Nghề dệt thổ cẩm - lưu giữ giá trị văn hóa đặc trưng của người Pà Thẻn
Hiện nay, tinh Hà Giang có hơn 5 nghìn người Pà Thẻn, chiếm khoảng 0,8% tổng dân số cả tỉnh. Trong đó phân bố tập trung đông nhất tại huyện Quang Bình và Bắc Quang.
Phụ nữ Pà Thẻn gìn giữ nghề truyền thống
Tôi có duyên với đồng bào Pà Thẻn ở bản My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, bởi cách đây hơn chục năm đã có thời kỳ đến công tác tại đây và rất ấn tượng với văn hóa của đồng bào. Chuyển công tác về xuôi nhưng có dịp là tôi lại ngược lên vùng đất cao nguyên này thăm lại những gia đình mà tôi gắn bó và luôn ấn tượng bởi những sắc đỏ rực rỡ trên các bộ trang phục của người phụ nữ Pà Thẻn xen lẫn giữa màu xanh của núi rừng bạt ngàn miền cao nguyên.
Cầm trên tay bộ trang phục truyền thống, nhiều du khách khó có thể hình dung những người phụ nữ Pà Thẻn đã phải mất bao nhiêu công sức, thời gian để dệt nên những sản phẩm thổ cẩm độc đáo ấy.
Trang phục phụ nữ dân tộc Pà Thẻn.
Chị Sìn Thị Hải – thôn My Bắc (xã Tân Bắc, huyện Quang Bình) trong ngôi nhà sàn truyền thống đang hoàn thiện bộ váy áo để chuẩn bị cho ngày về nhà chồng. Chị Hải chia sẻ: Theo phong tục người Pà Thẻn, trước khi cưới, người con gái phải tự tay dệt cho mình bộ váy áo mới mặc trong ngày cưới. Vì vậy, ngay từ khi còn bé (khoảng 5, 6 tuổi), các chị đã được bà, mẹ dạy cách dệt, thêu trang phục. Mỗi năm, 1 người phải tự tay thêu 1-2 bộ quần áo để diện trong ngày Tết và để sau này về nhà chồng. Có lẽ vì vậy mà phụ nữ Pà Thẻn ở My Bắc hầu như ai cũng biết dệt vải và may quần áo. Trang phục phụ nữ Pà Thẻn được làm khá kỳ công. Để hoàn thành 1 bộ váy áo phải mất 3 tháng dệt vải, nhuộm, khâu bằng tay, sau đó thêu trang trí thêm các họa tiết. Những thành phần cơ bản của bộ trang phục gồm váy, áo, khăn đội đầu xếp nhiều lớp, thắt lưng. Màu sắc chủ đạo của trang phục là đỏ, đen và trắng.
Cũng như các dân tộc khác, phụ nữ Pà Thẻn dùng yếm trước ngực để tạo nên sự kín đáo và duyên dáng. Yếm có hình vuông, thêu hoa văn màu đỏ, vàng xen lẫn những đường kẻ trắng tôn thêm vẻ sặc sỡ của thân áo ngoài.
Với bàn tay khéo léo, tài hoa, phụ nữ Pà Thẻn dệt lên những tấm váy xòe cầu kỳ và độc đáo cuốn hút sự chú ý của nhiều người. Trang phục truyền thống của đồng bào được mặc vào những dịp quan trọng như tết, lễ cưới, ngày hội văn hóa dân tộc… Đặc biệt vào ngày chợ phiên, các cô gái Pà Thẻn xinh đẹp lại xúng xính trong những bộ váy áo đỏ rực cùng với những chiếc vòng cổ, vòng tay, hoa tai làm bằng bạc lóng lánh xuống núi để khoe sắc, giao duyên. Nhiều đôi đã thành vợ chồng từ những chợ phiên như thế.
Đưa sản phẩm thổ cẩm ra nước ngoài
Được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, dịch vụ để phát triển làng văn hoá du lịch cộng đồng, thôn My Bắc đã trở thành bản văn hoá du lịch. Những năm qua đã có không ít các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu văn hoá đặc sắc của đồng bào nơi đây, những món quà để du khách lựa chọn mua làm lưu niệm hoặc tặng người thân không thể thiếu những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống này.
Nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch, đồng thời nhằm gìn giữ, bảo tồn nghề dệt truyền thống, năm 2008, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn của nhà nước chị Phù Thị Thiên người dân tộc Pà Thẻn đã đứng ra vận động, tập hợp những chị em khéo tay, dệt giỏi của bản để thành lập Hợp tác xã thổ cẩm Pà Thẻn Tân Bắc đầu tiên của huyện Quang Bình, có chị em giỏi nghề, đam mê với công việc dệt vải, thêu hoa. Do hoạt động phong phú, hiệu quả và có ý nghĩa nên số chị em tham gia hợp tác xã ngày càng đông hơn. Đến nay, số thành viên của hợp tác xã là 13 người.
Theo chị Thiên, làng nghề dệt thổ cẩm hôm nào cũng khoảng từ 10 - 12 thợ dệt. Mỗi bức dệt tranh treo tường, người thợ phải làm ít nhất 4 ngày công liên tục. Bình quân, mỗi tháng, một người thợ dệt được 6 bức tranh. Giá bán mỗi bức là 2 triệu đồng. Đối với bộ trang phục truyền thống dân tộc Pà Thẻn có giá trung bình từ 1 đến 3 triệu đồng, nếu được chạm, gắn bạc có giá khoảng 4 triệu đồng/bộ. Khách du lịch đến My Bắc đông, nhu cầu mua thổ cẩm càng lớn, có thời điểm không đủ hàng để cung cấp cho khách. Ngoài ra, nhờ những đôi bàn tay khéo léo thạo việc, hay làm từ nhỏ, chị em ở đây luôn tìm tòi, sáng tạo, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, làm ra nhiều sản phẩm cầu kỳ, đẹp mắt khác như túi đựng điện thoại, ví, khăn trải bàn, chăn thêu, vỏ gối....
Những chị em khéo tay, dệt giỏi của bản thành lập Hợp tác xã thổ cẩm Pà Thẻn Tân Bắc .
“Khách du lịch đặc biệt là người nước ngoài rất thích mua những bộ trang phục của dân tộc chúng tôi làm lưu niệm. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã bán hàng ngàn sản phẩm cho khách các nước: Bỉ, Áo, Đức, Mỹ, Anh, Pháp... Năm 2020, sản phẩm thổ cẩm My Bắc đạt chứng nhận 3 sao OCOP. Ngoài ra, sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX vinh dự được mời tham gia nhiều cuộc triển lãm trong nước, đó cũng chính là niềm tự hào, thước đo thành công trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Pà Thẻn nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc” – chị Thiên chia sẻ.
Hiện nay, để tăng doanh thu bán sản phẩm, các thành viên trong HTX còn sử dụng điện thoại thông minh, livestream bán hàng. Từ những buổi bán hàng như thế, những sản phẩm thổ cẩm Pà Thẻn ngày càng đi xa hơn, vượt qua núi non để đến với khách hàng. So với cách bán hàng truyền thống, việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong bán hàng và quảng bá sản phẩm mang đến cho HTX lợi nhuận cao gấp 2 lần.
Các thành viên HTX luôn chia sẻ, hướng dẫn nhau nâng cao khả năng sử dụng những ứng dụng của điện thoại thông minh để giới thiệu, tiếp thị các sản phẩm thông qua zalo, facebook và website. HTX đã tạo trang web “Hợp tác xã thổ cẩm Pà thẻn Tân Bắc” để giới thiệu đầy đủ, chân thực về các loại sản phẩm của mình và nghề dệt thổ cẩm. Tất cả chị em trong hợp tác xã luôn tích cực tương tác thông qua trang “Nhóm tiên phong vì tiếng nói của dân tộc thiểu số”.
Chị Phù Thị Quyên, thành viên Hợp tác xã chia sẻ: “Từ khi bán hàng trên các trang mạng xã hội, chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian do đó sản xuất thêm được nhiều áo, khăn, túi thổ cẩm nên doanh thu cũng tăng đáng kể”.
Từ công việc thường ngày, nghề dệt thổ cẩm truyền thống mang lại những giá trị, lợi ích thiết thực cho đời sống của nhiều chị em phụ nữ dân tộc Pà Thẻn. Ngoài nương rẫy, nghề dệt thổ cẩm mang đến cho mỗi thành viên HTX khoản thu nhập trên dưới 4 triệu đồng/tháng. Đây là nguồn thu đáng kể giúp chị em nâng cao đời sống, nguồn vốn đầu tư sản xuất và phát triển kinh tế gia đình.