Miền Trung khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, tìm người mất tích
Mưa to trong 2 ngày qua tại các tỉnh miền Trung gây ngập lụt cục bộ tại một số vùng thấp trũng. Dọc bờ biển, triều cường dâng cao xâm thực tiếp tục gây sạt lở nhiều đoạn. Sự cố sạt lở núi làm sụp Nhà máy Thủy điện Kà Tinh 1, ở huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi làm, 1 kỹ sư còn mất tích.
Chiều nay (11/10), chỉ còn mưa một số nơi khu vực miền núi các tỉnh Nam Trung Bộ. Nước trên các sông đang xuống. Các địa phương miền Trung đang tập trung khắc phục hậu quả mưa lớn, tìm kiếm người mất tích.
Sau bão số 4 vừa qua, sóng lớn làm hơn 2km bờ biển tại thôn An Dương 1, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế bị sạt lở, xâm thực sâu vào đất liền hàng chục mét, đe dọa an toàn khu dân cư.
Ngày 11/10, huyện Phú Vang huy động 150 người, gồm lực lượng bộ đội biên phòng, dân quân địa phương và người dân địa phương tập trung gia cố đê bao tạm thời, chống sạt lở. Mọi người dùng bao tải chứa cát đắp thành bờ đê dài để ngăn triều cường xâm thực.
Thiếu tá Lê Văn Hải, Hải đội Trưởng Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Thuận An, cũng như Hải đội 2 huy động 50 lượt cán bộ chiến sĩ, cùng vật chất, trang thiết bị phối hợp với chính quyền, bà con nhân dân, cùng với các lực lượng gia cố, đắp đê, kè chống xói lở, xâm thực bờ biển của thôn An Dương 1, xã Phú Thuận.
Đến chiều nay, tại tỉnh Quảng Nam mưa đã ngớt, nước trên các sông đang xuống, nhưng một số nơi vùng thấp trũng vẫn còn ngập nước. Quốc lộ 1A đoạn qua các xã Tam Đàn, Tam An, huyện Phú Ninh đến các xã Bình An, Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam bị ngập trong buổi sáng, nước đã rút, phương tiện qua lại bình thường.
Mưa lũ làm 1 người tử vong, 2 người đang mất tích. Các địa phương ở tỉnh này huy động lực lượng tiếp tục tìm kiếm người mất tích, đồng thời tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ.
Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, một số xã như Đại Cường, Đại Lãnh, Đại An... nước vẫn ngập sâu. Nhiều diện tích hoa màu của bà con bị hư hại, đồng ruộng bị xói lở, bồi lấp. Hiện nước rút đến đâu, các địa phương tổ chức lực lượng giúp dân dọn dẹp khắc phục hậu quả đến đó.
“Sau bão số 4, cây trồng sản xuất bị thiệt hại, Huyện đang chỉ đạo phải tổ chức lại để cho người dân ổn định sản xuất. Những vùng ngập, huyện đang tập trung chỉ đạo hỗ trợ lương thực, thực phẩm"- ông Hồ Ngọc Mẫn cho biết.
Sự cố sạt lở đất vào chiều tối 10/10, tại khu vực cầu Kà Tinh trên Tỉnh lộ 622B thuộc xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi làm sụp Nhà máy Thủy điện Kà Tinh 1, đến chiều nay 1 kỹ sư điện trực tổ máy vẫn còn mất tích. Cả ngày hôm nay, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cùng các ban ngành, cơ quan quân sự, Công ty Cổ phần Thủy điện Trà Bồng tập trung nhân lực nỗ lực tìm kiếm người mất tích.
Các đơn vị tập trung khơi thông lượng đất đá sạt lở ở Tỉnh lộ 622 để thông đường vào các xã bị cô lập.
Sáng sớm ngày 11/10, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Trà Bồng huy động lực lượng đến hiện trường phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đào bới đất đá, tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Đại tá Nguyễn Ra, Phó Chỉ huy Trưởng, Tham mưu Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường cho biết, các lực lượng tập trung tiếp cận khu vực hiện trường. Lực lượng xử lý từng bước chứ không tập trung, đặc biệt phải đảm bảo an toàn luôn luôn quan sát, phát hiện trên khu vực sườn núi nếu có dấu hiệu sạt lở tiếp thì phải báo động kịp thời.
Theo VOV
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica