Hỗ trợ nông dân

5 nhóm nhiệm vụ của các cấp Hội Nông dân trong công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới

Minh Tú - 13:07 21/08/2024 GMT+7
Ngày 20/8/2024, Đảng đoàn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 11-KH/ĐĐ-HNDVN về việc Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 24 tháng 5 năm 2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Đây là hoạt động thiết thực của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hưởng ứng Phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội

Trong suốt quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác phát triển nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội. Đến nay, cả nước đã hoàn thành xây dựng 195.000 căn nhà ở xã hội và có khoảng 374.000 căn nhà ở xã hội đã được chấp thuận đầu tư và khởi công, cấp phép xây dựng. Chính sách hỗ trợ nhà ở thông qua các chưong trình mục tiêu cho các đối tượng là người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn và hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số hạn chế như: Nhiều mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 không đạt được; nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế; giá nhà ở xã hội bình quân còn quá cao so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng; công tác quản lý nhà nước về nhà ở xã hội vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập; tỉ lệ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị thấp; nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội còn thấp, chưa huy động được mạnh mẽ nguồn lực xã hội tham gia; còn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát, nhất là tại các vùng khó khăn, chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là do một số cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ, thiếu quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội và thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội chậm được đổi mới, hoàn thiện, thiếu sự đột phá để thu hút nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển nhà ở xã hội; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ; công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý sai phạm trong phát triển nhà ở xã hội chưa thường xuyên, thiếu hiệu quả.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội, ngày 24/5/2024, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 34-CT/TW) với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân.

Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu của các cấp Hội đối với công tác phát triển nhà ở xã hội

Kế hoạch số 11-KH/ĐĐ-HNDVN của Đảng Đoàn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã nêu rõ mục tiêu đầu tiên là nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân về tính chất và ý nghĩa của công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp đến toàn thể hội viên, nông dân; Phối hợp với các ngành liên quan, phấn đấu đến năm 2030 cùng cả nước xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà ở dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại khu vực nông thôn, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

Kế hoạch cũng nhấn mạnh về vấn đề nêu cao trách nhiệm của các cấp Hội, nhất là trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác phát triển nhà ở xã hội; phát huy vai trò của tổ chức Hội trong việc tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh xã hội hóa tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho hội viên, nông dân.

Đảng Đoàn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam yêu cầu các cấp Hội triển khai thực hiện Chỉ thị phải gắn liền với thực hiện Nghị quyết số 19 - NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 46-NQ ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 11/5/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam; các Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo đồng bộ, hiệu quả; Phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Kế hoạch số 11-KH/ĐĐ-HNDVN cũng yêu cầu các cấp Hội xây dựng Kế hoạch thực hiện bám sát nội dung nêu trong Chỉ thị đảm bảo đồng bộ, phù hợp với hoạt động thực tiễn của các cấp Hội và phong trào nông dân trong tình hình mới.

5 nhóm nhiệm vụ các cấp Hội Nông dân cần thực hiện

Kế hoạch số 11-KH/ĐĐ-HNDVN đã nêu rõ 5 nhóm nhiệm vụ của các cấp Hội Nông dân trong việc Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 24 tháng 5 năm 2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, cụ thể:

Thứ nhất, cần phát huy vai trò của tổ chức Hội Nông dân, nhất là các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp trong việc quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Chỉ thị. Các cấp Hội phối hợp với các ngành liên quan, thống kê thực trạng, nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương, chú trọng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên, nông dân nhất là hội viên, nông dân nghèo, cận nghèo, người dân bảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu; Phát huy vai trò của tổ chức Hội Nông dân, nhất là các đồng chỉ ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp trong việc quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Chỉ thị.

Thứ hai, các cấp Hội chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể tuyên truyền về chính sách phát triển nhà ở tại địa phương, các chương trình, dự án phát triển nhà ở xã hội và các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với hội viên, nông dân như hỗ trợ về giá đất, giá nhà, về lãi suất vay vốn, về thuế, phí, các loại hình nhà ở xã hội và cơ chế, chính sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, hội viên nông dân nghèo vùng nông thôn. Tuyên truyền về vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo thực hiện công tác phát triển nhà ở xã hộ; về trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan trong việc hỗ trợ hội viên, nông dân; về vai trò của tổ chức cơ sở Hội trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển nhà ở xã hội. Chỉ đạo các đơn vị truyền thông của Hội tăng thời lượng đưa tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chính sách, chương trình, dự án phát triển nhà ở xã hội; hưởng ứng Phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Thủ tướng Chính phủ phát động; về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của hội viên, nông dân trong việc tham gia phát triển nhà ở xã hội và cách thức sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.

Thứ ba, phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc vận động cán bộ, hội viên, nông dân, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tham gia đóng góp kinh phí, ngày công ủng hộ xây nhà ở cho người nghèo, hộ cận nghèo, người có công, người dân bị ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu; Hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân được tiếp cận các chính sách và ưu tiên vay vốn từ các nguồn vốn vay ưu đãi, Ngân hàng Chính sách Xã hội và các chương trình, dự án để phát triển nhà ở xã hội nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Thứ tư, xây dựng và tổ chức hoạt động giám sát và phản biện xã hội của các cấp Hội, hội viên, nông dân về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở xã hội và chính sách hỗ trợ nhà ở cho đối tượng chính sách tại địa bàn nông thôn.

Thứ năm, phát huy vai trò của Hội Nông dân trong việc phát động, hưởng ứng các phong trào thi đua hỗ trợ hội viên, nông dân xây nhà ở xã hội, nhất là Phong trào thi đua “xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên phạm vi cả nước do Thủ tướng Chính phủ phát động; giới thiệu các chương trình nhà ở xã hội của Chính phủ; tham gia góp ỷ về các dự thảo Luật, pháp lệnh liên quan và tham gia các hội nghị, hội thảo để thảo luận về các vấn đề liên quan đến nhà ở xã hội.

Ban Thường vụ Trung ương Hội đưa nội dung thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW vào xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các ban, đơn vị Trung ương Hội và các cấp Hội thực hiện; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định kỳ kiểm tra, giám sát các cấp Hội việc triển khai thực hiện Chỉ thị và Kế hoạch này; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch theo quy định.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác