Liên Hợp Quốc sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai
Tham dự và chủ trì cuộc họp có ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bà Pauline Fatima Tamesis, Điều Phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam cùng các tổ chức quốc tế, đơn vị đối tác nước ngoài tại Việt Nam.
Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến thời điểm hiện nay bão số 3 là cơn bão được ghi nhận mạnh nhất trên thế giới và ở Việt Nam. Bão số 3 đã làm 24 người chết, gần 250 người bị thương; là cơn bão tăng tốc nhanh nhất trong thời gian ngắn với cường độ mạnh nhất; thời gian hoạt động và tàn phá trên đất liền cũng kéo dài nhất gây thiệt hại nặng nề về người và cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về điện, viễn thông thông tin liên lạc, sản xuất nông nghiệp.
Nhấn mạnh về những nhu cầu cấp bách để khắc phục hậu quả và hỗ trợ người dân vùng thiên tai trong thời điểm hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho biết, hoàn lưu bão số 3 đang gây mưa rất lớn cho các địa phương khu vực miền núi phía Bắc, nguy cơ rất cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đối với người dân ở khu vực này.
“Hỗ trợ về hạ tầng các trường học để để học sinh trở lại trường nhanh nhất, khôi phục lại nhà cửa cho người dân là việc rất cấp bách và quan trọng nhất lúc này. Chúng tôi cũng rất cần sự hỗ trợ đảm bảo nhanh chóng lại cho cái khôi phục lại hạ tầng sản xuất và những hoạt động liên quan đến hạ tầng cho các tỉnh miền núi, đặc biệt là chúng tôi lo ngại nhất là sắp tới sẽ có những đợt sạt lở rất lớn tại khu vực miền núi và sẽ gây chia cắt, cần phải có hỗ trợ ngay" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp bày tỏ.
Để hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 một cách kịp thời và hiệu quả, giúp công tác cứu trợ không bị trùng lặp, tránh lãng phí, bên cạnh hỗ trợ về hàng hóa và tiền mặt, những nội dung cần tập trung gồm: Sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng tránh dịch bệnh, lương thực, thực phẩm, dinh dưỡng để đảm bảo cung cấp các nhu cầu cấp thiết cho người dân bị ảnh hưởng trong đó chú trọng vào các nhóm đối tưởng dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai, trẻ em, gia đình nghèo, neo đơn và người khuyết tật…
Một số ý kiến đề xuất thành lập Nhóm công tác đánh giá nhanh và kế hoạch thực hiện đánh giá nhanh những thiệt hại của bão số 3 nói chung, những loại hình thiên tai mà bão số 3 gây ra để tập trung được nguồn lực của các Đối tác giảm nhẹ thiên tai, hỗ trợ kịp thời cho các địa phương và người dân vùng thiên tai.
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước mắt, Bộ yêu cầu Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Văn phòng Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai tổ chức hỗ trợ các Đối tác triển khai công tác hỗ trợ khẩn cấp đến các địa phương; phối hợp kiểm tra, đảm bảo công tác cứu trợ được thực hiện đúng đối tượng; thông báo, cập nhật tình hình thiên tai tới các đối tác để đảm bảo công tác cứu trợ an toàn đồng thời triển khai các thủ tục tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ khẩn trương và hiệu quả.
Chia sẻ với những mất mát và thiệt hại về cơ sở hạ tầng do bão số 3 gây ra, đại diện Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bà Pauline Fatima Tamesis, Điều Phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam khẳng định, Liên Hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đồng thời cam kết phối hợp với các đối tác huy động nguồn lực và cung cấp các hỗ trợ thiết yếu cho các địa phương và người dân khu vực chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
“Chúng tôi sẽ bắt đầu đánh giá và xác định hoạt động hỗ trợ từ những thông tin thiên tai đã nhận được. Chúng ta cũng thấy được sự sẵn sàng của các đối tác trong việc cam kết hỗ trợ người dân vùng thiên tai. Để hoạt động cứu trợ hiệu quả cũng rất cần sự phối hợp của các cơ quan phòng chống thiên tai của Việt Nam thông qua các văn bản để đánh giá xem mức độ thiệt hại để có thể huy động thêm các nguồn lực hỗ trợ”.
Hiện tại, các đối tác đã đề xuất hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão số 3 gồm: Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA Centre) hỗ trợ 2.000 bộ dụng cụ gia đình, 1.000 bộ sửa nhà; 1.000 bộ đồ bếp; 3.000 bộ vệ sinh cá nhân; Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ bộ lọc nước trực tiếp, bạt nhựa, chăn màn; Chính phủ Thụy Sĩ hỗ trợ nước uống, lều gia đình và lều đa năng, bộ dụng cụ sửa chữa…
Dự kiến trong các ngày 10-11/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức 3 đoàn công tác đánh giá thiệt hại cụ thể tại các địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất là Quảng Ninh và Hải Phòng./.