Công tác Hội

Lào Cai: Vượt khó xây dựng nông thôn mới, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc

Minh Tú - Việt Tùng - 16:30 19/12/2023 GMT+7
Tuy Lào Cai có những khó khăn đặc thù của tỉnh biên giới, nhưng nhờ sự đồng sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân cùng các ban ngành đoàn thể, trong đó có các cấp Hội Nông dân, địa phương này đã đạt được thành tích đáng khích lệ trong xây dựng nông thôn mới: Toàn tỉnh hiện có 62/127 xã "về đích", tăng 19 xã so với năm 2018, có 2 đơn vị cấp huyện được công nhận huyện nông thôn mới.  

Để làm rõ vai trò chủ thể của nông dân Lào Cai và những đóng góp của các cấp Hội Nông dân tỉnh Lào Cai trong quá trình vượt khó thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM), phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã phỏng vấn ông Bùi Quang Hưng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai.

-Thưa ông, sau 13 năm thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM, hiện nay Lào Cai đã đạt được những kết quả quan trọng nào?

-Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục giành nhiều ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Do đó, sản xuất nông nghiệp duy trì nhịp độ tăng trưởng, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội nông thôn. UBND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, đề án, các chính sách đặc thù hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương và khai thác hiệu quả hệ số sử dụng đất, đẩy mạnh thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân tăng 6,07%/năm, giá trị thu hoạch trên 1ha canh tác đạt 90 triệu đồng. Tăng trưởng của nông nghiệp đạt bình quân cả giai đoạn đạt gần 6%/năm. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch phù hợp, giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, chăn nuôi, tăng tỷ trọng ngành lâm nghiệp, thuỷ sản và dịch vụ nông nghiệp. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 338,6 nghìn tấn; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 2,7 nghìn ha, giá trị sản phẩm bình quân đạt 260 triệu đồng/ha. Các cây trồng chủ lực của tỉnh được chú trọng phát triển như cây ăn quả ôn đới đạt 3.571,5 ha; cây quế đạt 57.758 ha; cây dược liệu đạt 3.692 ha; cây chè đạt 7.533,8 ha; cây chuối đạt 3.380 ha; cây dứa đạt 2.200 ha; trồng rừng được phát triển theo hướng đa mục đích, mỗi năm trồng mới từ 8-10 nghìn ha; kết hợp với bảo vệ và phát triển rừng ổn định, bền vững; tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,1%. Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh môi trường với tổng đàn gia súc đạt trên 600 nghìn con. Toàn tỉnh hiện có 163 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, có 292 sản phẩm được xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu tập thể.

UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều Nghị quyết, đề án, chính sách đặc thù hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Ảnh minh hoạ (Tư liệu).

Nông thôn Lào Cai được quan tâm đầu tư phát triển, đặc biệt về kết cấu hạ tầng nông thôn. Đến nay, 100% số xã có đường nhựa, bê tông đến trung tâm, 100% thôn, bản có đường bê tông và cấp phối, các cơ sở vật chất trường, lớp học được quan tâm đầu tư; mạng lưới y tế phát triển từ tỉnh đến thôn bản, các trạm y tế cơ bản đáp ứng được bộ tiêu chí quốc gia về y tế, hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao được quan tâm đầu tư phát triển và phát huy hiệu quả. Hệ thống các công trình thủy lợi, điện, nước nông thôn được quan tâm đầu tư phát triển mạnh cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt ở địa bàn nông thôn... môi trường nông thôn được cải thiện; an ninh, trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Đến nay, toàn tỉnh Lào cai có 62/127 xã về đích nông thôn mới, tăng 19 xã so với năm 2018, có 02 đơn vị cấp huyện được công nhận nông thôn mới. Trong thành công đó có sự đóng góp của Hội Nông dân các cấp trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân cùng thực hiện.

- Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) và Chuyển đổi số trong nông nghiệp đang được các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân đẩy mạnh nhằm tạo ra sự đột phá về chất lượng, năng suất, đồng thời tăng lợi thế cạnh tranh. Hội Nông dân tỉnh Lào Cai đã tổ chức thực hiện những nội dung này như thế nào, thưa ông?

Các hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Lào Cai đều hướng vào xây dựng người nông dân có văn hóa, có lối sống lành mạnh, có lòng yêu nước, có tinh thần tự lực, tự cường, có kiến thức về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, xã hội, pháp luật, thị trường và hội nhập. Nông dân tiếp cận, đưa khoa học mới vào sản xuất nông nghiệp theo xu thế thời đại CNH, HĐH, nông dân thời kỳ Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, từng bước giúp nông dân trở thành chuyên nghiệp, bước đầu thực hiện và làm quen với kinh tế số, chuyển đổi số trong nông nghiệp. Nhiều nông dân đã biết ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông sản hàng hóa, xuất hiện nhiều nông dân “khởi nghiệp” với mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với năng lực và điều kiện của gia đình.., đã phần nào đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng với cơ chế thị trường hiện nay.

Hội Nông dân các cấp đã chủ động tuyên truyền sâu rộng tới hội viên nông dân về vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội; các thông tin, kiến thức về khoa học và công nghệ, các mô hình, các điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

Các cấp Hội đã tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đat tiêu chuân chất lượng VietGAP, GlobalGAP; phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cho trên 93 nghìn lượt hội viên; hướng dẫn thành lập mới và duy trì hoạt động của 83 hợp tác xã, tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị; tổ chức tập huấn, hướng dẫn, vân đông hôi viên sử dụng và truy cập mạng Internet, các trang mạng xã hội để khai thác thông tin về thị trường, giá cả, cập nhật quy trình sản xuất mới tiên tiến phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng trang fanpage “Sản phẩm của nông dân Lào Cai” giúp nông dân đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Ảnh minh hoạ (Tư liệu).

Hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản cho nông dân được quan tâm đẩy mạnh. Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng trang fanpage “Sản phẩm của nông dân Lào Cai” và phối hợp với Bưu điện tỉnh Lào Cai triển khai kế hoạch đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn nhằm kết nối, tiêu thụ nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn. Các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản đặc hữu của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của địa phương, của Hội, sàn thương mại của các đơn vị nhằm đẩy mạnh phối hợp, hỗ trợ liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong tỉnh và các tỉnh bạn như thành phố Hà Nội, tỉnh Ninh Bình, Hà Giang, Sơn La, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Phú Thọ... hỗ trợ nông dân duy trì các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, 17 nhãn hiệu tập thể...; vận động doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi với các sản phẩm chè, dược liệu, rau, hoa, lúa, gạo, ngô... Các cấp Hội đã vận động và hướng dẫn hội viên, nông dân ký cam kết về tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa, an toàn.

- Với đặc điểm là một tỉnh có đường biên giới quốc gia, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai đã vận động hội viên nông dân như thế nào để vừa gia tăng sản xuất, giảm nghèo bền vững vừa góp phần bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh biên giới quốc gia?

Lào Cai là một tỉnh cửa ngõ biên cương phía Tây Bắc của tổ quốc có 203km đường biên giới với Trung Quốc, có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế - chính trị  -an ninh - quốc phòng. Lào Cai nằm ở vị thế “đầu cầu” nối liền Tỉnh Vân Nam và cả vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc với đồng bằng Bắc bộ, có điều kiện thuận lợi về giao thông, có cả đường thuỷ, đường bộ và đường sắt. Suốt hàng nghìn năm lịch sử, 25 dân tộc anh em cùng sinh sống ở Lào Cai luôn vững vàng ở thế đứng tiền tiêu. Xưa kia, phong kiến phương Bắc đã 8 lần xua quân xâm lược nước ta trong đó có 6 lần đi qua Lào Cai và chúng đã vấp phải sức mạnh đoàn kết, chống trả kiên cường của đồng bào các dân tộc. Từ khi thành lập tỉnh Lào Cai đến nay, người dân biên cương đã viết tiếp những trang sử vàng oanh liệt về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Bùi Quang Hưng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai. Ảnh Minh Tú.

Với đặc điểm vị trí địa lý và lịch sử của địa phương, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; chủ động phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân; nâng cao cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhất là âm mưu lợi dụng tôn giáo, dân tộc, dân chủ, để kích động chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.

Tại các địa bàn các xã biên giới, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đường biên, mốc giới; phối hợp với lực lượng biên phòng tăng cường tuần tra, quản lý địa bàn biên giới, quản lý hộ tịch, hộ khẩu, thường xuyên nắm tình hình ở cơ sở, xây dựng các “điểm sáng biên giới”; giáo dục ý thức cảnh giác cách mạng trước âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.

Các cấp Hội đã vận động hội viên nông dân tham gia 46 đợt tuần tra, 3.870 công lao động phát quang đường tuần tra, cung cấp nhiều tin quan trọng phục vụ công tác của Bộ đội Biên phòng; tổ chức 879 cuộc tuyên truyền cho 84.443 hội viên nông dân nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tổ chức 10 lớp tập huấn về Luật tín ngưỡng tôn giáo cho 725 người; phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức 18 lớp tập huấn kiến thức quốc phòng, an ninh cho 523 người về Luật Nghĩa vụ quân sự, chính sách hậu phương quân đội, Luật An ninh mạng; phối hợp Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên nông dân ở tại thôn, bản các xã biên giới. Hội đã tập trung xây dựng “Điểm sáng biên giới” tại thôn Nậm Sò, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng; xã Cốc Mỳ, A Mú Sung, Y Tý, Bản Vược huyện Bát Xát... với các hoạt động tuyên truyền, vận động và xây dựng đường điện, đường hoa., đồng thời duy trì và thành lập mới 220 mô hình tự quản về an ninh, trật tự (do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn thành lập) với 4.696 hộ tham gia... Những hoạt động này đã góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn Lào Cai.

Thành công trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia giữ gìn an ninh Tổ quốc đã nhân lên nhờ sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên nông dân, góp phần làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

-  Thưa ông, là một tỉnh miền núi, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, địa bàn rộng, đông dân tộc anh em cùng sinh sống, tỉnh Lào Cai đã vượt qua khó khăn như thế nào để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đạt hiệu quả như hiện nay?

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Lào Cai trong những năm qua đạt được nhiều kết quả quan trọng, song bên cạnh đó còn những hạn chế nhất định như: Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 xảy ra đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân; nông nghiệp phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên và dịch vụ du lịch; quy mô sản xuất hàng hóa còn nhỏ lẻ, năng suất lao động còn thấp; chất lượng sản phẩm nông sản chưa cao, sức cạnh tranh thấp; một bộ phận nông dân vùng cao còn gặp nhiều khó khăn. Đến năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo còn 19,3%, cận nghèo 12,2%; còn 4 huyện tỷ lệ hộ nghèo trên 30%; hạ tầng nông thôn còn chưa đồng bộ; các hình thức liên kết sản xuất chưa chặt chẽ, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa nhiều; vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới còn thiếu, một số vấn đề xã hội và môi trường, tệ nạn ở nông thôn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.

Nông dân xã Nàn Sán phối hợp với Đồn Biên phòng Si Ma Cai khảo sát vành đai biên giới tại khu vực cột mốc 170 và 171.

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên, nông dân ở một số cơ sở Hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả còn chưa cao. Việc nắm tình hình tư tưởng và những bức xúc của hội viên, nông dân có lúc, có nơi chưa chủ động, chế độ thông tin báo cáo chưa kịp thời. Một số cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa phù hợp, nhưng chậm sửa đổi, bổ sung, chưa tạo điều kiện tốt cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân ở một số nơi còn chưa thường xuyên, chưa quan tâm hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, quảng bá xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản cho hội viên nông dân.

Để khắc phục khó khăn, trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến kịp thời chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xây dựng nông thôn mới; các chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nông dân và các Nghị quyết của Hội đến cán bộ, hội viên, nông dân. Chú trọng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những khó khăn, bức xúc của nông dân để phản ánh, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền. Các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác giáo dục, khơi dậy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường vươn lên của nông dân thông qua việc biểu dương các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; phổ biến những mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và bền vững, những kinh nghiệm cách làm hay, sáng tạo.

Các hình thức thông tin, tuyên truyền cũng sẽ được các cấp Hội trong tỉnh vận dụng linh hoạt thông qua đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi Hội, tổ Hội, phát huy hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số thông qua các phần mềm, các trang mạng xã hội, báo, đài. Hội sẽ thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp giữa nông dân với chính quyền, các ngành và doanh nghiệp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền sâu rộng các hoạt động, các mô hình điển hình trong công tác Hội và phong trào nông dân, nhân rộng các loại hình câu lạc bộ nông dân hoạt động có hiệu quả ở cơ sở.

Các cấp Hội trong tỉnh cũng sẽ tổ chức có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội; tích cực tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trực tiếp thực hiện một số chương trình phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn nông thôn.

- Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII sẽ diễn ra vào cuối tháng 12 năm nay. Ông hi vọng như thế nào về sự phát triển của Hội Nông dân Việt Nam trong nhiệm kỳ tới?

Một trong những điểm mới trong cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VIII sẽ là giảm số lượng thành viên Ban chấp hành Trung ương hội, tăng cơ cấu doanh nghiệp. Theo tôi, đây là một hướng phát triển đúng đắn, bởi lẽ số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp và tiêu thụ nông sản sẽ được tăng lên sẽ góp phần giúp việc tăng cường hợp tác, liên kết với nông dân để nông dân sản xuất kinh doanh tốt hơn.

Ngoài ra, 3 nhiệm vụ trọng tâm đột phá sẽ được thảo luận tại Đại hội gồm: Đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp, đoàn kết nông dân; Tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; Nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân và cán bộ hội các cấp. Đây là những vấn đề, những nhiệm vụ quan trọng mà cá nhân tôi kỳ vọng sẽ được các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm thành công, những khó khăn và giải pháp khắc phục cụ thể, từ đó giúp các cấp Hội triển khai có hiệu quả công tác trong 5 năm sắp tới.

Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Tin khác