Người dân Việt Nam sẽ sớm được tiếp cận vắc xin sốt xuất huyết
Tại buổi ký kết, hai bên đã thống nhất triển khai nhiều hoạt động quan trọng nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế về các biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, trong đó có việc cung cấp vắc xin sốt xuất huyết.
Phát biểu tại buổi lễ, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) đã đánh giá cao sự hợp tác giữa Takeda và VNVC. Ông Quang hy vọng việc hợp tác này sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân trong tương lai, đặc biệt người dân Việt Nam sẽ sớm có cơ hội tiếp cận vắc xin sốt xuất huyết.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhiều năm làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng và tiêm chủng đã chứng kiến rất nhiều trường hợp tử vong do sốt xuất huyết gây ra và ông hiểu rõ vai trò quan trọng của vắc xin trong việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.
Ông Phu mong rằng việc ký kết hợp tác giữa VNVC và Takeda sẽ mang lại hiệu quả và thành công, đồng thời mong muốn vắc xin sốt xuất huyết sớm được đưa về Việt Nam, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và yêu cầu về hiệu quả và an toàn để có thể sử dụng trong nước.
Được biết, Takeda là một công ty dược phẩm toàn cầu có lịch sử lâu đời, được thành lập vào năm 1781. Vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết của Takeda có tên là TAK-003 (được đăng ký thương hiệu là QDENGA), đã được cấp phép sử dụng tại hơn 30 quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Argentina và các quốc gia có tình hình dịch tễ sốt xuất huyết tương tự Việt Nam như Indonesia, Brazil và gần đây là Thái Lan. TAK-003 hiện chưa có giấy phép lưu hành tại Việt Nam. Kết quả thử nghiệm đã cho thấy vắc xin này có khả năng tạo phản ứng miễn dịch đối với cả 4 chủng virus Dengue đang lưu hành trên toàn cầu, giúp phòng bệnh và giảm nguy cơ nhập viện đối với những người mắc sốt xuất huyết. Theo Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), vắc xin QDENGA đã được duyệt sử dụng cho các đối tượng từ 4 tuổi không phân biệt đã từng nhiễm bệnh hay chưa.
Sau lễ ký kết, Tập đoàn Takeda và Viện Pasteur TPHCM đã tổ chức hội thảo "Các định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống sốt xuất huyết tại Việt Nam". Đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch bệnh sốt xuất huyết trên thế giới diễn biến phức tạp, ước có khoảng 2,5 tỉ người sống trong vùng sốt xuất huyết lưu hành, tỉ lệ tử vong trung bình 1%. Dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng các ca tử vong, đặc biệt tại châu Mỹ Latin, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Ở Việt Nam, sốt xuất huyết xuất hiện nhiều tại các tỉnh, thành phố, trung bình mỗi năm ghi nhận khoảng 100.000 ca mắc. Trong 9 tháng đầu năm 2023, cả nước đã có 87.000 ca mắc sốt xuất huyết, 23 ca tử vong.
Hiện tại, sốt xuất huyết chưa có liệu pháp điều trị đặc hiệu ngoài việc hỗ trợ làm giảm các triệu chứng và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh. Trong khi đó, việc kiểm soát nguồn lây của bệnh còn gặp nhiều khó khăn, ý thức phòng chống bệnh trong cộng đồng vẫn còn hạn chế, nguồn lực phòng ngừa chưa ổn định, đồng thời việc xử lý các vấn đề liên quan cũng gặp khó khăn do diện tích dân cư rộng lớn và khó kiểm soát.
Để ngăn ngừa bệnh dịch sốt xuất huyết bùng phát, các tỉnh, thành ở Việt Nam đã triển khai công tác tuyên truyền hướng dẫn và huy động cộng đồng nâng cao kiến thức tự bảo vệ bản thân là quan trọng. Đối với vắc xin sốt xuất huyết, có thể đây không là biện pháp thần kỳ, duy nhất, nhưng vẫn sẽ là cú hích mạnh cho phòng, chống sốt xuất huyết.
Và việc hợp tác chiến lược giữa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC và Tập đoàn Takeda được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho người dân trong việc nâng cao khả năng và mở rộng danh mục các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm có thể dự phòng bằng vắc xin, bảo vệ sức khỏe người dân, nâng cao chất lượng sống của xã hội.
Quang Tú (tổng hợp)