Làng nghề truyền thống tạc tượng Sơn Đồng mở hội
Làng nghề ở Sơn Đồng là làng nghề điêu khắc tượng và làm đồ thờ truyền thống, có lịch sử hình thành và tồn tại gần một nghìn năm nay, Tương truyền, làng nghề Sơn Đồng đã hình thành và phát triển kể từ khi nền văn hoá Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam ... Kỹ thuật sơn son thếp vàng trên tượng, đồ thờ Sơn Đồng rất tinh xảo, luôn được đánh giá cao.
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Đức Hiệp bên sản phẩm tượng của làng Sơn Đồng có kỹ thuật sơn son thếp vàng rất tinh xảo
Trong thời kỳ phong kiến, làng nghề có hàng trăm người thợ được phong tước Bá hộ kỹ nghệ (nay gọi là nghệ nhân). Danh tiếng của các nghệ nhân Sơn Đồng lan khắp miền Bắc. Các đình, chùa, miếu mạo các nơi, muốn có tượng Phật, đồ thờ đẹp đều phải tìm đến Sơn Đồng. Các công trình kiến trúc cổ kính của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến như Văn miếu Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, chùa Một Cột… đều có dấu ấn những đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân Sơn Đồng tham gia. Qua bàn tay tài tình của những người thợ, những gốc cây xù xì vô hồn thoắt biến thành nhiều pho tượng lớn, nhỏ sống động, từ bi, chứa đựng tâm tư, tình cảm và sự tôn kính của người dân. Các tác phẩm cũng gửi gắm những mong cầu của nhân dân cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ngày 10/6/2002, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng ra Quyết định số 20/QĐ-UB thành lập Hiệp hội Làng nghề Mỹ nghệ Sơn Đồng. Cùng với đó, để bảo vệ và xây dựng thương hiệu làng nghề Sơn Đồng ngày càng phát triển bền vững, năm 2013, làng nghề mỹ nghệ xã Sơn Đồng đã triển khai thủ tục Đăng ký nhãn hiệu tập thể nghề điêu khắc, tạc tượng và đồ thờ sơn son thếp vàng, bạc Sơn Đồng. Tháng 9/2015, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học Công nghệ đã ra quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn cho Hội Làng nghề mỹ nghệ xã Sơn Đồng quản lý và sử dụng Nhãn hiệu 20 nhóm sản phẩm làm từ gỗ sơn son thếp vàng, thếp bạc.
Sơn Đồng: Làng nghề tiêu biểu của Việt Nam
Hiện nay, cả xã có hơn 4.000 lao động làm nghề thủ công mỹ nghệ thường xuyên, trong đó có đến hơn một nửa là thợ giỏi và nhiều thợ giỏi được tôn vinh, phong danh hiệu nghệ nhân. Sản phẩm của Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chiếm khoảng trên 50% thị phần toàn quốc về tượng và đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc phủ màu hoàng kim, phục vụ mảng đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Hiện nay, Sơn Đồng có 47 nghệ nhân được UBND thành phố Hà Nội và Trung ương Hội làng nghề Việt Nam phong tặng. Đặc biệt, cá nhân ông Nguyễn Viết Thạnh – Chủ tịch Hội làng nghề xã Sơn Đồng được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Đến Sơn Đồng ngày nay, khách hàng không chỉ cảm nhận được những nét đẹp văn hoá truyền thống, mà còn nhìn nhận rõ những sự đổi thay do thế hệ trẻ Sơn Đồng tạo dựng lên. Lớp nghệ nhân trẻ đó không ngừng mày mò, sáng tạo, đổi mới sao cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Họ không những kế thừa những nét tài hoa về tay nghề, mà còn rất năng động trong sự biến đổi của thị trường, đã và đang giúp cho thương hiệu “làng nghệ Mỹ nghệ Sơn Đồng” ngày càng phát triển mạnh mẽ và rộng lớn.
Chia sẻ với phóng viên, Nghệ nhân Nguyễn Đức Hiệp - Đồ thờ Đức Hiệp Sơn Đồng, truyền nhân đời thứ 3 của dòng họ Nguyễn Đức - Bá hộ kỹ nghệ Sơn Đồng cho biết: “Những lớp nghệ nhân trẻ của Sơn Đồng như chúng tôi hôm nay, được kế thừa những tinh hoa của các lớp nghệ nhân đi trước, tình yêu với nghệ thuật điêu khắc truyền thống chắc chắn sẽ nỗ lực viết tiếp trang sử làng nghề và làm rạng danh quê hương mình”.
Đại diện Chư Tôn Đức Ban Văn Hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Ban Tôn giáo Chính phủ thăm quan Gian trưng bày sản phẩm của Nghệ nhân trẻ Nguyễn Đức Hiệp
Đó cũng là nguyên nhân và lý do UBND huyện Hoài Đức tổ chức Lễ hội thiết kế sáng tạo làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng năm 2023. Hi vọng đây sẽ là một sân chơi cho các thế hệ nghệ nhân Sơn Đồng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau thưởng lãm những sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật điêu khắc, tạc tượng, sơn son thếp vàng đồ thờ. Ban Tổ chức cũng hy vọng, thông qua Lễ hội này, danh tiếng của làng nghề Sơn Đồng sẽ tiếp tục bay cao, bay xa.
“Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương”