Mưa lũ làm khoảng 19.918 ngôi nhà ở Thừa Thiên Huế bị ngập
Trong ngày 14/10 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mưa to, đến rất to diện rộng cả đồng bằng và miền núi, lượng mưa đo được từ 0h ngày 14/10 đến 08h ngày 15/10 trung bình từ 500-600 mm, có nơi cao hơn như: Khe Tre 802mm, Thủy Yên 752mm; Lộc Tiến 641mm, An Tây (TP Huế) 664 mm, Hương Sơn 673mm, Phú Bài 624mm; do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, nên khu vực ven biển có gió cấp 6, giật cấp 7 (Thuận An), sóng biển cao, nước dâng, triều cường 1,7m làm chậm khả năng thoát lũ.
Mưa lũ đã làm nhà của hộ bà Nguyễn Thị Đào, tại thôn Nam Trung Phước, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc bị sập do sạt lở đất và một số hộ dân tại thị trấn Lăng Cô cũng bị ảnh hưởng bởi lượng đất đá tràn vào nhà. Do nước sông lên cao và ngập úng bởi cường suất mưa lớn, gây ngập cho nhà cửa ước tính có khoảng 19.918 nhà ngập, với độ sâu từ 0,3-0,8m tùy từng vùng và khu vực.
Trước tình hình mưa lớn mực nước càng dâng cao, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế đã tổ chức sơ tán di dời 3.687 hộ, 10.322 khẩu ứng phó kịp thời với mưa lũ.
Riêng tại thành phố Huế, hơn 70% tuyến đường của 36 phường, xã đã bị ngập. Các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương (Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan ....) ngập bình quân 0,4-0,6m; các tuyến đường khu vực Nam sông Hương (Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Bến Nghé, Đống Đa...) ngập bình quân 0,3-0,5m.
Tại huyện Phú Lộc các tuyến đường ven đầm Cầu Hai đoạn qua thị trấn Phú Lộc và xã Lộc Trì dài khoảng 5,2km, ngập khoảng 0,4-1,0m; tuyến đường ven biển Cảnh Dương - Lăng Cô đoạn qua khu vực Đập Tràn (thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh) ngập từ 0,4-1,2m; địa phương tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại khu vực đường bị ngập, đặt biển biển cảnh báo và barie cảnh giới (cả 2 phía) đoạn ngập lụt, nghiêm cấm các phương tiện và người đi qua khu vực này.
Trong ngày, đêm 14 và sáng 15/10, đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Phương- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hoàng Hải Minh –Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Phan Thiên Định - Bí thư Thành ủy; đ/c Nguyễn Đình Đức - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên có mặt tại Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để chỉ đạo vận hành hồ chứa nước, chỉ đạo các địa phương ứng phó mưa lũ và chỉ đạo các chủ đập vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện góp phần cắt, giảm lũ cho vùng hạ du.
UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế đã có các công điện triển khai ứng phó với mưa lũ; đã tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, triển khai đến UBND các phường, xã, các cơ quan ban, ngành, đoàn thể, nhất là các vùng thấp trũng, dễ bị chia cắt, ngập úng, khẩn trương triển khai ngay kế hoạch phòng chống theo phương án nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân trên toàn tỉnh.
- Kỷ niệm 10 năm Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh trở thành "di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại"
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam