Khai giảng lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển chi hội, tổ hội
Tới dự và chỉ đạo lớp tập huấn có bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hộị Nông dân Việt Nam (NDVN). Tham dự lớp tập huấn có Ban Giám hiệu Nhà trường, các thầy cô giáo và 180 học viên là cán bộ Hội Nông dân các cấp của 10 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Hồng gồm: Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Nguyên….
Phát biểu khai giảng lớp tập huấn, bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN hoan nghênh và đánh giá cao Trường Cán bộ Hội ND tổ chức lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về phát triển chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp cho các cán bộ Hội. Các nội dung chuyên đề tập huấn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của Hội như làm cầu nối tập hợp nông dân vào tổ chức Hội; Hội thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; là tiền đề để xây dựng các tổ hợp tác, HTX…
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm đã nhấn mạnh: Trung ương Hội NDVN đã ban hành 4 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết xây dựng chi tổ hội nông dân nghề nghiệp, do đó đòi hỏi tất cả cán bộ Hội ai cũng phải biết nội dung hoạt động này. Chi tổ hội nông dân nghề nghiệp đó chính là chi tổ hội đảm bảo những người nông dân tuân thủ nội quy hoạt động theo tiêu chuẩn 5 tự và 5 cùng. 5 cùng là cùng lĩnh vực sản xuất kinh doanh ngành nghề, cùng chịu trách nhiệm, cùng thụ hưởng, cùng chia sẻ; 5 tự là tự giác,tự chịu trách nhiệm, tự quản…
Chủ trương, chỉ đạo đúng nên trong suốt thời gian qua việc thành lập ch, tổ hội nông dân nghề nghiệp đã phát triển mạnh mẽ tại các địa phương, đặc biệt phát triển mạnh tại các tỉnh trong miền Nam. Điểm nổi bật của chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp không chỉ tập hợp được nông dân mà nó còn thu hút được các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà trí thức, các chủ trang trại, các HTX cùng tham gia. Trên cơ sở có sự tham gia của các nhà trên đã giúp cho người nông dân được nâng cao kiến thức, nâng cao phương thức sản xuất. Tuy dư địa còn nhiều những cũng có nhiều cơ sở Hội chưa làm tốt do đó lớp học này sẽ giúp cán bộ Hội có kiến thức, kỹ năng xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp tại địa phương mình.
Đặc biệt, sau khi các địa phương đều tổ chức thành công Đại hội Hội ND cơ sở thì đều tập trung cho công tác đào tạo. Thường trực Trung ương Hội đánh giá cao đối với Trường Cán bộ Hội ND, riêng trong năm 2023 kế hoạch chỉ có đào tạo mở 21 lớp nhưng nhà trường đã tổ chức được 36 lớp, với những nội dung đa dạng và phong phú đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra.
Bà Bùi Thị Thơm mong muốn lớp tập huấn sẽ đạt được nhiều kết quả cao, từ các kiến thức, kinh nghiệm truyền đạt của các thầy cô, bài giảng sẽ được các học viên mạnh dạn tham gia thảo luận, trao đổi kinh nghiệm từ thực tiễn của mình, những cách làm hay, mô hình hiệu quả để cùng nhau rút ra bài học hay, vận dụng vào trong công việc, giúp cho các học viên khác ở trong tỉnh, trong cụm thi đua học tập lẫn nhau. Đồng thời qua đó, giúp các thầy cô của nhà trường có thêm tài liệu nghiên cứu, tổng kết lý luận, tham mưu cho Trung ương Hội NDVN trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo….
Ông Nguyễn Khắc Toàn, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Tham gia lớp tập huấn về nâng cao kiến thức, kỹ năng về phát triển chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp cho các cán bộ Hội Nông dân khu vực Đồng bằng Sông Hồng có 180 học viên là cán bộ Hội Nông dân của 10 tỉnh, thành phố. Trong 2 ngày từ ngày 15 đến ngày 16/11, các học viên sẽ được học 4 chuyển đề sau: Chuyên đề xây dựng tổ chức Hội NDVN; Chuyên đề xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp và tổ hội nông dân nghề nghiệp; Chuyên đề hướng dẫn tổ chức sinh hoạt và giới thiệu một số mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp và tổ hội nông dân nghề nghiệp; Chuyên đề tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh. Cuối buổi tập huấn sẽ có phần trao đổi thảo luận của các học viên chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình làm việc, thông qua đó giúp nhà trường bổ sung hoàn thiện cho giáo trình tài liệu.
“Mục tiêu của lớp tập huấn giúp cán bộ Hội có thêm kiến thức, kỹ năng về tổ chức xây dựng cơ sở hội, đặc biệt là những vấn đề mới về xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, giúp cho cán bộ Hội thống nhất trong toàn hệ thống của Hội phương pháp, cách thức, quy trình xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, nhất là cách thức tổ chức sinh hoạt, cách nghiên cứu từ các mô hình hay, mô hình mới để học hỏi và vận dụng vào đơn vị mình…”, ông Toàn nhấn mạnh.
Chia sẻ cảm nghĩ tham gia lớp tập huấn, chị Nguyễn Thị Nhàn, Phó Chủ tịch Hội ND xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam bày tỏ vui mừng được tham gia lớp tập huấn, được bổ sung kiến thức và kỹ năng về phát triển và xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, dù mới đọc tiêu đề nội dung của 4 chuyên đề đã thấy các nội dung đều thiết thực, sẽ dễ vận dụng vào thực tiễn công việc. Chị Nhàn cho biết, chị mới sang công tác bên Hội ND xã nên có nhiều vấn đề về công tác Hội và phong trào nông dân chưa nắm rõ. Chị rất tâm đắc với chuyên đề kỹ năng tổ chức sinh hoạt chi hội nông dân nghề nghiệp, nó sẽ giúp chị nắm bắt phương pháp vận dụng vào trong công việc của mình được thận lợi hơn.
Chị Vương Thị Thảo, Phó Chủ tịch Hội ND xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội – học viên lớp tập huấn cho biết: Hội ND xã Di Trạch có 1 chi hội nông dân nghề nghiệp trồng cây ăn quả (táo, ổi), có 28 thành viên tham gia. Chi hội này đang phát triển rất tốt, các thành viên trong chi hội ND nghề nghiệp đều có tâm huyết sản xuất ra sản phẩm địa phương đạt chất lượng cao và sản phẩm của chi hội đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP. Hội ND xã đang làm hồ sơ đề cử Chi hội nông dân nghề nghiệp lên Hội ND TP Hà Nội khen thưởng về các hoạt động của chi hội. Thời gian tới, Hội ND xã dự kiến sẽ nhân rộng chi hội nông dân nghề nghiệp theo mô hình kinh doanh tiếp cận thị trường.
“May mắn cho tôi được tham gia lớp tập huấn này mong sẽ mang kiến thức học được áp dụng vào công việc vì các nội dung chuyên đề bài giảng rất thiết thực như chuyên đề hướng dẫn xây dựng tổ chức sinh hoạt chi hội nông dân nghề nghiệp sẽ giúp tôi có thêm kiến thức tổ chức các buổi sinh hoạt cho chi hội có ý nghĩa và sinh động hơn, qua đó đẩy mạnh các hoạt động của chi hội nông dân nghề nghiệp…”, chị Thảo nói.