Nông thôn mới

Cần Thơ phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao

Nguyễn Hạnh - 15:32 26/07/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - (Tapchinongthonmoiw.vn) Thành phố Cần Thơ xác định khi xây dựng NTM không chạy theo thành tích mà theo chất lượng. Vì vậy, địa phương nào được công nhận NTM thì điều kiện sống về vật chất, tinh thần của người dân phải được nâng lên.

Kết quả nổi bật từ Chương trình xây dựng NTM những năm qua không chỉ dừng lại ở việc số xã, huyện được công nhận NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu mà là những lợi ích thiết thực mang lại cũng như giải quyết các vấn đề cấp thiết, bức xúc của đại bộ phân cư dân nông thôn.

Nhiều cách làm hay

Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn thành phố đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét, thực chất cả về lượng và chất trong phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân khu vực nông thôn. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ngày càng phát triển, tất cả các xã có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện và chợ huyện được trải nhựa hoặc bê tông hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, qua đó, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời phát triển các mô hình du lịch cộng đồng.  Đến nay, thành phố có 4/4 huyện đạt chuẩn NTM, trong đó 26/36 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn  NTM kiểu mẫu.

Diện mạo xã NTM kiểu mẫu Định Môn, đường đi thông thoáng, sạch đẹp.

Ðến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở các xã đạt chuẩn NTM nâng cao đạt trên 64 triệu/người/năm; xã đạt NTM kiểu mẫu trên 70,4 triệu/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của Thành phố giảm dưới 2,5%; người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%; hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch là 89,5%...

 Ông Nguyễn Minh Khôi, ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền xúc động nói: “Chương trình NTM, NTM nâng cao đã cho người dân chúng tôi hưởng lợi rất nhiều như về giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa… giúp phát triển kinh tế, đời sống bà con cải thiện rõ rệt. Bà con được tiếp cận với nhiều tiến bộ trong cả sản xuất lẫn sinh hoạt đời thường, nên ai nấy đều phấn khởi và có niềm tin vào phong trào xây dựng kiến thiết nông thôn”...

Tại Cần Thơ, để giữ vững các tiêu chí cũng như danh hiệu xã NTM, thành phố đã có những cách làm hay. Cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân không ngừng nỗ lực duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt theo phương châm “Không phải đạt chuẩn là kết thúc, là tự bằng lòng mà cấp ủy xã đã chỉ đạo chính quyền thường xuyên rà soát, đánh giá các tiêu chí, nhất là những tiêu chí có khả năng biến động và kém bền vững như: Thu nhập bình quân đầu người, môi trường, bảo hiểm y tế, an ninh trật tự…”. Trong đó, các địa phương chú trọng tiêu chí nâng cao thu nhập bình quân đầu người; Quan tâm đến chính sách khen thưởng cho những cá nhân và tập thể có công đóng góp lớn trong phong trào xây dựng NTM ở địa phương một cách nhanh chóng, kịp thời.

  Đơn cử như ở huyện Phong Điền, phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân. Một trong những hoạt động nhận được sự ủng hộ của nhân dân đó là chiến dịch thuỷ lợi, giao thông mùa khô gắn với xây dựng cảnh quan và vệ sinh môi trường. Đây là hoạt động thường niên của huyện Phong Điền. Từ Chiến dịch đã giúp huyện hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện đã huy động được 3.673 ngày công lao động, ước giá trị nhân dân đóng góp trên 5,9 tỷ đồng.

Đặc biệt, hiện nay Phong Ðiền đang phát triển hiệu quả và bền vững vườn cây ăn trái, huyện xây dựng các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP để hướng đến sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Ðến nay, toàn huyện có có 23 mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, tổng diện tích 285,8 ha, với 422 hộ tham gia; 1 mô hình Global GAP trồng cây vú sữa ở xã Trường Long, diện tích 16,1 ha với 12 hộ tham gia. Huyện còn xây dựng mã số vùng trồng cây ăn trái trên địa bàn; hỗ trợ tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”…

Thành phố Cần Thơ có 92 sản phẩm OCOP

Theo ông Lê Hoàng Thông, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sầu riêng Tân Thới, huyện Phong Ðiền, sầu riêng của tổ hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được thành phố công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Qua đó, sầu riêng Tân Thới được nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp biết đến và ký hợp đồng tiêu thụ. Sắp tới, tổ hợp tác sẽ xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn Global GAP, chinh phục các thị trường “khó” tính, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Tương tự, để nâng cao đời sống người dân, huyện Vĩnh Thạnh tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất thông qua việc hình thành, phát triển các mô hình cánh đồng mẫu lớn; các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ bà con, hội viên trong định hướng các loại hình kinh tế phù hợp, cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Huyện kêu gọi nhân dân chủ động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản phẩm, thu nhập cao, tiêu biểu: Mô hình xử lý và phân loại rác thải tại gia đình của Hội LHPN; mô hình Cột cờ thẳng hàng, đèn chiếu sáng trên các ấp Thắng Lợi, Tân Thạnh, Tân An; mô hình phát triển kinh tế của Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên…

  Có thể nói, từ phong trào xây dựng NTM tại thành phố Cần Thơ, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, nhất là trong phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển các sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu tại địa phương, ứng dụng khoa học công nghệ, trong bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn của thành phố .

 Cốt lõi là nâng cao đời sống cho người dân nông thôn

Trong giai đoạn mới, TP Cần Thơ xác định nâng chất toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn là đích đến cuối cùng. Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ 36 xã của thành phố đều đạt chuẩn NTM nâng cao; 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có ít nhất 1 huyện được công nhận huyện NTM nâng cao…

Xây dựng NTM hiệu quả, đảm bảo thực chất đi vào chiều sâu vì lợi ích người dân, xây dựng 1 nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh hiện đại đó là điều mà Cần thơ hướng tới trong tương lai.

 Một trong những phần việc quan trọng của thành phố là tập trung phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho nông dân. Cần Thơ sẽ tập trung thực hiện đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và chương trình OCOP; tiếp tục phát triển sự nghiệp y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường; giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội.

Cần Thơ dẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

 Vấn đề trọng yếu nữa mà Cần Thơ sẽ đẩy mạnh triển khai là tập trung nâng chất các xã NTM, phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Để làm được điều đó, thành phố sẽ tập trung nguồn lực, triển khai nguồn ngân sách Trung ương, phân bổ đồng đều nguồn ngân sách địa phương để ưu tiên cho xã, huyện đang thực hiện xây dựng NTM nâng cao nhằm phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội.

 Thới gian tới, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM thành phố sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn thành phố, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tìm ra những giải pháp đẩy mạnh công tác có hiệu quả. Thành phố tiếp tục thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, tăng giá trị hàng hóa nông sản; áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất bền vững và hiệu quả - thông qua việc phát triển tiêu chí tổ chức sản xuất  nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân như: Hợp tác xã kiểu mới hay mô hình “Cánh đồng lớn” có hợp đồng sản xuất theo chuỗi giá trị và có bao tiêu sản phẩm đôi bên cùng có lợi.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo “Giải pháp xây dựng nông thôn mới bền vững” mới đây, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu, trong thời gian tới, các huyện, xã cần tập trung mạnh mẽ công tác tuyên truyền để huy động cả hệ thống chính trị và người dân cùng tham gia xây dựng NTM. Bên cạnh đó, phải chủ động lập kế hoạch thực hiện chương trình để huy động nguồn đầu tư và quan tâm chỉ đạo kịp thời, phân công vai trò, trách nhiệm các bên có liên quan trong thực hiện từng tiêu chí. Các huyện, xã cần định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất gắn với thị trường, phát triển thương hiệu; ứng dụng khoa học công nghệ để tiết giảm chi phí, tạo ra sản phẩm chất lượng; quan tâm xây dựng cảnh quan môi trường, từ đó cải thiện thu nhập của người dân nông thôn.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác