Mô hình giảm nghèo bằng nuôi bò sinh sản
Từ định hướng và hỗ trợ kịp thời
A Lưới là huyện miền núi nằm ở phía Tây tỉnh Thừa thiên Huế, địa hình chủ yếu là rừng, núi xen lẫn những dải thung lũng có hệ thống sông suối khá dày đặc, đại bộ phận nhân dân trên địa bàn là người dân tộc thiểu số (Pa Cô, Tà Ôi, Ka Tu...) với bản chất cần cù, chịu khó. Và xã A Roàng là một xã nằm phía Nam của huyện A Lưới, cách xa trung tâm huyện hơn 37km và tỉnh hơn 101km, nằm tuyến biên giới Việt -Lào, địa bàn bị chia cắt bởi nhiều khe, suối và núi đồi bao quanh.
Địa hình hiểm trở, khó khăn trong đi lại nhưng có thế mạnh về diện tích đất tự nhiên lớn 5.787,49ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 5.444,30ha, chiếm tỷ lệ 94%. Đây chính là lợi thế để mở rộng và chăn nuôi bò vàng trên địa bàn toàn xã.
Để mô hình khi đi vào triển khai có hiệu quả, Hội Nông dân Thừa Thiên Huế và huyện đã tiến hành làm việc với đại diện lãnh đạo UBND xã A Roàng, Hội Nông dân xã A Roàng đi khảo sát thực tế nhu cầu cần giúp đỡ năm 2019. Sau thời gian khảo sát thấy nhu cầu cũng như lợi thế của địa phương, Hội ND các cấp bắt đầu tiến hành thực hiện mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản đối với xã A Roàng.
Đồng thời, trên kiến nghị của Hội Nông dân Thừa Thiên Huế, UBND xã thành lập Ban quản lý cho mô hình nuôi bò cái sinh sản do ông A Viết Cối, Phó Chủ tịch UBND xã kiêm trưởng ban, ông Nguyễn Thanh Nao, Chủ tịch UBMT và ông BLúp Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã phó ban, 7 trưởng thôn và chi hội trưởng nông dân là thành viên của ban. Chính sự vào cuộc của cả hệ thống đã tạo nên tính tương hỗ, liên kết chặt chẽ để có cái nhìn tổng thể và toàn diện nhất cũng như sự hỗ trợ kịp thời và cần thiết cho việc thực hiện và giám sát mô hình trong thời gian tới.
Dự án có tổng kinh phí gần 400 triệu đồng, đầu tư mua 26 con bò cái giống khỏe mạnh, đã tiêm phòng và kiểm dịch đầy đủ được giao cho 26 hộ nghèo, cận nghèo. Ngoài ra, mỗi hộ được nhận thêm 3,3 triệu đồng hỗ trợ làm chuồng bò và trồng cỏ nuôi bò từ UBND huyện A Lưới. 26 hộ được nhận bò từ mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản xã A Roàng đã đăng ký thoát nghèo.
Trước đây, hầu hết các hộ chăn nuôi theo phương thức truyền thống là chăn thả, phân tán, với quy mô nhỏ, hoặc kết hợp giữa chăn nuôi gắn với trồng trọt, thậm chí có hộ thả rong trong rừng nên đạt năng suất thấp. Phương thức này đã gặp nhiều khó khăn trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, công tác thú y, bảo vệ môi trường vì vậy hiệu quả kinh tế chưa cao và chất lượng đàn bò còn thấp, thiếu tính bền vững.
Chính việc triển khai mô hình này đã đưa lại nhận thức cao cho người dân vùng miền núi với lối chăn nuôi truyền thống thả rông đàn trâu bò nay đã biết cách chăm sóc “gia tài quý” của mình bằng cách trồng thêm cỏ bổ sung thêm dinh dưỡng bên cạnh nguồn thức ăn tinh, nuôi nhốt và giữ ấm khi thời tiết lạnh sâu… Chính việc chăm sóc vật nuôi này đã có sức ảnh hưởng tới những người dân xung quanh và các vùng lân cận nhằm bảo vệ tối đa cho vật nuôi khi thời tiết không thuận lợi cũng như cách chăm sóc khoa học để vật nuôi phát triển.
Mô hình giúp người dân vươn lên thoát nghèo
Vốn là vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa, tuy nhiên, do ảnh hưởng của địa hình nên mùa mưa ở đây đến sớm và kéo dài hơn, nhiệt độ thấp và lượng mưa lớn hơn. Vì thế, việc lựa chọn vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết là điều hết sức quan trọng. Giống bò vàng có khả năng chịu nhiệt tốt cả về mùa lạnh và mùa mưa đã góp phần rất lớn trong việc bảo vệ, phát triển đàn vật nuôi bên cạnh sự chăm sóc của con người.
Sau hơn ba năm thực hiện mô hình, Ban quản lý của xã đã đi kiểm tra thường xuyên tại 26 hộ chăn nuôi bò cái sinh sản, sau khi nhận bò và được hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc bò, trồng cỏ. Hiện nay, bò của các hộ gia đình đang phát triển tốt, có 30 con bê được sinh ra và một số con dự kiến sinh sản vào cuối năm 2022. Mô hình nuôi bò sinh sản tại xã A Roàng đã đem lại kết quả và hứa hẹn thành công trong thời gian tiếp theo.
Qua trao đổi, ông Hồ Sỹ Liên - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện A Lưới cho biết: “Nhờ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tổ chức Hội, đoàn thể đến nay các gia đình đã có công ăn việc làm nhiều hơn. Đây là một trong những động lực giúp các hộ nghèo và cận nghèo thực hiện được mục tiêu thoát nghèo. Cụ thể chỉ tiêu năm 2022, toàn xã thoát được nghèo là 142 hộ trong đó 26 hộ được Hội Nông dân giúp đỡ đều nằm trong danh sách hộ thoát nghèo của năm 2022”.
Mô hình giảm nghèo phát triển nuôi bò sinh sản của Hội Nông dân cũng đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng đàn bò trên địa bàn huyện, phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn bò đạt 10.000 con, làm cơ sở xây dựng thương hiệu “Thịt bò A Lưới”; Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; Tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi tiến tới sản xuất hàng hóa và làm giàu từ nghề chăn nuôi.
“Tận dụng kinh nghiệm chăn nuôi bò trước đây, giờ được hướng dẫn, bổ sung thêm kiến thức chăn nuôi có khoa học hơn, các hộ nuôi bò như chúng tôi đã thực sự hiểu hơn về kĩ thuật chăm sóc vì thế vật nuôi phát triển và sinh sản đều đặn. Sau 5 tháng chăm sóc con bò mẹ đã sinh thêm 1 con bê con khỏe mạnh, gia đình tôi cứ thế chăm sóc mà không phải lo một khoản tiền để mua con giống mới”.
Ông Pơ Loong Ngãi ở Thôn A Chi - Hương Sơn, xã A Roàng.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi