Nghề mộc truyền thống tạo việc làm ổn định cho nông dân
Làng nghề truyền thống hàng trăm năm
Đời này qua đời khác, cứ thế truyền nghề cho nhau và chẳng ai biết rõ “ông Tổ” nào đã đưa nghề Mộc đến với mảnh đất Thái Yên. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại rằng, ngôi làng nổi tiếng với những sản phẩm từ gỗ vô cùng tinh xảo này đã tồn tại ít nhất 300 năm. Từ lúc các cụ sinh ra và lớn lên cha ông của các cụ đã theo nghề này để kiếm sống và tích lũy trong nhà.
Qua lời kể, ban đầu, họ chỉ làm những vật dụng thông thường để thờ tự như mâm, khay, hương án… phục vụ mục đích tâm linh trong gia đình, dòng họ là chính. Và rồi được nhiều người trong và ngoài xã, huyện tin tưởng đặt hàng làm nhiều sản phẩm cho gia đình, việc kiếm tiền mang lại cuộc sống ấm no cho các gia đình làng mộc cũng bắt đầu từ đó. Sau khi các đơn đặt hàng ngày một tăng, tiếng tăm làng nghề được vang xa họ bắt đầu tìm tòi, học hỏi để nâng cao tay nghề.
Những lao động chính của các gia đình trong làng nghề các từ đó tỏa đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm nâng cao kỹ năng điêu khắc, chạm trổ tinh xảo để sản xuất các sản phẩm làm từ gỗ như giường, tủ, các sản phẩm trưng bày nghệ thuật, các dụng cụ nhà bếp… Dần dần, khi đôi bàn tay đã quen với nghề, sản phẩm được đặt chân đến với nhiều thị trường trong nước và tính thẩm mỹ chinh phục được những khách hàng khó tính, làng nghề mộc Thái Yên bắt đầu khẳng định vị trí và được biết đến kể từ đó.
Một khi sản phẩm và tiếng tăm làng nghề bay xa, không khí lao động càng trở nên tấp nập hẳn. Vừa mới đặt chân đến đầu làng đã nghe vang vọng âm thanh của các loại máy móc quen thuộc. Người cưa, người xẻ, người đánh nhẵn bề mặt sản phẩm, quét dầu... Các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ Thái Yên luôn mang nét độc đáo riêng về mỹ thuật, chất lượng, mẫu mã cũng ngày càng đa dạng, trở thành đối thủ cạnh tranh trên thị trường với các làng nghề gỗ mỹ nghệ khác trong cả nước. Nhờ đó, làng nghề mộc Thái Yên là một trong 10 làng nghề truyền thống đã được tỉnh Hà Tĩnh xếp vào danh sách khôi phục và phát triển.
Anh Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch Hội Nghề mộc Thái Yên cho biết: “Để nâng cao năng lực sản xuất với mục đích sản phẩm làm ra nhiều và đẹp hơn, ngày một thu hút nhiều khách hàng, các chủ cơ sở làm đồ mộc đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm phương tiện, máy móc. Các thế hệ đi sau chịu khó học hỏi để sản phẩm làm ra vừa có tính thẩm mỹ vừa đáp ứng chất lượng. Họ đã cần mẫn, miệt mài không quản ngày đêm để “đứa con tinh thần” ra đời được khách hàng ưa chuộng. Bởi thế mà tất cả các công đoạn để hoàn thiện một sản phẩm đều được thực hiện rất tỉ mỉ, hòa quyện để tạo nên những thước gỗ đậm dấu ấn truyền thống nhưng phù hợp với kiến trúc của các không gian khác nhau”.
“Trong làng không ai phải tha phương tìm kế sinh nhai”
Đó là câu nói mà anh Nguyễn Quốc Quân (SN 1970, chủ cửa hàng gỗ Thêm Quân), một trong những tay thợ có gần 30 năm kinh nghiệm cho biết: Làng mộc này đã nuôi sống hàng nghìn lao động trong thôn, nhiều gia đình giàu lên cũng từ cái nghề này. Từ bao đời nay không ai phải bỏ làng đi kiếm kế sinh nhai cả. Làng nghề này còn giải quyết được cả lao động cho các địa phương khác.
“Xưởng nhà tôi thuê 6 người thợ nhưng thời gian này vẫn rất bận, có khi phải tăng ca làm cả ban đêm để kịp trả hàng cho khách. Bình quân mỗi năm xưởng mộc của anh sản xuất và bán được khoảng 50 bộ bàn ghế sa-lông, mỗi bộ khoảng 30 triệu đồng, chưa kể một số bộ bàn ghế nguyên khối bằng gỗ đỏ trị giá 80 triệu cùng hàng nghìn sản phẩm bàn thờ, bàn ghế ăn, giường, tủ...”, anh Quân nói.
Người thợ trong làng nghề mộc Thái Yên sẽ tập trung vào hai mảng sản xuất chính: Đó là các sản phẩm đồ gỗ nội thất gia đình như bàn, ghế, gường, tủ, lục bình, mâm chè hay các loại đồ thờ bằng gỗ và điêu khắc các kiến trúc đền, đình, chùa. Nguyên liệu sản xuất đồ mộc Thái Yên bao gồm các loại gỗ lim, dỗi, gõ, săng vì, vàng tâm, kiền kiền. Để cho ra đời một sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, như: Xẻ gỗ, cắt theo quy cách, bào láng, vẽ, chạm, lắp ráp, sơn, gắn khóa… Hơn nữa, việc lựa chọn gỗ, sơ chế gỗ, đục thô đến tạo hình, chạm khắc… mỗi người một việc đều đòi hỏi tính cần mẫn, tỉ mỉ trong từng công đoạn.
Hiện tại, tổng số hộ trong làng nghề mộc Thái Yên có trên 1.000 hộ, giải quyết việc làm cho nhiều loại hình lao động và cứ bình quân 1 người thợ mộc chính sẽ kéo theo 4 lao động phụ. Như vậy, riêng làng nghề mộc Thái Yên đã giải quyết được việc làm cho hơn 4.000 lao động hàng năm. Những hộ có cơ sở sản xuất lớn khoảng 30 người phần lớn đều phải thuê lao động ở ngoài địa phương Với mức lương dao động đối với thợ chính 10 - 12 triệu/tháng, còn với lao động phụ từ 4 - 5 triệu đồng/ tháng.
“Thời gian tới, có nhiều hộ trong làng nghề sẽ chuyển cơ sở sản xuất ra khu công nghiệp để tăng quy mô sản xuất vì vị trí cũ không đủ không gian để hoạt động. Đây là làng nghề có từ lâu đời nên mẫu mã chất lượng rất đảm bảo. Qua những lần bình chọn sản phẩm nông thôn tiêu biểu có sản phẩm bộ đồ nhà bếp đạt chất lượng OCOP 4 sao. Nhờ có làng nghề phát triển đã giải quyết được lượng lớn lao động ở địa phương, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài số lao động vẫn có việc làm thường xuyên và đảm bảo mức sống ổn định”.
Ông Đoàn Ngọc Hương, Chủ tịch xã Thanh Bình Thịnh.