Diễn đàn

Lo ngại khuynh hướng phân phối theo vốn lấn át phân phối theo lao động làm lu mờ bản chất của hợp tác xã

Thanh Thanh - 15:04 31/05/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Khẳng định Dự thảo Luật Hợp tác xã (HTX) 2023 đã tăng tính linh hoạt của khu vực HTX song nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi để trục lợi cũng như khuynh hướng phân phối theo vốn lấn át phân phối theo lao động, làm lu mờ bản chất của HTX.
TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS trình bày tại Hội thảo

Tăng tính linh hoạt của hợp tác xã

Ngày 30/5/2023, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đã công bố nghiên cứu “Một số vấn đề kinh tế cần cân nhắc trong Dự thảo Luật HTX”.

PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho biết: Luật HTX hiện hành được Quốc hội Khóa XIII thông qua năm 2012, và bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2013 cho đến nay đã đi vào cuộc sống được gần 10 năm.

Mục tiêu chính của Luật là khuyến khích loại hình hợp tác giữa người lao động, nâng cao vị thế người lao động và hiệu quả kinh tế xã hội thông qua sự hợp tác tự nguyện giữa các cá nhân, thoát ly dần khỏi mô hình HTX truyền thống, không còn phù hợp.

Theo Giám đốc VESS, trong gần một thập kỷ tồn tại, việc thực thi Luật HTX đã bộc lộ nhiều hạn chế, cho thấy khu vực này vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng đáp ứng nhu cầu chính đáng của người lao động cũng như loại hình kinh doanh-sản xuất phù hợp với phương thức hợp tác bình đẳng này. Thêm vào đó, xuất hiện thực tế là nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước đối với loại hình HTX, núp bóng HTX để trục lợi.

“Dự thảo Luật HTX 2023 đã tăng tính linh hoạt của khu vực HTX (gia nhập thị trường thuận tiện hơn, được ưu đãi chính sách rõ ràng hơn, đặc biệt chính sách thuế, cơ chế tổ chức và hoạt động chi tiết hơn…). Tuy nhiên có một số vấn đề cần cân nhắc…”- Giám đốc VESS  lưu ý.

Làm sao tránh trục lợi?

Ngoài thay đổi về số lượng thành viên chính thức của HTX (từ có ít nhất từ 7 thành viên còn 5) và thành viên Liên hiệp HTX (từ có ít nhất từ 4 thành viên còn 3 thành viên), bổ sung thành viên Tổ hợp tác (ít nhất 2 thành viên)…, vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm chính là chính sách ưu đãi về thuế, phí và lệ phí.

Cụ thể, so với Luật hiện hành, Điều 22 dự thảo quy định: “Tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX được hưởng mức ưu đãi thuế, ưu đãi phí và lệ phí cao nhất trong cùng lĩnh vực, ngành, nghề và địa bàn theo pháp luật về thuế, phí và lệ phí”.

Không những thế, tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định pháp luật về thuế TNDN đối với: Thu nhập từ giao dịch nội bộ của HTX, Liên hiệp HTX;  Thu nhập của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX khi hoạt động tham gia liên kết với cá nhân, tổ chức khác hình thành chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức vì mục tiêu phát triển bền vững.

Ngoài ra, còn được: Miễn thuế TNDN đối với phần thu nhập hình thành quỹ chung không chia, phần thu nhập hình thành tài sản chung không chia của HTX, liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật về thuế TNDN; Miễn, giảm lệ phí trước bạ đối với cá nhân, tổ chức khi chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn vào HTX, liên hiệp HTX theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.

 “Với những chính sách ưu đãi vượt trội này, vấn đề đặt ra là làm thế nào phòng tránh/ngăn chặn khuynh hướng lợi dụng chính sách ưu đãi cho khu vực kinh tế tập thể (HTX) để trục lợi…”- TS Nguyễn Đức Thành băn khoăn.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Phân phối thu nhập - coi trọng vốn góp?

Liên quan đến phân phối thu nhập, Điều 46 Luật HTX hiện hành quy định, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, thu nhập của HTX, Liên hiệp HTX được trích lập quỹ đầu tư phát triển với tỷ lệ không thấp hơn 20% trên thu nhập; trích lập quỹ dự phòng tài chính với tỷ lệ không thấp hơn 5% trên thu nhập; Trích lập các quỹ khác đo đại hội thành viên quyết định;

Thu nhập còn lại sau khi đã trích lập các quỹ được phân phối cho thành viên, HTX  thành viên theo nguyên tắc: Chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên, HTX; theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với HTX tạo việc làm; Phần còn lại được chia theo vốn góp;

Tuy nhiên, theo Dự thảo Luật HTX 2023, sau khi trích lập quỹ chung không chia, nộp thuế, hoàn thành nghĩa vụ tài chính khác và xử lý lỗ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, thu nhập của HTX, Liên hiệp HTX được trích lập quỹ khác do Đại hội thành viên quyết định (không quy định cụ thể như Luật hiện hành);

Một điểm mới là thu nhập từ giao dịch nội bộ còn lại sau khi đã trích lập các quỹ được phân phối cho thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn theo trình tự: Tối thiểu 51% thu nhập từ giao dịch nội bộ còn lại được phân phối cho thành viên chính thức theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ và mức độ góp sức lao động; Phần còn lại được phân phối theo tỷ lệ phần vốn góp cho thành viên chính thức và thành viên liên kết góp vốn;

Đối với thu nhập từ giao dịch bên ngoài còn lại sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định được phân phối cho thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn do Điều lệ quy định.

Theo VESS, với các quy định này, khuynh hướng phân phối theo vốn (tư bản) lấn át phân phối theo lao động, làm lu mờ bản chất của HTX.  “HTX là loại hình tổ chức kinh tế dựa trên sự chi phối của con người (lao động) chứ không phải vốn (tư bản) như trong mô hình công ty…”, ông Thành lưu ý.

Khẳng định, 2 loại hình tổ chức (HTX và công ty) cùng tồn tại song song, có thể chiếm ưu thế tùy theo lĩnh vực và đặc thù công nghệ, song theo Giám đốc VESS, HTX (hoặc kinh tế tập thể) đã luôn tồn tại trong nền kinh tế hiện đại, với những ưu điểm của nó.

“Không nhất thiết đó phải là một chỉ dấu của CNXH, mà đơn giản, đó là một loại hình ưu việt trong một số hoàn cảnh (điều kiện, lĩnh vực, quy mô, mong đợi cá nhân…). Vì vậy, việc duy trì và luật hóa loại hình HTX cần dựa trên đặc tính của mô hình này, như một sự phát triển tự nhiên, hữu cơ trong nền kinh tế nói chung, không nên gò ép về vai trò xã hội, không kỳ vọng quá mức, không quản lý quá mức (đánh mất sự bình đẳng)…”- Giám đốc VESS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác