Xã hội

Chương trình 1719: Huyện Bố Trạch có sáng kiến hay về xây dựng nhà mẫu cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bùi Ánh - 07:22 23/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 1 từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), trong đó có Dự án 1 về xây dựng Mẫu nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Bố Trạch giai đoạn 2021-2025. Thực hiện nội dung này, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã có những sáng kiến hay, hợp lòng dân và phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Tổng thể thiết kế bản vẽ thi công mẫu nhà thuộc Dự án 1 Chương trình 1719 tại huyện Bố Trạch - Quảng Bình.

Đến cuối năm 2023, tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi toàn huyện Bố Trạch có 949 hộ, với 4.190 khẩu, có 2 dân tộc chủ yếu là dân tộc Chứt và Bru - Vân kiều (Bru Vân kiều: 842 hộ, Chứt: 66 hộ, Mường: 5 hộ, còn lại các dân tộc khác như Sách, Khùa, Trì, Mường, Thái; hộ nghèo DTTS 677 hộ, tỷ lệ 74,56%.

Hiện nay, huyện Bố Trạch có 2 xã là Tân Trạch và Thượng Trạch thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Trong đó, xã Tân Trạch có 2 bản thuộc khu vực III, Thượng Trạch có 18 bản thuộc khu vực III. Ngoài ra, ở Bố Trạch còn có thêm 2 bản là bản Khe Ngát (thị trấn Nông trường Việt Trung) và bản Rào Con (thị trấn Phong Nha) là bản đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhà có kết cấu mặt bằng công trình có dạng hình chữ nhật kích thước 6,4m x 5,3m, tổng diện tích xây dựng 33,92 m2

Tại Thông tư số 02/2022/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện một số dự án, tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó có dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của Ủy ban Dân tộc, đối tượng được hỗ trợ nhà ở gồm hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng. Hoặc hộ được hỗ trợ đất ở thì được đồng thời xem xét hỗ trợ nhà ở.

Căn cứ vào Thông tư hướng dẫn toàn huyện Bố Trạch có 276 hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1, Chương trình MTQG 1719. Trong đó, xã Thượng Trạch có 170 hộ; xã Tân Trạch có 14 hộ; bản Khe Ngát (thị trấn Nông Trường Việt Trung) 56 hộ; bản Rào Con (thị trấn Phong Nha) 36 hộ. Theo kế hoạch giai đoạn 2023-2024, toàn huyện Bố Trạch triển khai xây dựng 50 hộ gia đình.

Bên trong căn nhà mẫu

Để đảm bảo Dự án thực hiện có hiệu quả trên địa bàn, huyện Bố Trạch đã giao cho các phòng ban và địa phương được thụ hưởng Dự án khảo sát, nghiên cứu và lấy ý kiến của người dân để đưa ra ý tưởng phù hợp với điều kiện thực tế.

Trách nhiệm, tâm huyết và vì quyền lợi của đồng bào, huyện Bố Trạch đã cùng sát cánh và đồng hành với từng bản, xã để đưa ra ý tưởng mẫu nhà chung để áp dụng cho tất cả các hộ trong bản và mẫu nhà này sẽ được vận động nguồn xã hội hóa để xây 1 nhà kiểu mẫu tại UBND xã Thượng Trạch. 

Từ nhà mẫu, cơ quan chức năng và người dân biết chính xác kinh phí xây dựng nhà; loại vật liệu sử dụng phù hợp; số ngày công xây dựng… từ đó đưa ra kế hoạch triển khai đồng loạt để đồng bào làm theo. Do đó các hộ gia đình, địa phương cấp xã rất dễ triển khai nên mang hiệu quả rất cao cả về tiến độ, chất lượng các căn nhà.

Theo Quyết định số 131/QĐ/UBND ngày 16/01/2024 của UBND huyện Bố Trạch về việc phê duyệt Mẫu nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Bố Trạch giai đoạn 2021-2025 thì nhà có kết cấu mặt bằng công trình có dạng hình chữ nhật kích thước 6,4m x 5,3m, bước cột 3,1m khẩu độ phòng 3.9m, hành lang trước rộng 1.2m. Chiều cao sàn +1.8 00, chiều cao nhà 3,0m và chiều cao mái 1.6m. Tổng diện tích xây dựng 33,92m2.

Phía ngoài hành lang

Theo đó, phần móng: Móng đơn kết cấu BTCT M200# đá dăm 1x2mm. Cột móng bố trí 9 cột BTCT KT 150x150 đến cao độ +1.550.

Phần thân: Phần cột trong nhà bố trí 6 BTCT KT 150x150 cao 3,0m, phần cột hiên bố trí 3 cột cao 2,28m, dầm cao độ +1.800 kích thước 1.500x250 đổ BTCT M200# đá dăm 1x2cm, đà lát tấm sàn bằng thép hộp 80x40x2. Khung tường gia công lắp dựng bằng thép hộp 60x30x2. Mái lợp tôn xốp chống nóng dày 0,37 ly, xà gồ bằng thép hộp KT60x30x2 trên có ke chống bão. Vì kèo bằng thép hộp 80x40x2, lan can thép hộp vuông 25x25x1,5.

Phần hoàn thiện: Sàn cao độ +1.800m được lát bằng gỗ rừng trồng được ngâm tẩm và sấy khô công nghiệp, KT rộng> 0.15cm, dài >3m, dày 3cm, liên kết tấm ván sàn vào đà thép hộp bằng đinh thép và keo dán. Tường ốp bằng gỗ rừng trồng được ngâm tẩm và sấy khô công nghiệp, KT rộng> 0.15cm, dài >3m, dày 1,5cm, liên kết tấm tường vào khung thép bằng đinh thép và keo dán. Cửa đi, cửa sổ gia công bằng thép hộp 40x20x2 bằng gỗ rừng trồng được ngâm tẩm và sấy khô công nghiệp.

Giá trị dự toán cho mỗi căn nhà khoảng 104 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 40 triệu đồng. Vốn đối ứng ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác: 64 triệu đồng. Tính đến nay, ở xã Thượng Trạch đã cấp đủ nguồn xây dựng 26 nhà theo kế hoạch.

Căn nhà mẫu được xây dựng trong khuôn viên xã Thượng Trạch 

Hồ sơ thiết kế và dự toán mẫu nêu trên được áp dụng để thực hiện hỗ trợ nhà ở thuộc Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Bố Trạch.

Ông Đỗ Mạnh Tài, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch chia sẻ: Do đã có nhà mẫu nên rất dễ triển khai, địa phương tiến hành làm cuốn chiếu, nghĩa là tổ làm móng đi trước, tổ bê tông theo sau, tổ hòan thiện xong là bàn giao nhà cho đồng bào. Dự kiến đến đầu quý III là bàn giao hết 26 nhà cho bà con, hoàn thành sớm kế hoạch năm. Hơn nữa, việc xây dựng nhà mẫu cũng như hướng dẫn cụ thể cho người dân như vậy sẽ huy động được nhiều nguồn lực từ xã hội như công lao động như: đồng bào đào nóng, đổ bê tông, khuân vác vật tư vật liệu...vừa tăng tình đoàn kết, hỗ trợ nhau vừa giảm được kinh phí trong quá trình xây dựng.

Việc hỗ trợ đồng bào thuộc Dự án 1 là một chủ trương đúng đắn nhằm giúp đồng bào chủ động trong phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, xóa bỏ dần tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Chủ trương này cũng phù hợp với nhu cầu chính đáng, cấp thiết của đồng bào dân tộc trong việc ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, việc thực hiện Dự án 1 của Chương trình 1719 sẽ góp phần rất lớn để thực hiện thắng lợi Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác