Y tế

"Nhiệt độ tăng có thể khiến virus sốt xuất huyết trở nên độc hại hơn"

10:11 20/09/2023 GMT+7
Một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Công nghệ sinh học Rajiv Gandhi ở Kerala (Ấn Độ), phát hiện ra rằng khi nhiệt độ tăng có thể khiến virus sốt xuất huyết trở nên độc hại hơn.
Ảnh minh họa.

Nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí FASEB, tập trung vào cách thức hoạt động của virus sốt xuất huyết khi phát triển trong các tế bào có nguồn gốc từ muỗi ở nhiệt độ cao hơn.

Các nhà nghiên cứu giải thích, khả năng virus sốt xuất huyết phát triển mạnh trong cả tế bào muỗi và tế bào người là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến độc tính của nó.

Không giống như động vật bậc cao, muỗi có nhiệt độ cơ thể dao động và thay đổi theo điều kiện môi trường. Virus sốt xuất huyết được nuôi cấy ở nhiệt độ cao hơn trong tế bào muỗi biểu hiện độc tính cao hơn đáng kể so với virus được nuôi cấy ở nhiệt độ thấp hơn.

Nghiên cứu với ý nghĩa nhắc nhở mọi người cần lưu ý: Trong những mùa có nhiệt độ môi trường tăng cao, cùng với lượng mưa không liên tục thúc đẩy muỗi sinh sản, có khả năng xuất hiện các chủng virus sốt xuất huyết độc hại hơn, dẫn đến hậu quả bệnh nghiêm trọng hơn. Khía cạnh này trước đây chưa được nghiên cứu trong các đợt bùng phát sốt xuất huyết.

Đặc biệt, nghiên cứu nhấn mạnh mối liên quan ngày càng tăng của hiện tượng nóng lên toàn cầu và những tác động tiềm tàng của nó đối với ảnh hưởng của các bệnh truyền nhiễm.

Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm virus do virus sốt xuất huyết (DENV) gây ra và lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi bị nhiễm bệnh. Trên toàn cầu, tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng trong những năm gần đây, ước tính khoảng 390 triệu ca mỗi năm, đồng thời cũng gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh và tỷ lệ tử vong.

Mặc dù bệnh thường nhẹ ở hầu hết bệnh nhân, nhưng trong một số trường hợp, nó có thể dẫn đến các tình trạng giảm tiểu cầu (số lượng tiểu cầu trong máu cực thấp) và hội chứng sốc, đe dọa tính mạng.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác