Xã hội

Lễ cúng cầu mưa của người Ê Đê ở thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

13:38 30/04/2024 GMT+7
Vào khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm, khi mùa khô Tây Nguyên bước vào giai đoạn cao điểm, thì bà con các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên lại tổ chức Lễ cúng cầu mưa. Đây là nghi lễ mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, buôn làng ấm no.

Giữa sân nhà cộng đồng buôn Ky, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, tiếng thầy cúng khấn gọi thần linh hòa vào tiếng chiêng rộn ràng. Lời khấn có đoạn: “Hỡi các thần linh… hỡi ông bà tổ tiên… cùng về đây chứng kiến buôn Ky làm lễ cúng cầu mưa, phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mùa vụ bội thu. Phù hộ cho bà con có nhiều sức khỏe, cuộc sống bình yên, không có dịch bệnh sảy đến đối với con người, cây trồng và vật nuôi…”

le cung cau mua cua nguoi E De o thanh pho buon ma thuot, Dak lak hinh anh 1
Lễ cúng cầu mưa được thực hiện tại sân nhà cộng đồng buôn Ky, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

Kết thúc bài cúng, thầy cúng làm nghi thức dâng lễ mời các thần (Yang) với lễ vật gồm một con gà trống và ché rượu cần. Tiếp đó là nghi thức dọn rẫy, trỉa lúa, săn bắn thú dữ, xua đuổi các loài động vật phá hoại mùa màng. Cuối cùng là nghi thức hắt nước tạo mưa, gửi gắm mong muốn của người dân cầu mong trời cho mưa đều để cây cối lên xanh tốt, không bị sâu bệnh, chim thú phá hại.

Già làng Y Bang Byă (thường gọi là Aê Y Rắk), ở buôn Ky cho biết, đây là một hình thức sinh hoạt cộng đồng được người Ê Đê lưu truyền qua bao đời nay: “Trong một năm một lần bà con phải gặp mặt nhau, giao lưu về cuộc sống, sản xuất và nông nghiệp. Trong các buôn, ngày đó là ngày lễ để mà gặp nhau, học hỏi nhau, truyền đạt những vấn đề trong nông nghiệp, cầu cho mùa mưa năm nay đạt được mùa màng và đem lại cơm no áo ấm, càng ngày cuộc sống của người dân càng tốt đẹp hơn”.

le cung cau mua cua nguoi E De o thanh pho buon ma thuot, Dak lak hinh anh 2
Căn chòi do người dân dựng nên, đây là nơi đặt các lễ vật và biểu thị sự kết nối giữa con người với thần linh

Sau lễ cầu mưa, mọi người di chuyển lên nhà cộng đồng để làm lễ cúng sức khỏe cho già làng và cùng uống rượu cần, giao lưu văn nghệ, diễn tấu nhạc cụ. Đây cũng là dịp để người Ê Đê nhắc nhở con cháu về một nghi lễ độc đáo, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc.

Trực tiếp chuẩn bị cho nghi lễ cùng với người dân trong buôn, anh Y Long Niê Siêng, ở buôn Ky, thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Đối với đoàn viên thanh niên chúng tôi thì rất là ý nghĩa. Thứ nhất, là bảo tồn, duy trì văn hóa của đồng bào người Ê Đê tại chỗ. Thứ hai, là chúng tôi được học hỏi về công tác chuẩn bị cũng như là các khâu chuẩn bị chu đáo để làm sao cho lễ cầu mưa được đảm bảo, để tiếp tục có thể duy trì, lưu giữ được cho các thế hệ mai sau”.

le cung cau mua cua nguoi E De o thanh pho buon ma thuot, Dak lak hinh anh 3
Hình ảnh các con vật như voi, nhím, hổ… tượng trưng cho thú dữ phá hoại mùa màng

Lễ cúng cầu mưa, người Ê Đê gọi là “Kăm mah” là một nghi lễ truyền thống được thực hiện hàng năm, sau khi bà con đã dọn sạch rẫy, chỉ chờ mưa xuống để tiến hành trồng tỉa, gieo hạt. Nghi lễ thường được tiến hành vào cuối tháng 3 hoặc trong tháng 4, khi thời tiết vào cao điểm mùa khô hạn. Người Ê Đê quan niệm, sau lễ “Kăm mah” thì bà con mới được phép trồng tỉa các loại hoa màu để được mưa thuận gió hòa, không bị các thú rừng, chim chóc phá hoại.

Theo ông Y Ơm Ênuôl (ama H’Lim), Bí thư Chi bộ buôn Ky, trước những tác động của đô thị hóa, đời sống nông nghiệp của buôn làng đã có nhiều thay đổi, kéo theo những thay đổi trong các lễ nghi và tín ngưỡng trong nông nghiệp. Tuy vậy, những năm gần đây, với sự hỗ trợ của nhà nước và ngành văn hóa, một số nghi lễ truyền thống được khôi phục và duy trì trong buôn làng.

le cung cau mua cua nguoi E De o thanh pho buon ma thuot, Dak lak hinh anh 4
Nghi thức trồng tỉa, gieo hạt

Ông Y Ơm Ênuôl cho biết: “Với sự chỉ đạo của thành phố, của tỉnh để bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, cho nên chúng tôi vẫn cố gắng dàn dừng lại theo tập quán ngày xưa, có ý nghĩa để con cháu sau này biết và sẽ duy trì”.

Cùng với lễ cúng cầu mưa, ở buôn Ky hiện nay vẫn còn giữ được bến nước và nghi lễ cúng bến nước. Đội chiêng, đội múa dân vũ của buôn vẫn được duy trì tập luyện và đi biểu diễn trong nhiều chương trình giao lưu văn hóa của tỉnh, thành phố. Đây cũng là cách để người dân, nhất là thế hệ trẻ trong buôn làng biết đến, hiểu hơn và chung tay gìn giữ những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác