Luật Thủ đô (sửa đổi): Cơ hội lớn để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới
Ngày 25/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và Nghị quyết 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội; xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Cùng chủ trì có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Sửa Luật Thủ đô theo 5 quan điểm
Đối với nội dung xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, ngày 9/6/2023, Bộ Tư pháp đã thực hiện việc đăng tải dự thảo Luật để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức và nhân dân.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật Thủ đô năm 2012.
Đồng thời, Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; có vai trò lan tỏa, thúc đẩy Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Với mục tiêu đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng theo 5 quan điểm. Thứ nhất là thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô.
Thứ hai là quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật Thủ đô cần được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật.
Thứ ba, Luật Thủ đô (sửa đổi) bám sát 9 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua.
Thứ tư, đồng thời với việc phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền Thành phố.
Thứ năm là kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô năm 2012, cơ chế thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14, Nghị quyết số 115/2020/QH14, Nghị quyết số 160/2021/QH14 của Quốc hội; rà soát, tiếp thu các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà phù hợp với Thủ đô để đưa vào dự thảo Luật. Theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...) để lựa chọn những vấn đề đặc thù, chưa được quy định để hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sắp tới sẽ có 3 vấn đề liên quan đến Hà Nội
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sắp tới sẽ có 3 vấn đề liên quan đến Hà Nội, bao gồm: Sửa đổi Luật Thủ đô; báo cáo việc thực hiện Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô và báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội.
Đối với việc sửa đổi Luật Thủ đô, dự thảo mở rộng thêm 9 chính sách, trong đó kế thừa Luật Thủ đô hiện hành; kế thừa và luật hóa các nghị quyết của Quốc hội đã áp dụng cho các địa phương; kế thừa và luật hóa các nghị quyết của Quốc hội đã áp dụng cho Hà Nội. Đặc biệt thể chế hóa các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội được quy định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Còn trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng ý là phải có phân cấp, phân quyền, ủy quyền nhưng trọng tâm là phân quyền, giao quyền của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành cho Hà Nội và đơn vị hành chính trực thuộc.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng cho biết, cả 3 nội dung: Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tại thành phố Hà Nội; tình hình triển khai Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội và xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là những hành lang pháp lý vô cùng quan trọng để thành phố Hà Nội có thể bứt phá, góp phần đạt được mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra về phương hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu một số vấn đề cần đặt ra trong Luật Thủ đô (sửa đổi) để giải quyết những hạn chế, bất cập hiện tại, như vấn đề giao quyền cho Thủ đô quyết định các dự án đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo hình thức PPP, ví dụ hệ thống cầu qua sông trong nội bộ Thành phố; giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường; di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô; cải tạo chung cư cũ gắn với chỉnh trang đô thị…
Các quy định của Luật Thủ đô cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay, TP. Hà Nội đã có rất nhiều nỗ lực triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, của Thành phố và đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, quan trọng; sớm khắc phục, khống chế được dịch COVID-19, sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với cách làm bài bản, các cân đối lớn được bảo đảm, các ngành kinh tế tiếp tục phát triển...
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thời gian tới, TP. Hà Nội tập trung đánh giá, rà soát sâu hơn kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ, khả năng hoàn thành các mục tiêu phát triển của cả nhiệm kỳ; xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra; làm tốt hơn nữa công tác đầu tư công; triển khai tích cực, hiệu quả các quy hoạch đã có...
Đối với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là cơ hội rất lớn, tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới không chỉ của cả nước mà còn trong khu vực và thế giới.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý phải bám sát việc tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thủ đô và các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đối với Hà Nội, đây là căn cứ rất quan trọng để đề xuất, kiến tạo các chính sách phát triển Thủ đô.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phải thể chế hóa được các quan điểm mới nhất, trực tiếp nhất liên quan đến Thủ đô Hà Nội như Nghị quyết số 15-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế; trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch đẹp, an ninh, an toàn, văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển nhanh và bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải được đặt trong tổng thể của hệ thống pháp luật. Việc quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô là rất cần thiết và có thể khác với các luật hiện hành về cùng một nội dung, một lĩnh vực, nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với quy định của Hiến pháp và chủ trương của Đảng; xử lý tốt mối quan hệ giữa việc áp dụng Luật Thủ đô và các luật chuyên ngành sẽ được Quốc hội ban hành sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật. Ở đây, phải hết sức chú ý vấn đề áp dụng pháp luật.
Lưu ý Hà Nội và TPHCM là những đô thị đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phải quy định các vấn đề liên quan đến quản trị đô thị đặc biệt, đồng thời thể chế hoá được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Thủ đô. Luật Thủ đô thực chất là một đạo luật về phân quyền để thực hiện hiệu quả nhất các yêu cầu quản trị, phát triển Thủ đô trên tất cả các lĩnh vực huy động, quản lý, khai thác các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, xây dựng hệ thống chính trị Thủ đô...
Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tạo cơ sở pháp lý giúp Thủ đô tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ, các dự án tồn đọng...
"Các quy định của Luật Thủ đô cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phải cụ thể hóa được 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội khi đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Theo đó, nội dung và phạm vi điều chỉnh của Luật sửa đổi sẽ rộng hơn so với Luật hiện hành, quy định về vị trí, vai trò của Thủ đô; tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các cơ chế đặc thù trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; cơ chế tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm. Chủ tịch Quốc hội gợi ý với những nội dung đã chín, đã rõ thì có thể đề xuất bổ sung vào dự án Luật, không nhất thiết trong 9 nhóm chính sách này để pháp luật thực sự phản ánh đúng, trúng thực tiễn cuộc sống.
Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội lưu ý TP. Hà Nội cần tham vấn sâu rộng ý kiến của giới chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân; tổ chức các toạ đàm, hội thảo lấy ý kiến sâu rộng về dự án Luật; tiếp tục làm tốt công tác thông tin truyền thông để người dân đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật.
Theo Chinhphu.vn
- Vợ sinh con, chồng tham gia BHXH được hưởng chế độ thai sản
- Cần thiết xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
- Làm rõ một số khái niệm pháp lý trong dự thảo Luật Phòng chống mua, bán người (sửa đổi)
- Khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng tháo, gửi thiết bị giám sát hành trình tàu cá