qua kết quả đạt được trong quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình nâng cao thu nhập, bản thân ông là hội viên nông dân, sinh hoạt tại Chi hội ấp Rạch Vồn, xã Hưng Mỹ nên được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Hội Nông dân xã Hưng Mỹ, tạo điều kiện đi tham quan học hỏi những mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Ngoài ra, ông còn tự mày mò học hỏi từ sách báo, trên mạng Internet, vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm. 

Trong quá trình vừa làm, vừa nắm bắt nhu cầu đặt hàng của bà con nông dân trong địa bàn tỉnh, nhất là tại huyện Châu Thành, từ đó, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư sản xuất cây con giống kết hợp trồng hành trong nhà lưới và chăn nuôi bò để phát triển kinh tế hộ trên tổng diện tích 7.000m2, trong đó có 3 nhà lưới diện tích mỗi nhà là 1.000m2.

Đầu tiên phải kể đến hiệu quả kinh tế từ cây hành đã mang lại cho gia đình. Do quá trình sinh trưởng, phát triển của loại hành trong nhà lưới khoảng 45 ngày tuổi sẽ cho thu hoạch, có thể sản xuất liên tục 6 - 8 vụ/năm mà không cần lệ thuộc điều kiện thời tiết. Mỗi vụ cho thu hoạch trên 3 tấn, với giá bán khoảng 20 - 40 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi nhà lưới cho lãi khoảng 90 - 110 triệu đồng/vụ. Nếu tính tổng số vụ gieo trồng trong năm thì lợi nhuận khoảng 900 triệu đồng. Hành sản xuất của vườn được cung cấp vào hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh, cửa hàng thực phẩm an toàn Trường Đại học Trà Vinh theo hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm trước khi sản xuất.

Ngoài ra, việc chăn nuôi đàn bò với 20 con bò sinh sản, bình quân hàng năm xuất bán trên 7 - 8 con bò thu nhập được khoảng 200 triệu đồng. Ông còn tận dụng chất thải của bò để sản xuất phân bón hữu cơ, sử dụng cho việc sản xuất cây con giống. Trong 2 năm 2020 - 2021, gia đình ông sản xuất được 8,3 triệu cây giống các loại như: ớt sừng vàng châu Phi, ớt chỉ thiên, đậu bắp, cà tím, bắp cải… với giá bán bình quân 270 đồng/cây đã mang về thu nhập trên 2,2 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận đạt trên 950 triệu đồng/năm.

Ông Cường cho biết: “Trong quá trình sản xuất, tôi đã đầu tư hệ thống nhà lưới để chống sự tấn công của côn trùng, hạn chế các loại bệnh gây hại, tránh ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Bên cạnh đó, tôi đã đầu tư hệ thống tưới phun sương để tưới tiết kiệm nước. Đầu tư nghiên cứu sản xuất được những cây con giống có chất lượng cho nhu cầu sản xuất của địa phương làm nền phát triển tốt cho năng suất, chất lượng cao hơn. Đồng thời, tôi đã hướng dẫn kỹ thuật trồng rau, màu, kỹ thuật trồng dưa lê cho hội viên, nông dân, hỗ trợ giúp cho 30 lao động địa phương có việc làm thường xuyên mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng”.

Sản phẩm sạch của cơ sở ông Nguyễn Văn Cường sản xuất ra cung ứng cho hệ thống các siêu thị…

Hỗ trợ bà con việc làm và tăng thu nhập

Ông Cường cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời gian qua không chỉ mang lại thu nhập mà còn hình thành tư duy sản xuất mới gắn với nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Tại những vùng sản xuất tập trung, người dân đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới vào sản xuất, như: Áp dụng nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, nhỏ giọt và sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Để bảo đảm sản xuất an toàn, gia đình ông đã chủ động và tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ sử dụng thuốc theo nguyên tắc đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp. Nhờ vậy, các sản phẩm nông sản của gia đình ông và các hộ liên kết những năm qua luôn bảo đảm chất lượng. 

Cùng với sản phẩm rau an toàn, nhiều năm trở lại đây, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã quen thuộc với một số sản phẩm nông nghiệp an toàn có xuất xứ. Để từng bước thay đổi tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân, thời gian qua, huyện Châu Thành đã vận dụng linh hoạt nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp an toàn như: Hỗ trợ phát triển nhà màng, nhà lưới; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết tiêu thụ sản phẩm...

Bà Lê Thị Bích Chi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh cho biết: “Thực tế cho thấy, hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp an toàn đạt lợi nhuận khá cao, giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Vì vậy các cấp chính quyền và đoàn thể tỉnh luôn khuyến khích, hỗ trợ để người dân sản xuất theo hướng an toàn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”.

Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, ông Cường còn thường xuyên tham gia và đóng góp vào các tổ chức Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, hỗ trợ các tổ chức Hội 3.000 cây hoa dừa để trồng ở các tuyến đường hoa góp phần thực hiện Chỉ thị 15 của Tỉnh ủy Trà Vinh. Ông được Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh tặng Bằng khen trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.... 

“Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, tôi đã giúp đỡ và hỗ trợ vốn, phân bón, cây con giống trồng trả dần không tính lãi cho khoảng 300 hộ có hoàn cảnh còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất rau trong và ngoài địa phương” 
 Ông Nguyễn Văn Cường.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác