Liên kết nuôi cá tra, nông dân thoát cảnh “treo ao”
Vận động, liên kết cùng thành lập HTX
Ông Huỳnh Thanh Bình - Hội viên Hội ND xã Vĩnh Bình, vốn là một nông dân mê cá tra. Vì lăn lộn trong nghề nên khi chứng kiến cảnh bà con trong vùng làm ăn tự phát, liên tục rơi vào cảnh “treo ao”, thua lỗ, nên ông đứng ra vận động, liên kết các hộ cùng thành lập HTX nông nghiệp.
Ông chia sẻ: Nhằm phát huy sức mạnh của tập thể, thông qua hợp tác, tương trợ giúp nhau giữa những người nông dân nuôi cá tra ở địa phương, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Ngay từ năm 2010, tôi đã chủ động vận động, động viên các thành viên nuôi cá tra nhỏ lẻ ở địa phương để tập trung sản xuất với quy mô lớn hơn, đồng thời thành lập HTX Nông nghiệp Thủy sản Thắng Lợi nhằm tạo điều kiện cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nông dân, hướng tới xuất khẩu và ổn định lâu dài trong sản xuất
HTX thành lập với 12 thành viên và ông Bình được tín nhiệm bầu làm Giám đốc. Ngay từ những ngày đầu, ông Bình và những người sáng lập đã xác định tổ chức HTX chính là đầu tàu, mắt xích quan trọng của các hộ nông dân thành viên trong mối liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông. Đặc biệt là trong mối quan hệ hợp tác giữa nhà doanh nghiệp - nhà nông để tìm ra hướng đi, giải pháp bền vững cho đầu ra của hộ thành viên cùng nhau phát triển.
Theo ông Bình, với kinh nghiệm 15 năm nuôi cá tra xuất khẩu, phải liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thì sản xuất mới thành công. Sản xuất liên kết theo chuỗi chấp nhận lãi không cao như thị trường bên ngoài, nhưng người nuôi cá tra được bảo đảm an toàn từ đầu vào nguyên liệu, đến đầu ra sản phẩm, không bị áp lực vốn mua thức ăn. Đặc biệt, người nuôi được hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao chất lượng, tranh thủ sự hỗ trợ chuyên gia, nhà khoa học, chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hạn chế tối đa tỷ lệ hao hụt, nâng cao hiệu quả kinh tế. Từ năm 2015, sản phẩm cá tra của HTX Thắng Lợi được công nhận chuẩn VietGAP tạo điều kiện cho thành viên làm ăn, tự tin đồng hành cùng doanh nghiệp, giảm tải áp lực đầu ra thị trường.
Đột phá với tư duy “hợp tác đầu tư”
Sau hơn 10 thành lập, HTX Thắng Lợi đã trở thành mô hình liên kết tiêu biểu để các địa phương tham khảo và áp dụng. Nhìn lại chặng đường đã qua, theo ông Huỳnh Thanh Bình, nhân tố quyết định thành công chính là sự đổi mới tư duy trong liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, từ hợp đồng bao tiêu thông thường lên hợp đồng chia sẻ lợi nhuận.
Theo ông Bình, thị trường xuất khẩu của cá tra thường biến động về giá cả, do các rào cản về thương mại, kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu. Giá cá bấp bênh nên hộ thành viên nuôi cá của HTX gặp rất nhiều khó khăn, đầu ra không ổn định, có những năm người nuôi lỗ nặng. Trong khi, nghề nuôi cá tra xuất khẩu đòi hỏi nguồn vốn rất lớn (mỗi ao nuôi 5.000m2, cho sản lượng 150 tấn, phải đầu tư từ 3 - 4 tỷ đồng/vụ nuôi). Nguồn vốn chủ yếu là vay ngân hàng, nếu thua lỗ không trả vốn và lãi đúng hạn thì ngân hàng ngừng cho vay coi như phải “treo ao”.
“Để tháo gỡ khó khăn này, nhằm tạo niềm tin cho các thành viên yên tâm, thời gian đầu HTX đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp. Đây là một vấn đề lớn và phức tạp. Bởi để làm được điều này đòi hỏi phải có sự tin tưởng, thống nhất của các thành viên để tránh tình trạng “bẻ kèo”. Tiếp đó phải có đánh giá độ tin cậy của công ty đối tác, đàm phán và ký kết hợp đồng phải chặt chẽ, công bằng trên cơ sở pháp lý cũng như việc chia sẻ lợi nhuận để hướng tới một cam kết làm ăn bền vững và lâu dài” ông Bình nói.
Bởi vậy, khi HTX thực hiện ký hợp đồng với Công ty Sao Mai An Giang với phương thức giá cố định. Nhưng khi giao cá giá thị trường tăng thì phần tăng hộ thành viên được hưởng 50%. Nếu thị trường sụt giá dưới 24.000 đồng/kg, Công ty vẫn thanh toán 24.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo ông Bình, bên cạnh ưu điểm thì hình thức hợp đồng này cũng bộc lộ hạn chế do các công ty thường thanh toán chậm, làm cho người nuôi cá luôn ở thế bị động về nguồn vốn để tái đầu tư. Những năm mất giá người nuôi vẫn lỗ. Do vậy HTX đã thực hiện hình thức “hợp tác đầu tư” với doanh nghiệp chế biến.
Để “nâng tầm” hợp đồng, ông Bình đã cùng lãnh đạo HTX tiến hành đàm phán với Nhà máy chế biến thủy sản Sao Mai, thỏa thuận nội dung hợp đồng mới trên cơ sở nhà máy cung cấp thức ăn, thuốc thú y, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Thành viên HTX tổ chức nuôi, giao sản phẩm cho Công ty và hưởng giá trị trên cơ sở sản lượng và phần chi phí do tiết kiệm được trong quá trình nuôi.
Cách làm mới này hộ thành viên không phải đầu tư vốn nhiều, ít rủi ro, chỉ cần tổ chức nuôi cá đạt yêu cầu theo hợp đồng với chi phí thấp nhất có thể. Thực tế trong 5 năm qua, người nuôi có thu nhập khá ổn định dao động trong khoảng từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/kg cá, tùy điều kiện của từng hộ nuôi, bất chấp mọi biến động của thị trường. Từ năm 2016 - 2020, HTX giao cho Công ty 6.700 tấn -7.200 tấn/năm. Doanh thu trung bình hàng năm đạt 2.253 tỷ đồng, đem lại thu nhập cho mỗi hộ thành viên 472,15 triệu đồng.
“Sở dĩ, HTX ký hợp đồng theo hình thức “hợp tác đầu tư” với Công ty Sao Mai hàng năm với sản lượng lớn là nhờ luôn thực hiện đầy đủ các cam kết với Công ty trong nhiều năm qua. Đây chính là đối tác mà các công ty chế biến cá tra xuất khẩu cần, vì bất cứ công ty chế biến nào cũng cần một nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định và chất lượng” ông Bình phân tích.
Đổi mới tư duy trong hợp tác kinh doanh giúp HTX Thắng Lợi vượt qua được những thăng trầm của nghề nuôi cá tra. Các thành viên tin tưởng vào lãnh đạo HTX và yên tâm đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây cũng là nền tảng để HTX tiếp tục tìm ra giải pháp vượt khó trong giai đoạn hiện nay, khi người nuôi cá tra nói riêng và các lĩnh vực nông sản khác đang đối mặt với thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra.
Theo hợp đồng liên kết, các thành viên HTX bỏ ra gồm: ao nuôi, con giống và công nuôi, còn doanh nghiệp đầu tư tiền thức ăn từ ngày cá giống nhập ao đến lúc bắt cá thành phẩm. Cứ 1kg cá thành phẩm, nhà máy trả cho người nuôi từ 6.000-10.000 đồng/kg tiền công nuôi, tùy vào giá cá tra giống trên thị trường cao hay thấp. Công ty đảm bảo cho người nuôi sau khi trừ chi phí có lãi từ 3.000-6.000 đồng/kg.