Ngành Điều tìm cách giữ vững vị thế trên thị trường
Ngành Điều bước vào năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức lớn ngay từ đầu năm, thậm chí có thể còn khó khăn hơn cả năm 2022.
Mọi chỉ tiêu đều không đạt
Năm 2022 là một năm không thành công của ngành Điều Việt Nam. Tại Hội nghị Tổng kết ngành Điều năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết, lượng điều nhân xuất khẩu và điều thô nhập khẩu đều giảm đáng kể so với cùng kỳ 2021.
Về xuất khẩu, dự kiến cả năm 2022, Việt Nam chỉ xuất khẩu nhân điều đạt giá trị 3,07 tỷ USD, chưa đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 3,2 tỷ USD (dù đã giảm khoảng 600 triệu USD so với mục tiêu ban đầu là 3,8 tỷ USD).
Như vậy, có thể nói năm 2022, đã chấm dứt giai đoạn tăng trưởng về xuất khẩu kéo dài 10 năm của ngành Điều, từ năm 2011-2021.
Việc ngành Điều không thành công trong năm qua, có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan. Về khách quan, hầu hết các giai đoạn trong năm 2022, các nhà nhập khẩu và chế biến có xu hướng chậm mua hàng nguyên liệu do giá điều thô vẫn ở mức rất cao so với giá nhân bán ra, giá thành chế biến xuất khẩu cao trong khi giá bán nhân xuất khẩu thấp. Các nhà máy chế biến xuất khẩu khó cân đối để đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tác động của khủng hoảng năng lượng và lương thực lên lạm phát và sức khỏe của nền kinh tế các nước, cũng như tới mức chi tiêu của người dân nói chung dẫn đến sự chi tiêu cho thực phẩm không thiết yếu như hạt điều đã bị ảnh hưởng. Dự báo tình trạng này còn kéo dài sang năm 2023, tiêu thụ hạt điều sẽ chậm và giá cả khó tăng lên. Tình hình xuất khẩu điều nhân giai đoạn 2022-2023 xem ra càng khó khăn hơn giai đoạn 2019 - 2021 (giai đoạn mà Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 2021).
Trong khi đó, một thị trường lớn khác của hạt điều Việt Nam là Trung Quốc đã duy trì chính sách Zero Covid đến cuối năm 2022, qua đó đã ảnh hưởng bất lợi nhất định đến xuất khẩu nhân điều cũng như nông sản khác của Việt Nam sang thị trường này.
Không nên nhập khẩu điều thô khi giá đang cao
Theo nhận định của Hội đồng Thông tin VINACAS, trong năm 2023, hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung ứng điều toàn cầu và ở Việt Nam tiếp tục còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức lớn bởi các yếu tố như xung đột Nga – Ukraina, tình hình kinh tế - chính trị quốc tế, lạm phát và suy thoái kinh tế, chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, biến động tỷ giá USD/ VND, tiêu dùng giảm sút, chi phí chế biến ngày càng tăng, sản xuất đình trệ…
Những yếu tố trên sẽ khiến cho tăng trưởng của ngành Điiều bị tác động đáng kể khi nhu cầu tiêu thụ điều nhân toàn cầu tiếp tục ảm đạm; thị trường nguyên liệu điều thế giới sẽ gặp nhiều thách thức...
Chính vì vậy, sau khi bàn bạc và cân nhắc, Ban Chấp hành VINACAS đề nghị điều chỉnh mức chỉ tiêu doanh số xuất khẩu điều nhân năm 2023 ở mức khiêm tốn khoảng 3,1 tỷ USD, tăng nhẹ 30 triệu USD so với năm 2022.
Trước sự khó khăn về thị trường, nhất là khi sức mua đang yếu và giá xuất khẩu xuống thấp, nhiều doanh nhân ngành Điều cho rằng các doanh nghiệp điều không nên vội vàng nhập khẩu điều thô ngay từ đầu năm khi gia điều thô đang quá cao so với giá nhân điều và việc xuất khẩu điều nhân đang rất khó khăn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Đạt - Giám đốc Công ty TNHH Vinahe chia sẻ: “Trong thời gian qua, thị trường hạt điều đầy khó khăn, Vinahe đã tìm cách vượt qua bằng cách đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất theo quy trình khép kín, tạo ra hàng hóa chất lượng cao với mong muốn sản phẩm được nhiều người biết đến, cùng thưởng thức và tự hào là hàng Việt Nam chất lượng cao”.
Sản phẩm của DN cũng được chế biến khá đa dạng như: Điều rang muối, điều trắng, um Thái, tỏi ớt, phô mai, chanh muối và bánh hạt điều cashew pie... cung cấp cho thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu, sản phẩm hạt điều đạt chuẩn chất lượng quốc tế được thị trường khó tính như Nhật chấp nhận, bà Đạt chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Vinacas cũng cho biết, trước đây, vào đầu năm mới, các doanh nghiệp đã ký được những hợp đồng dài hạn, ít nhất là đến quý 3 nhưng đầu năm nay, hầu hết các nhà nhập khẩu ở Mỹ và EU không ký hợp đồng mua nhân điều cho đến hết quý 2/2023, nếu có ký thì lượng rất thấp. Từ điều này có thể suy ra rằng lượng nhân điều tồn kho của họ còn dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu trong 2 quý đầu năm.
Trong khi đó, sản lượng điều thô toàn cầu đang tiếp tục tăng lên khá mạnh với mức tăng 15-20%/năm khi nhiều nước mở rộng diện tích trồng điều. Hiện tại, tổng sản lượng điều thô toàn cầu đã lên tới xấp xỉ 5 triệu tấn. Trong khi sản lượng điều thô tăng mạnh thì nhu cầu tiêu thụ nhân điều trong thời điểm bình thường chỉ tăng 5-10%/năm. Vì vậy, cung – cầu trong ngành Điều đã tiệm cận nhau, đồng nghĩa với việc giá nhân nhân điều rất khó tăng lên.
Đầu năm 2022, giá nhân điều loại W320 ở mức 2,95-3,1 USD/pound (1 pound bằng 0,45 kg), và điều thô là 1.200 USD/tấn. Đầu năm nay, giá nhân điều W320 chỉ còn 2,5-2,6 USD/pound, nhưng giá điều thô Bờ Biển Ngà vẫn đang được chào ở mức 1.200 thậm chí 1.240 USD/tấn. Giá điều thô như vậy là quá cao nếu so với giá nhân điều hiện tại nên nguy cơ rủi ro là rất lớn.
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
- Sầu riêng ở Krông Pắc trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân