Nam Định: Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường
Tuân thủ sản xuất nhưng vẫn đảm bảo môi trường “xanh”
Trong nhiều năm qua, Công ty cổ phần Hoa, cây cảnh Đỗ Hoàng Phúc của ông Đỗ Duy Bắc (xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) là một trong những mô hình làm tốt công tác bảo vệ môi trường.
Ông Bắc cho hay, trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoa cây cảnh tại làng nghề và thi công các công trình trên khắp mọi miền của Tổ quốc, ông luôn quan tâm tới công tác thực hiện vệ sinh an toàn lao động, đảm bảo chuẩn bị đầy đủ trang phục, dụng cụ bảo hộ cho người lao động. Công ty đã xây dựng khu tập kết rác thải, cành cây, thân cây phân loại và tiêu huỷ theo quy định.
“Trong chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Điền Xá, thực hiện đề án thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt của xã, Công ty tôi đã thành lập tổ thu gom với 6 công nhân và 2 xe công nông, ký hợp đồng với UBND xã thực hiện công việc thu gom rác thải sinh hoạt tất cả các xóm trên địa bàn về trạm trung chuyển của xã để Công ty Môi trường xanh huyện Nam Trực chuyển về nhà máy xử lý. Hoạt động thu gom, từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần. Hiện nay, tổ thu gom hoạt động rất tốt góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường và tạo cảnh quan làng nghề trồng hoa cây cảnh sáng - xanh - sạch - đẹp”, ông Bắc nói.
Ông Đỗ Duy Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Điền Xá cho biết, nhận sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã đã giao cho Hội Nông dân đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu làng nghề; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tập trung phát triển kinh tế làng nghề, giữ gìn vệ sinh môi trường, chung tay xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Hội Nông dân đã có các hoạt động hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là việc vận động thành lập Tổ hợp tác sản xuất hoa, cây cảnh của Hội Nông dân xã Điền Xá để thúc đẩy kinh tế hộ phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, giúp hội viên nông dân vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần khẳng định giá trị làng nghề, phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm đầu mối sinh vật cảnh gắn với du lịch sinh thái.
Năm 2022, Hội Nông dân các cấp ở Nam Định phối hợp với các ngành trên địa bàn tuyên truyền, vận động trên 270.000 hộ hội viên nông dân áp dụng canh tác “sạch” vừa bảo vệ sức khoẻ của người nông dân, vừa bảo vệ môi trường cho những cánh đồng, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thông qua các buổi tập huấn này Hội đã kêu gọi hội viên, nông dân đăng ký, cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn. Đến nay, các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp khai trương 5 cửa hàng nông sản an toàn tại 5 huyện, thành phố.
Bên cạnh đó, Hội phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) tổ chức 5 lớp tập huấn tuyên truyền phổ biến kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cho 425 hội viên nông dân tại các huyện: Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường, Ý Yên và Trực Ninh.
Nhằm duy trì các hoạt động trên, năm 2023 Hội Nông dân Nam Định đã đưa ra kế hoạch 100% cơ sở tiếp tục duy trì phần việc đã làm trong tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; 80% số cơ sở Hội đăng ký với cấp ủy, chính quyền đảm nhận xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ và có 70% số chi hội triển khai thực hiện mô hình.
Đồng thời duy trì, nâng cao hoạt động của các THT, HTX đã thành lập; toàn tỉnh phấn đấu xây dựng mới 20 mô hình THT, HTX trở lên. Mỗi huyện, thành Hội chỉ đạo trực tiếp hoặc phối hợp khai trương 1 cửa hàng nông sản an toàn.
Năm 2023, Hội Nông dân Nam Định đã đề ra kế hoạch 100% cơ sở tiếp tục duy trì phần việc đã làm trong tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; 80% số cơ sở Hội đăng ký với cấp ủy, chính quyền đảm nhận xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ và có 70% số chi hội triển khai thực hiện mô hình. Đồng thời duy trì, nâng cao hoạt động của các THT, HTX đã thành lập; toàn tỉnh phấn đấu xây dựng mới 20 mô hình THT, HTX trở lên. Mỗi huyện, thành Hội chỉ đạo trực tiếp hoặc phối hợp khai trương 1 cửa hàng nông sản an toàn.
Theo Hội Nông dân Nam Định.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Tháng 10/2019, tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân Nam Định bám sát vào nhiệm vụ chính trị của mình tập trung, chỉ đạo, xây dựng các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức cho nông dân phát huy vai trò chủ thể, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.
“Thực hiện Nghị quyết số 06- NQ/TƯ, ngày 18/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu bằng các việc làm cụ thể. Trong đó tập trung chỉ đạo và nhân rộng mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”. Từ mô hình điểm được triển khai tại xã Hải Lý, huyện Hải Hậu từ năm 2018 đến nay toàn tỉnh đã có 9/10 đơn vị huyện, thành phố triển khai ở 125/209 cở sở Hội. Các cấp Hội vận động hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng tham gia phong trào “Ngày chủ nhật xanh” như vệ sinh đường làng, ngõ xóm tạo cảnh quan sáng - xanh- sạch - đẹp; khơi thông dòng chảy các kênh mương thuỷ nội đồng… Tiếp tục duy trì phần việc trồng mới và chăm sóc hàng cây nông dân, tuyến đường nông dân tự quản”, ông Nguyễn Hùng Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định cho hay.
Năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã tổ chức 17 lớp tuyên truyền về vai trò của Hội Nông dân các cấp trong tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 cho 2.100 cán bộ, hội viên, nông dân tại 10 huyện, thành phố.
Hội Nông dân các cơ sở đã phát động hội viên nông dân tích cực vệ sinh môi trường tại các tuyến đường tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình “thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”, mô hình “Vườn kiểu mẫu”.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 80% số xã, thị trấn thực hiện việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình ở 1.455 chi hội. 100% cơ sở Hội có mô hình về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai xây dựng mô hình “Thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” tại xã Yên Lợi, huyện Ý Yên; phối hợp với Trung tâm Môi trường và phát triển bền vững Trung ương Hội triển khai xây dựng mô hình tại xã Nam Tiến huyện Nam Trực với tổng số 415 hộ nông dân tham gia.