Nguồn quỹ mang hơi ấm Xuân về
Mức thu nhập nâng cao, cuộc sống ấm no sung túc
Năm qua, dù thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa nhiều, dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người chăn nuôi, việc tái đàn gặp nhiều khó khăn do thiếu giống và rủi ro do khi dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn dẫn đến hạn chế rất lớn đến tăng tổng đàn.
Cùng với đó, tỷ lệ lao động nông nghiệp đã qua đào tạo còn thấp; Tư duy kinh tế, tính năng động trong kinh doanh, lao động sản xuất còn hạn chế. Nông dân lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, giá cả xăng, dầu, gas biến động thất thường, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, các mặt hàng nông sản đầu ra không ổn định, tiêu thụ khó khăn.
Tất cả những khó khăn đó đều được khắc phục từ chính nỗ lực không ngừng nghỉ với quyết tâm vươn lên của đại đa số người dân. Từ bàn tay lao động cần mẫn và khối óc sáng tạo cùng với sự hỗ trợ tối đa của Hội Nông dân các cấp, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã vươn lên làm ăn kinh tế khấm khá. Cũng từ nguồn vốn vay, một số hộ đã đăng kí hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Nhờ vốn vay xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao, điển hình như: Mô hình chăn nuôi dê; Mô hình chăn nuôi lợn; Rượu men lá ở xã Môn Sơn, Đôn Phục; mô hình chăn nuôi trâu bò sinh sản, trâu bò vỗ béo tại xã Bồng Khê; Mô hình chăn nuôi bò, lợn vỗ béo lấy thịt của hộ gia đình ông Phan Viết Mỹ ở Thanh Nam, xã Bồng Khê phát huy tốt hiệu quả giá trị đồng vốn vay. Việc chăn nuôi gia trại không xuất cho thương lái như thông thường mà gia đình ông thực hiện một bước đi mới, đó là mổ lấy thịt nhập cho tiểu thương.
Cứ vào độ Tết, đến Xuân về, thịt bò, thịt lợn lại càng tăng giá, tăng cả số lượng bán ra vì nhu cầu tiêu thụ cao hơn ngày thường. Việc chăn nuôi chờ dịp Tết để xuất hàng luôn được lựa chọn hàng đầu bởi một người có kinh nghiệm hàng chục năm như ông Mỹ. Ông nói thêm: “Cứ cuối năm nhiều người đến đặt hàng trước lắm vì thịt ngon hơn nữa khách hàng cũng gắn bó lâu năm rồi. Tết mọi người có thói quen chế biến thịt thành những mặt hàng như thịt bò khô, bò giàng, thịt lợn khô xé… để phong phú và lạ hơn về thực phẩm ngày Tết”. Vì thế mà hiện nay thịt bò và thịt lợn đang được nhập trên địa bàn toàn tỉnh, mỗi năm thu về lãi ròng từ 300 triệu đồng.
Từ việc phát huy hiệu quả đồng vốn vay trong phát triển kinh tế, Quỹ Hỗ trợ Nông dân huyện Con Cuông đã trở thành kênh tín dụng quan trọng, trợ giúp cho nông dân trên địa bàn phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo góp phần không nhỏ trong việc thực hiện chương trình trọng điểm xây dựng nông thôn mới của huyện miền núi Con Cuông.
Tiếp tục xây dựng và phát triển nguồn Quỹ
Con Cuông là huyện miền núi nằm phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, với tổng số nhân khẩu 75.781; lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có 60.456 người, trong đó số lao động làm việc trong các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 41.144 người, chiếm 82,6%. Đó chính là con số lao động chiếm khá cao hoạt động trong ngành Nông nghiệp. Vì thế để phát huy hết hiệu quả sức lao động và tận dụng tối đa nguồn lợi thiên nhiên ban tặng là điều đáng bàn. Bởi lâu nay, nguồn lực lao động nhàn rỗi trong nông thôn chiếm con số khá cao.
Chính vì thế, khi nguồn quỹ được đầu tư vào từng hộ gia đình có nhu cầu kết hợp với chủ trương “cầm tay chỉ việc” của Hội Nông dân các cấp khi cho vay vốn đã phần nào làm tăng tính cần mẫn, sáng tạo trong nhân dân khi bắt tay xây dựng kinh tế trên chính “gia tài” lâu nay của mình. Cũng từ đó, trình độ, nhận thức của nông dân có nhiều tiến bộ, đời sống ngày càng được cải thiện rõ rệt.
Năm 2021, Quỹ Hỗ trợ Nông dân tiếp tục được bổ sung, góp phần xây dựng và nhân rộng được nhiều mô kinh tế hiệu quả. Năm 2021 nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân là 460 triệu, trong đó cấp tỉnh 300 triệu; cấp huyện 100 triệu và cấp xã là 60 triệu đồng cho 29 hộ vay với 6 dự án
Lũy kế đến nay nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân do Hội ND huyện đang quản lý là 2,080 tỷ đồng, xây dựng 6 mô hình với 29 hộ vay. Trong đó nguồn vốn của tỉnh ủy thác là 1,270 tỷ, nguồn của huyện là 810 triệu. Những đồng vốn do quỹ mang lại đã xây dựng được nhiều dự án có hiệu quả kinh tế cao. Từ đó mức sống của người dân được nâng lên qua đó góp phần không nhỏ trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Điều đó được cụ thể hóa qua kết cấu hạ tầng nông thôn nhất là giao thông, thủy lợi được đầu tư, nâng cấp; cơ sở vật chất phục vụ các sinh hoạt văn hóa, thể thao được chú trọng; an ninh chính trị được giữ vững ổn định, không có điểm nóng xẩy ra; bộ mặt nông thôn ngày càng được quan tâm, đầu tư; Toàn huyện có 3/13 xã, thị trấn; 15/115 thôn bản được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.
"Nhìn chung, Quỹ Hỗ trợ Nông dân huyện Con Cuông đã hoạt động đúng với định hướng ngay từ đầu nhờ đó khi kết thúc chu kỳ vay vốn, các dự án đã nộp phí và vốn đúng hạn. Định kỳ hàng quý, các tổ vay vốn dự án duy trì sinh hoạt tổ, nội dung phong phú, với sự tham gia của ban quản lý dự án và hộ vay để trao đổi và học tập, truyền đạt các kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống, tìm đầu ra cho sản phẩm...", bà Hà Thị Hợi - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện chia sẻ.
Mặc dù còn một số hạn chế trong hoạt động cho vay vốn nhưng thời gian tới Hội tập trung tháo gỡ và nâng cao nghiệp vụ cho các thành viên trong tổ. Cùng với đó, để nguồn quỹ đến với hội viên phát huy hiệu quả, Hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động các dịch vụ hỗ trợ nông dân như chương trình cho vay phân bón, vật tư nông nghiệp khác, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý; Tập huấn nâng cao kiến thức trong trồng trọt và chăn nuôi; Đổi mới nâng cao chất lượng công tác dạy nghề, chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân; Chú trọng hoạt động tư vấn, hướng dẫn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi
- Nông dân Hiệp Hòa thay đổi tư duy khi tham gia sản xuất lúa “thân thiện với môi trường”