Nghệ nhân luôn đau đáu với việc lưu giữ tinh hoa làng gốm cổ
Về thăm làng gốm Bát Tràng, đến cơ sở sản xuất gốm Tân Thịnh của nghệ nhân Trần Đức Tân mới thấy hết sự bề thế và tinh tế, độc đáo trên mỗi sản phẩm mà người nghệ nhân đã cần mẫn sáng tác ra.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm gốm tại Bát Tràng nhiều đời, nghệ nhân Trần Đức Tân đã nuôi dưỡng ước mơ từ thuở nhỏ, ông luôn tự tìm kiếm, sáng tạo ra những sản phẩm gốm mới lạ mang phong cách và thương hiệu gốm Đức Tân rất riêng biệt. Với “thâm niên” hơn 30 năm trong nghề, ông luôn giữ trong mình một tình yêu cháy bỏng với nghề, với nét đẹp văn hóa dân tộc, đưa những điều mới mẻ vào từng sản phẩm gốm Bát Tràng.
Để tạo sự khác biệt trong sản phẩm trên đất làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm năm, nghệ nhân Đức Tân và vợ là nghệ nhân Thu Hằng đã quyết tâm nghiên cứu và tìm lối đi cho riêng mình bằng một phong cách riêng biệt và kỹ thuật tráng men độc đáo. Theo đó, mỗi sản phẩm của lò gốm Đức Tân không chỉ thể hiện sự tinh tế, sắc nét, khéo léo của người nghệ nhân mà còn được thể hiện qua những nét chữ được viết theo lối thư pháp của nghệ nhân Thu Hằng.
Với nghệ nhân Trần Đức Tân, các đường nét hoa văn trên sản phẩm gốm phải thật gần gũi với đời sống, mang nét nghệ thuật đương đại, có tính thẩm mỹ cao, phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng vẫn chứa đựng đầy hồn cốt văn hóa của người Việt. Với phong cách riêng của mình, nghệ nhân Đức Tân đã nghiên cứu, sáng tạo để tạo ra những màu men riêng với họa tiết trang trí tinh xảo, đẹp mắt. Những tác phẩm của ông được nhiều người ưa thích, trong đó phải kể đến: tác phẩm Ngũ sắc liên hoa với chất liệu màu gốm kim sa, Sen cổ có chất liệu gốm men màu đục mờ, đôi lục bình men dạn cổ Bát Tràng Bình gốm vân đá, bộ lọ gốm hoa văn cách điệu hoa cúc dây…
Nhờ sự đa dạng, chau chuốt, tỉ mỉ, công phu trong thiết kế sản phẩm cả đồ gia dụng và trang trí nội thất cùng với sự tài hoa, tinh tế trong từng nét chữ thư pháp trên mỗi sản phẩm, mà lò gốm của gia đình nghệ nhân Đức Tân quanh năm đỏ lửa, sản phẩm có mặt tại khắp các vùng miền trên cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Luôn đau đáu với việc bảo tồn nghề gốm
Làng nghề gốm Bát Tràng đã trải qua hàng trăm năm lịch sử, trở thành thương hiệu gốm nổi tiếng trong nước và nước ngoài. Do đó, việc giữ gìn và bảo tồn làng nghề mà cha ông để lại luôn là vấn đề khiến nghệ nhân Trần Đức Tân đau đáu.
“Nghệ nhân là người phải sáng tạo, phải có trách nhiệm trong việc bảo tồn nghề, phát triển nghề cũng như để truyền lại cho các thế hệ sau. Tên tuổi của làng gốm đã tạo tiền đề cho thế hệ các nghệ nhân trẻ, là một nửa của sự thành công khi được kế thừa và tiếp nối nghề của cha ông. Gìn giữ tinh hoa của nghề là điều mà những người làm gốm như chúng tôi luôn đau đáu”, nghệ nhân Trần Đức Tân chia sẻ.
Theo nghệ nhân Đức Tân, bảo tồn nghề truyền thống là điều mà các thế hệ phải cùng suy nghĩ và cùng nhau vun đắp, bởi thế hệ nọ kế thừa, nối tiếp thế hệ kia. Sự gắn kết giữa gia đình, xã hội và cộng đồng rất quan trọng, cần khích lệ, lan tỏa, cọ sát nhau, học hỏi nhau để cùng phấn đấu.
“Điều đáng mừng, một thập niên gần đây, 90% các bạn trẻ quay về với nghề bởi nghề gốm đang trong thời kỳ hưng thịnh. Các bạn trẻ được đào tạo cơ bản thì quay về làm nghề của gia đình và tiếp nối câu chuyện “cha truyền con nối”. Sáng dậy, nhìn thấy công nhân, nhìn thấy đất thì các bạn sẽ tự ý thức về trách nhiệm của mình đối với quê hương làng nghề. Các bạn trẻ ngày nay có nhận thức rất tốt, khi được đào tạo cơ bản thì có góc nhìn và có cách làm rất hay. Chúng tôi nhận thấy các bạn trẻ luôn cập nhật được xu hướng mới, cập nhật được công nghệ cũng như hội nhập của đất nước”, nghệ nhân Trần Đức Tân nói.
Nghệ nhân Đức Tân quan niệm rằng, trách nhiệm của những người nghệ nhân đi trước là chia sẻ với thế hệ trẻ những gì mình đã làm được để họ có nhận thức trong nghề và sống cởi mở hơn. Trong người nghệ sĩ và nghệ nhân, chất liệu đã có sẵn, quan trọng là làm ra cái gì, ai là người khởi xướng, là người dẫn đầu mở lối cho xu hướng sáng tạo. Đây là điều rất tốt, mở ra những cái mới cho nghệ thuật, các thế hệ người Bát Tràng đang cùng nhau chung tay phát triển nghề gốm và “luyện thổ thành kim”.
“Nhiều người nói, mỗi gia đình hay mỗi nghệ nhân đều giữ những bí kíp nghề cho riêng mình, tuy nhiên, với sự hội nhập hiện nay nếu cứ giữ như vậy thì sẽ không lan tỏa được giá trị của nghề. Riêng bản thân tôi, trong gia đình cũng như ở làng Bát Tràng hay trong giới nghệ nhân, luôn có sự trao đổi, giao thoa với nhau để phát triển những giá trị mà ông cha để lại, chứ không phải giữ cho riêng mình”, nghệ nhân Đức Tân cho hay.
Làm thế nào để giữ nghề, phát triển nghề? nghệ nhân Trần Đức Tân chia sẻ: Mỗi người nghệ nhân có màu sắc của riêng mình và cần tìm cho mình một lối đi riêng. Người làm gốm phải giữ được bản sắc gốm truyền thống nhưng cũng phải hướng về thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, phải không ngừng sáng tạo, tạo ra những sản phẩm mới, mang màu sắc mới, đặc biệt phải sáng tạo không ngừng mới có thể hóa đất thành “vàng”.
Tự hào với truyền nhân
Tình yêu dành cho nghề gốm sứ mãnh liệt đã khiến nghệ nhân Trần Đức Tân luôn tìm tòi, sáng tạo để tìm ra những sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người dùng nhưng cũng như giữ được nét tinh túy của nghề gốm sứ truyền thống Bát Tràng. Ông đã thành công trong việc truyền lại tình yêu, sự đam mê ấy cho người con trai cả: nghệ nhân trẻ Trần Anh Tú (sinh năm 1995).
Mặc dù là người đi sau, kế thừa và học hỏi tinh hoa, song những sản phẩm của nghệ nhân Trần Anh Tú đã để lại dấu ấn cá nhân, tái hiện tinh hoa của làng nghề. Nghệ nhân trẻ có góc nhìn, sự sáng tạo độc đáo, lạ mắt, đã trẻ hóa mẫu mã gốm sứ Bát Tràng, thổi hồn đương đại vào gốm sứ mà không làm mất đi giá trị cốt lõi của truyền thống làng nghề.
Nói về “truyền nhân” của mình, nghệ nhân Trần Đức Tân tự hào cho biết: “May mắn được thừa hưởng “chất nghệ” của bố mẹ nhưng nghệ nhân Anh Tú đã tạo được dấu ấn riêng của riêng mình, thể hiện được sự sáng tạo của một người trẻ, đó là những họa tiết, hoa văn truyền thống, quyện trong những kiểu dáng hiện đại. Tú có thế mạnh là bố mẹ đã để lại nền tảng, chất liệu cũng như kinh nghiệm, khi có những chất liệu ấy thì Tú luôn có tư duy sáng tạo, tư duy mới lạ để tạo ra những sản phẩm mang tính văn hóa, lịch sử, bắt kịp xu hướng, tôi rất vui vì điều đó”.
Thật vậy, là nghệ nhân trẻ, Trần Anh Tú có cách học tập và nhìn nhận khác biệt so với thế hệ đi trước. Tú nghĩ, điều quan trọng cần có là những trải nghiệm về gốm mang tính chuyên nghiệp. Bằng sự nỗ lực và không ngừng sáng tạo của mình, sau gần một thập kỷ gắn bó với nghề, tên tuổi của Trần Anh Tú đã được biết đến nhiều hơn trong làng gốm, anh đã “thoát khỏi” danh nghĩa là con trai Nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân mà vươn lên bằng chính năng lực thực thụ của mình.
Bản thân anh không hướng mình thành nghệ nhân như bố mẹ mà mong muốn trở thành một nghệ sĩ sáng tạo - tạo ra những sản phẩm có nét cá tính riêng, không bó buộc theo bất cứ khuôn mẫu nào.
Với sự sáng tạo, đam mê, nhiệt huyết với nghề gốm, dịp Xuân Giáp Thìn 2024, nghệ nhân Trần Anh Tú đã “thổi hồn” vào đất sét Bát Tràng để nhào nặn thành biểu tượng rồng cho năm mới Giáp Thìn, tượng trưng cho năm mới an lạc, thái bình và thịnh vượng, có tên gọi “Long mã hà đồ”. Đây chính là minh chứng cho sự sáng tạo, đột phá trong tư duy của nghệ nhân trẻ Trần Anh Tú.
Cũng như mong ước của cha mình, ngay từ bây giờ, anh đã rất có ý thức trong việc bảo tồn, tiếp nối nghề truyền thống của gia đình.
“Tôi may mắn được sinh ra trong gia đình có nhiều đời làm gốm và được sống tại làng nghề hàng nghìn năm tuổi. Đây là sự may mắn của bản thân tôi, tôi luôn tự hào với truyền thống gia đình và sẽ nỗ lực trong việc bảo tồn, góp phần phát huy giá trị làng nghề. Được sống trong một gia đình có truyền thống nhiều năm chính là động lực thúc đẩy tôi hơn nữa trong việc đổi mới sáng tạo để cống hiến, làm đẹp cho đời và nâng tầm giá trị văn hóa Việt Nam vào trong nghề gốm”, nghệ nhân Trần Anh Tú chia sẻ.
Cha con ông Trần Đức Tân không chỉ là nghệ nhân mà còn là người nghệ sĩ, doanh nhân. Với họ, bảo tồn, gìn giữ, phát huy nghề truyền thống cũng là điều hết sức quan trọng và luôn đặt cái tâm của mình vào trong đó. Trong mỗi tác phẩm, không chỉ cần sự bền bỉ, sáng tạo, tài hoa của người nghệ nhân mà còn phải đặt toàn bộ tình yêu thương và niềm đam mê của mình vào trong đó. Đồng thời, cần có trách nhiệm quảng bá văn hóa, lịch sử làng nghề khi kinh doanh sản phẩm gốm sứ. Đây chính là “sứ mệnh” của những người nghệ nhân làm nghề chân chính.
Theo VOV