Mong được thuê đất lâu dài để yên tâm sản xuất
Anh Hoàng Văn Thường cho biết, HTX chăn nuôi Bình Thành hiện nay đang nuôi cá thương phẩm theo hình thức sông trong ao và nuôi tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc với tổng diện tích 16ha.
Nói về mô hình nuôi cá sông trong ao, anh Thường cho biết có diện tích khoảng 4ha, đầu tư trang thiết bị gần 1 tỷ đồng. Cá được nuôi trong mô hình này có thể đạt sản lượng gấp 6 - 7 lần so với nuôi theo mô hình truyền thống, theo đó mỗi con trung bình có trọng lượng khoảng 3- 4kg. Một năm, anh Thường có thể thu từ 2 - 3 vụ cá tùy vào mức độ lớn của cá giống.
Cá nuôi trong mô hình này đã đem đến lợi nhuận cao cho HTX Bình Thành, trong đó riêng gia đình anh Thường có thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.
Anh Thường cho biết, mỗi lứa cá sau thu hoạch đều được các công ty đến mua, có kiểm định chất lượng rõ ràng. Chính vì nuôi bằng mô hình mới giúp tăng năng suất nên anh liên kết được với nhiều công ty hơn, giúp cho sản phẩm của anh được bán ra thị trường nhiều hơn.
“Mô hình phát triển kinh tế liên kết 4 nhà đã mang lại giá trị cao, thu nhập cao hơn từ 3 đến 4 lần so với trồng lúa và nuôi cá thịt như trước đây”, anh Thường chia sẻ.
Năm 2021, HTX Chăn nuôi và Nuôi trồng Thủy sản Bình Thành thực hiện tích tụ ruộng đất sản xuất lúa kết hợp với nuôi ốc nhồi và lúa kết hợp nuôi tôm thẻ chân trắng; chuyển đổi từ cá thịt hiệu quả thấp sang nuôi tôm càng xanh đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các con nuôi trước đây.
Theo đó, khi trồng lúa ST25 kết hợp nuôi ốc nhồi cho thu lãi hơn 4,3 triệu đồng/sào; trồng lúa ST25 kết hợp nuôi tôm thẻ chân trắng lãi hơn 8,1 triệu đồng/sào. Riêng mô hình nuôi cá thịt kém hiệu quả chuyển sang nuôi tôm càng xanh cho thu lãi trên 2 tỷ đồng.
Anh Thường cho hay, nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn làm thay đổi thói quen sản xuất truyền thống, tạo ra sản phẩm sạch. Đồng thời, việc luân canh và xen canh tạo sự hài hòa trong môi trường sống giữa con tôm và cây lúa, làm giảm bớt dịch bệnh, tận dụng không gian, tận dụng thức ăn dư thừa bổ sung cho nhau.
Bên cạnh đó, HTX sẽ liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định cho con tôm. Đây là mô hình nuôi tôm càng xanh mở ra sinh kế bền vững cho người nông dân. Từ hiệu quả kinh tế mang lại cao, thời gian tới, HTX Chăn nuôi và Nuôi trồng Thủy sản Bình Thành sẽ mở rộng diện tích nuôi tôm càng xanh lên 20ha.
Tuy nhiên, để yên tâm sản xuất lâu dài, anh Thường và các thành viên của HTX mong muốn được thuê đất với thời gian dài hơn để có thể yên tâm sản xuất. Hiện nay, với diện tích 16ha, HTX Chăn nuôi và Nuôi trồng Thủy sản Bình Thành đang thuê đất nông nghiệp của UBND xã Tiêu Động với thời hạn 5 năm, sản lượng phải nộp mỗi năm quy ra thóc là 45kg thóc/sào.
“Chúng tôi mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành sẽ có cơ chế, chính sách “mở” cho HTX được thuê đất với thời gian lâu dài. Thời gian có thể là 29 năm hoặc 49 năm để HTX yên tâm sản xuất”.
Anh Hoàng Văn Thường.