Nguồn vốn Quỹ giúp nông dân Điện Biên Đông thoát nghèo
Quỹ HTND - nguồn lực quan trọng giúp nhiều hội viên thoát nghèo
Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã được các cấp Hội Nông dân huyện Điện Biên Đông tích cực triển khai và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên. Qua phong trào đã giúp nhiều hội viên nông dân vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình. Có được những thành quả đó phải nhắc đến vai trò bà đỡ của các nguồn tín dụng hỗ trợ, trong đó có Quỹ HTND các cấp.
Gia đình ông Sùng A Chua ở bản Tìa Ló A, xã Noong U, huyện Điện Biên Đông được vay 30 triệu đồng từ Quỹ HTND để mua thêm hai cặp bò sinh sản. Sau một năm chăm sóc, bò cái sinh ra con đầu tiên, bò cái được giữ lại để nuôi với mục đích tăng đàn, bò đực thì nuôi vỗ béo bán để lấy tiền đầu tư tiếp. Đến nay, gia đình ông Chua không chỉ trả hết được nguồn vốn vay, và đàn bò của gia đình cũng đã phát triển lên hàng chục con.
Sau nhiều năm hiệu quả kinh tế thấp, ông Cao Văn Hưng - Tổ 3, thị trấn Điện Biên Đông đã mạnh dạn vay vốn từ nguồn Quỹ HTND để cải tạo trang trại của gia đình với mong muốn nâng cao thu nhập. Nhờ được sửa sang, cải tạo và chăm sóc hiệu quả và áp dụng khoa học kĩ thuật, đàn vật nuôi của gia đình ông Hưng đã không ngừng phát triển, thu nhập từ đó cũng được tăng lên. Qua quá trình triển khai cho thấy, Quỹ HTND đã trở thành nguồn lực quan trọng giúp nhiều hội viên nông dân, nhất là những nông dân nghèo thiếu vốn có điều kiện thuận lợi để vươn lên.
Từ năm 2016 đến nay, vốn vay từ Quỹ HTND huyện Điện Biên Đông đã giúp cho hàng trăm hộ nông dân thoát nghèo và giải quyết việc làm, ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Hiện nay, Hội ND huyện đang quản lý nguồn vốn vay Quỹ HTND của ba cấp (cấp trung ương, tỉnh, huyện) với số tiền 2 tỷ 271 triệu đồng. Hội ND huyện đã triển khai được 70 dự án tại 6 xã, những năm qua, từ nguồn vốn vay này đã có rất nhiều các gia đình hội viên nông dân trên địa bàn huyện, từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu trên địa bàn của huyện.
Từ nguồn vốn Quỹ HTND các cấp, Hội ND huyện đã xây dựng và triển khai 5 dự án chăn nuôi trâu, bò, lợn tại các xã: Na Son, Keo Lôm, Noong U, Tìa Dình, Chiềng Sơ và thị trấn Điện Biên Đông với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Nhằm giúp hội viên nâng cao nhận thức, đào tạo nghề nông nghiệp, Hội ND huyện còn phối hợp với Hội ND tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề ngắn hạn cho hội viên; hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và bảo quản chế biến nông sản...
7.000 hộ dân được tiếp cận và thụ hưởng
Không chỉ có nguồn vốn Quỹ HTND, chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Điện Biên Đông đã hỗ trợ vay vốn, giúp hàng nghìn hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất, đời sống nhân dân, nguồn vốn tín dụng chính sách ở Điện Biên Đông vẫn triển khai hiệu quả.
Anh Lò Văn Phóng, bản Mường Luân 1, xã Mường Luân đã vay vốn Ngân hàng CSXH huyện và bạn bè, người thân đầu tư mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi và quầy thuốc thú y nhằm hướng dẫn, tiêm phòng, điều trị cho gia súc, gia cầm mắc bệnh trên địa bàn. Tận dụng kiến thức, kinh nghiệm của bản thân, anh còn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại để chăn nuôi hàng chục con lợn thịt, 1.000 con gà thương phẩm. Mô hình kinh tế của anh đã mang lại hiệu kinh tế cao khi mỗi năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng.
Gia đình chị Lò Thị Hương, bản Na Phát, xã Na Son là hộ dân phát triển kinh tế tiêu biểu từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện. Với số vốn vay ban đầu 50 triệu, chị mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thịt. “Nuôi lợn nái thứ nhất là nhàn, không phải ra nắng ra mưa. So với đi làm nương làm rẫy thì thu nhập cũng cao hơn… Thu nhập trung bình của gia đình tôi được khoảng100 triệu đồng/năm”- chị Hương chia sẻ. Năm 2019, gia đình anh Lò Văn Trường - ở tổ 1, thị trấn Điện Biên Đông được Ngân hàng CSXH huyện giải ngân số tiền 40 triệu mua một cặp trâu về nuôi sinh sản. Nhận thấy cách làm này mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Trường tiếp tục vay thêm 40 triệu để mở rộng quy mô chăn nuôi với mong muốn cải thiện thêm nguồn thu nhập.
Ông Thào A Dua - Chủ tịch UBND xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông cho biết: “Với ưu điểm là lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài và thủ tục vay vốn đơn giản, thuận tiện nhờ hình thức cho vay uỷ thác thông qua các tổ chức đoàn thể, nguồn vốn Ngân hàng CSXH đã nhanh chóng đến tận tay hộ nghèo”. Tổng dư nợ đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện Điện Biên Đông là trên 217 tỷ đồng, tương ứng với gần 7.000 hộ dân được tiếp cận và thụ hưởng. Các nguồn vốn của Ngân hàng CSXH, nhất là nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo được các hộ dân mua trâu bò về nuôi, trồng cỏ… đã góp phần phát triển kinh tế hộ.
Giai đoạn 2016 - 2021, Hội ND huyện đã triển khai 115 mô hình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và 15 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ 298 con trâu, 2.794 con bò, hỗ trợ trồng 146ha cỏ ghine và một số chương trình hỗ trợ khác. Không chỉ vậy, việc hỗ trợ truyền tải kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân để chủ động trong khâu sản xuất kinh doanh còn góp phần hạn chế tín dụng đen ở nông thôn, giảm bớt tệ nạn xã hội, giúp nông dân có nguồn vốn phát triển bền vững hơn.
“Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Điện Biên Đông tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của Quỹ HTND, và phối hợp cùng Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho hội viên có vốn để phát triển sản xuất. Cùng với đó, tăng cường giám sát việc thực hiện hỗ trợ vốn, nhằm đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng. Xây dựng thành công các mô hình nông dân phát triển kinh tế, làm giàu và giảm nghèo bền vững. Việc xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế làm giàu và giảm nghèo bền vững ở nông thôn trở thành nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của các cấp Hội”.
Ông Trần Hải Đăng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Điện Biên Đông.
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi
- Nông dân Hiệp Hòa thay đổi tư duy khi tham gia sản xuất lúa “thân thiện với môi trường”