Làm giàu với ý chí quyết tâm của bộ đội Cụ Hồ
Rời quân ngũ với thương tật trong người, nhưng cựu chiến binh Trương Văn Phấn đã phát huy phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ trong cuộc chiến chống giặc đói nghèo. Từ trong khó khăn, bằng ý chí và nghị lực, ông đã cùng vợ tạo lập cơ nghiệp vững chắc, trở thành tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu ở tỉnh miền núi Bắc Kạn.
Thắng giặc đói
Sau 5 năm chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, cựu chiến binh Trương Văn Phấn (thôn Thôm Mò, xã Quân Hà (Bạch Thông, Bắc Kạn) xuất ngũ với vết thương nặng trên đầu và những di chứng do chất độc da cam dioxin. Sau hơn 10 năm công tác tại 1 doanh nghiệp nhà nước, năm 1990, ông Phấn buộc phải nghỉ mất sức.
Về quê, sức khỏe kém, chỉ dựa vào đồng lương giáo viên ít ỏi của vợ khiến cuộc sống gia đình với 3 người con luôn đối mặt với “giặc đói”. Bản thân ông Phấn thì nghề nghiệp không, vốn đầu tư cũng không có, trong khi cơ thể bị phơi nhiễm chất độc da cam với tỉ lệ suy giảm sức khỏe tới 76%. Để không phải lâm vào cảnh túng thiếu ông quyết tâm khởi nghiệp từ nghề nông.
Ban đầu, vợ chồng ông Phấn bươn chải với đủ thứ công việc từ trồng ngô, cấy lúa, nuôi lợn gà và cả buôn bán nhỏ lẻ. Năm 2004, khi đã ngoại ngũ tuần, ông bà quyết định tham gia sáng lập một trong những Hợp tác xã đầu tiên tại huyện Bạch Thông, với ngành nghề chủ yếu là chăn nuôi lợn, buôn bán thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng. Đến năm 2009, khi vợ nghỉ hưu, Hợp tác xã Đức Mai do 2 vợ chồng ông quản lý đã chính thức ra đời.
Khi đó, những hộ gia đình ở Bắc Kạn nuôi từ 30 đến 50 con lợn chỉ đếm trên đầu ngón tay thì vợ chồng ông mạnh dạn vay vốn, xây dựng chuồng trại, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi mới. Nhờ tự chủ động nguồn giống, cám nên lợi nhuận cũng khá hơn so với mô hình thông thường. Có năm chỉ riêng lãi từ chăn nuôi đã đạt 500 triệu đồng.
“Xuất phát đầu tiên chỉ 6 con lợn nái rồi gia đình cứ nhân dần lên, cao điểm lên đến 50 con nái, mỗi lứa đẻ ngót nghét 500 con lợn, có năm gia đình xuất chuồng đến hơn 1.000 con lợn”, bà Mai Thị Thảo – vợ ông nhớ lại.
Những tưởng công việc làm ăn thuận lợi thì khó khăn lại ập đến. Năm 2017, giá lợn đang từ 40.000 đồng/kg, chỉ sau ít ngày đã đột ngột rớt xuống còn hơn 15.000 đồng/kg. “Cơn bão giá” ấy khiến nhiều người chăn nuôi lao đao. Khi giá lợn mới tạm ổn, trang trại phục hồi thì Dịch tả lợn châu Phi lại bùng phát khiến hơn 20 tấn lợn của gia đình ông Phấn cũng buộc phải tiêu hủy.
Thành công nhờ đổi mới
Tưởng chừng phải dừng bước, nhưng Hợp tác xã Đức Mai lại chuyển sang một hướng đi mới. Đó là sản xuất cao gắm. Đây là một loại cây leo, mọc phổ biến ở những cánh rừng tự nhiên và người dân địa phương vẫn lấy về nấu cao, chữa các bệnh xương khớp. Nhận thấy tác dụng cũng như tiềm năng của loại dược liệu này, ông Phấn mày mò tìm cách chế tạo hệ thống dây chuyền nấu cao công nghiệp để sản xuất quy mô lớn.
Ông Phấn cho biết, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, tài nguyên rừng rất phong phú, đặc biệt là cây cao gắm nhiều năm tuổi có trong rừng già vẫn còn dồi dào, đây cũng là yếu tố thuận lợi để HTX Đức Mai tiến hành sản xuất cao gắm. Để thực hiện ý tưởng, vợ chồng ông Phần đã đi học hỏi ở một số tỉnh như Yên Bái, Bắc Ninh về phương pháp nấu cao hiện đại, đồng thời mạnh dạn bỏ ra hơn 200 triệu đồng để đầu tư máy móc, thiết bị nấu cao.
Sau một thời gian dài nỗ lực, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, dưới sự vận hành của các thành viên HTX, những mẻ cao cô đặc đầu tiên đã ra đời. Thời điểm đó, chủ yếu bán cho những người thân quen. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm cao gắm của HTX đã dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Đặc biệt, năm 2019, sản phẩm này đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Với công suất hơn 1 tạ cao mỗi năm, sản phẩm của Hợp tác xã đã theo các chuyến xe đến tận các tỉnh như Thái Nguyên, Hà Nội, TP.HCM đến tận mũi Cà Mau. Thành công bước đầu giúp người cựu chiến binh này càng quyết tâm hơn trong mở rộng quy mô sản xuất.
Theo bà Thảo, để làm ra sản phẩm cao gắm đạt chất lượng không đơn giản, nguyên liệu gồm rễ, dây gắm, sau khi đem về phải làm sạch, thái lát, nghiền rồi đem đun nấu. Bình quân 3 tạ dây gắm mới cô đặc được hơn 2kg cao, thời gian nấu 7 ngày, đêm. Để làm ra những mẻ cao cô đặc, còn phải tiến hành lọc nhiều lần, đây là khâu quan trọng vì sẽ loại thải những chất cặn bã, giúp cho màu nước khi pha lên uống sẽ không có cấn, bã đọng lại. Nhờ chú trọng đến uy tín, chất lượng, mỗi năm HTX Đức Mai bán ra thị trường hàng nghìn lọ cao gắm, giá dao động 200.000 – 250.000 đồng/lọ.
Từ sự phản hồi tích cực của khách hàng, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, HTX đã từng bước hoàn thiện các thủ tục cần thiết để xây dựng thương hiệu Cao gắm Bảo An. Hiện sản phẩm cao gắm đã được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn về chất lượng, có bao bì, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc…
Bên cạnh tiếp tục mở rộng sản phẩm Cao Gắm, HTX Đức Mai vẫn duy trì các lĩnh vực là chăn nuôi và kinh doanh, quản lý chợ nông thôn, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương. Ông Lường Thái Biên, Bí thư Đảng ủy xã Quân Hà (huyện Bạch Thông), đánh giá, hiện nay xã Quân Hà đang phấn đấu cuối 2021 đạt chuẩn nông thôn mới, do đó, những mô hình kinh tế như của cựu chiến binh Trương Văn Phấn là tấm gương để bà con trong xã học tập theo để phát triển thu nhập.
Khi thì lăn lộn cả ngày với trang trại chăn nuôi, chăm sóc vùng cây nguyên liệu, lúc lại xắn tay cùng công nhân sản xuất, khi lại mày mò cặm cụi với thiết kế cho hệ thống nấu cao mới… lịch làm việc của ông Phấn hầu như không mấy khi có thời gian trống.
“Trong thời gian tới, đơn vị đang có ý định mở rộng quy mô sản xuất, nâng công suất hoạt động, chế biến đa dạng các sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu, lựa chọn của khách hàng. HTX mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm để cao gắm Bảo An ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh…”, ông Phấn cho biết thêm.
“Hợp tác xã đang chuẩn bị để nâng công suất dây chuyền sản xuất lên 2-3 lần, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường. Sức khỏe bây giờ đã tạm ổn, mình còn sức khỏe thì phải phát huy tinh thần bộ đội cụ Hồ”.
Ông Trương Văn Phấn.
Công Luận
- TP. Hồ Chí Minh: Tổ chức Hội thi “Nông dân với pháp luật” năm 2024
- Hội Nông dân huyện Trực Ninh ra mắt 03 Câu lạc bộ “Nông dân bảo vệ môi trường”
- Hội Nông dân huyện Vũ Quang tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới
- Cà Mau: Gần 100 ngàn hội viên hộ nông dân ký cam kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm