Sen quê Bác - Tạo cảnh quan đẹp và mang lại giá trị kinh tế cao
Từ lâu, sen không còn là loại cây lạ lẫm gì với người dân sống trên quê hương Bác Hồ. Sen giờ đây không chỉ trồng để cho đẹp, lấp khỏa những vùng đầm lầy, ao trũng mà sen đã trở thành một “sản vật” để khi nhắc đến Kim Liên ai nấy đều nghĩ đến ở đó có vô số sen đua nở, khoe sắc mỗi dịp mùa về. Và cũng từ đây trồng sen đã mang lại nguồn thu khấm khá cho nhiều hộ trên địa bàn.
Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, vốn đầu tư thấp, cây sen đã và đang phát triển trở thành cây trồng chủ lực trong ngành Nông nghiệp của xã Kim Liên nói riêng và huyện Nam Đàn nói chung. Việc trồng sen đến khi trưởng thành, thu hoạch sen không chỉ xuất bán đài sen, lá, ngó sen,…mà những đầm sen còn là nơi để phát triển du lịch theo hướng trải nghiệm, dịch vụ chụp ảnh. Nhờ biết phát huy thế mạnh đó mà những vùng trũng, đầm lầy trước đây bỏ hoang hóa giờ vừa tạo cảnh quan đẹp, bắt mắt vừa mang lại giá trị kinh tế cao và làm nên đặc sản “sen quê Bác”.
Chính điều này đã tạo nên sức hút hấp dẫn, thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch đến Kim Liên mỗi năm. Cùng với việc đến thăm quê nội, quê ngoại của Bác, ngắm nhìn những kỷ vât gắn liền với tuổi thơ của Bác, di tích đền Chung Sơn… để thành tâm tưởng nhớ đến công ơn to lớn của Người thì những đầm sen ở Kim Liên cũng là nơi để cho du khách thập phương đến trải nghiệm check in cũng như mang những sản phẩm từ sen về làm quà biếu. Vì lẽ đó, cây sen đã trở thành điểm nhấn tôn thêm vẻ đẹp không gian cho quê Bác những ngày Hè và tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương.
“Để phát triển sen thành cây nông nghiệp chủ lực của địa phương, thời gian tới, UBND xã Kim liên cho mở rộng cải tạo các ao hồ vùng trũng, nhân rộng diện tích trồng sen của xã, nhằm tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp và nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Nguyễn Quang Lộc, chủ tịch xã Kim Liên chia sẻ.
Với tổng diện tích khoảng 50ha được chuyển đổi từ các ao, hồ, vùng trũng trong khu dân cư và một số diện tích đồng ruộng trồng các loại cây trồng khác hiệu quả kinh tế thấp sang trồng sen đã mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho người dân địa phương. Theo một số người dân ở đây, sen là một loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, từ khi xuống giống, chăm sóc, bón phân đến thu hoạch không tốn nhiều kinh phí và công chắc sóc. Sen trồng một vụ một năm thời gian xuống giống từ tháng 2, cách 3 đến 4 tháng là bắt đầu thu hoạch, thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 sen bắt đầu nở rộ. Hiện tại sen đang được giá nên bà con rất phấn khởi, giá hạt sen tươi năm nay rơi vào từ 45.000 đến 50.000 đồng/kg.
Bên cạnh hạt sen được giá thì những thành phần khác của cây sen như: Lá sen, cánh hoa sen, cơm sen,…đều được thu mua để chế biến trà, mứt sen,... cũng đã góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân trồng sen. Đó còn chưa kể đến những đầm sen được thu phí dịch vụ khi du khách có nhu cầu đến thưởng ngoạn, chụp ảnh khoe dáng cùng sen.
Để phát triển đưa cây sen vào cây nông nghiệp chính của địa phương UBND xã Kim Liên thành lập HTX Sen quê Bác. Nhiệm vụ của hợp tác xã là trồng, nghiên cứu, chế biến các sản phẩm từ sen và bao tiêu sản phẩm cho người dân . Hiện nay hơp tác xã sen quê Bác đã cho ra 12 sản phẩm phát triển từ cây sen trong đó có 9 sản phẩm được UBND tỉnh Nghệ An duyệt vào sản phảm OCOP của tỉnh đạt từ 3 đến 4 sao.
Hiện nay Hợp tác xã Sen quê Bác đã nghiên cứu và nhân giống được hơn 50 loại, mỗi giống sen cho ra mỗi sản phẩm khác nhau nhưng vì do khí hậu miền Trung khá khắc nghiệt nên chỉ áp dụng trồng được 3 đến 4 loại giống. Sen không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, những sản phẩm từ sen rất tốt cho sức khỏe người sử dụng, mỗi bộ phận của sen có mỗi công dụng khác nhau đối với sức khỏe con người
“Trước đây, việc trồng sen rất kho khăn, do người dân chưa chú tâm trồng sen và chưa được nhiều người biết đến. Nhưng kể từ khi HTX ra đời đã hỗ trợ bà con trong việc chọn giống, kỹ thuật trồng sen... đã giúp cho địa phương phát triển cây sen, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Trồng sen đơn giản hơn những cây trồng khác rất nhiều và sen là giống cây ít sâu bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc và cho năng suất cao”, anh Phạm Kim Tiến, Chủ nhiệm hợp tác xã cho biết.