Cảnh giác dịch sốt xuất huyết từ các điểm nguy cơ
Tìm bỏ ổ lăng quăng
Miếu Đầm Cây Sến ở khu phố 29, phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TP.HCM là một trong 2 điểm nguy cơ sốt xuất huyết của khu phố. Trong miếu có nhiều vật dụng là chén, bình bông thờ phụng, chai, thùng… rải rác, đã đọng nước sau khi có những cơn mưa đầu mùa.
Phường đã huy động đoàn viên thanh niên úp và loại bỏ các vật dụng chứa nước. Nhân viên y tế cũng hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết.
Ông Nguyễn Văn Khánh, người dân trông coi miếu này nói: “Ngày mùng Một, ngày Rằm, ngày vía cúng mà có chưng bông thì tôi úp hết. Đừng lo, ở đây tôi được hướng dẫn rồi nên giữ kỹ. Còn có cái hồ bên kia đặc biệt chút nên chưa có súc, nhưng có để cá và rùa nên không lo”.
Theo bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, công chức văn hóa xã hội, phường Tân Chánh Hiệp, các khu phố trong phường đều có xe loa để đi các ngõ ngách, con hẻm để tuyên truyền người dân lưu ý các vật dụng xung quanh khu vực sinh sống: “Đối với các điểm nguy cơ như là các điểm đất trống thì khó khăn là chủ không có ở đây. Như vậy phường mình phải dồn lực lượng xuống làm, dọn dẹp đi để khỏi trữ nước. Cũng không làm sao mà liên hệ được với chủ nhà để kêu người ta làm cái rào gì đó để tránh tình trạng người dân người ta vứt rác đồ vô rồi ủ nước, phát sinh ra muỗi”.
Theo bà Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch UBND Quận 12, với hơn 800.000 dân, hằng năm quận có số ca mắc sốt xuất huyết vẫn nằm trong số đông ca mắc của thành phố. Tuy nhiên, tỉ lệ số ca mắc trên 100.000 ngàn dân thì Quận 12 vẫn nằm trong nhóm trung bình.
Hiện quận tập trung cho công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết liên tục và thường xuyên. Trong đó, tuyên truyền, truyền thông qua nhiều kênh như tài liệu giấy, phát thanh, xe loa lưu động đến những điểm dân cư, triển khai bản tin truyền thông của 11 phường. Quận duy trì ra quân dọn vệ sinh tại các điểm nguy cơ, diệt lăng quăng hằng tuần, đồng thời kêu gọi, truyền thông cho người dân cùng thực hiện.
Về việc xử phạt vì để phát sinh lăng quăng, từ đầu năm đến nay quận chỉ mới giám sát và nhắc nhở. Bà Võ Thị Chính nói: “Nhất là đối với các cơ sở kinh doanh, những điểm dễ phát sinh lăng quăng như quán ăn, quán cà phê sân vườn, quận cũng chỉ đạo cho ban chỉ đạo phòng chống dịch của phường phối hợp ngành y tế, đầu tiên là kiểm tra, giám sát để nhắc nhở, hướng dẫn cho chủ cơ sở biện pháp diệt lăng quăng. Song song đó là giảm sát và tái kiểm tra, xử phạt nếu không chấp hành”.
Giám sát loại bỏ điểm nguy cơ
Còn tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi hiện có 54 điểm nguy cơ sốt xuất huyết. Chủ yếu là vườn cây, bãi đổ phế liệu, bãi rác, khu đất hoang… nơi có nhiều vật dụng chứa nước đọng.
Ông Huỳnh Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Đông cho biết, địa phương đã rà soát, xử lý và giảm được 4 điểm nguy cơ. Mặc dù địa bàn rộng, song từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình sốt xuất huyết giảm đáng kể, chỉ có 8 ca mắc.
“Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các cộng tác viên phối hợp với ban ngành đoàn thể của ấp, tuyên truyền sâu rộng đến người dân, ý thức đến việc vệ sinh môi trường, loại bỏ những vật dụng chứa nước lâu ngày, chứa lăng quăng. Cho nên những điểm nguy cơ này thấy người ta chấp hành tốt”- ông Thành nói.
Từ tháng 1 đến đầu tháng 6/2024, TP.HCM đã có gần 3.600 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó, các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao gồm Quận 1, Quận 7, Quận 8, quận Bình Thạnh, huyện Bình Chánh và TP. Thủ Đức.
Trong tuần qua, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã giám sát thực tế ở 12 điểm nguy cơ tại một số địa phương, kết quả, 17% điểm có phát hiện lăng quăng. HCDC cảnh báo, các vật dụng chứa nước ngoài trời và ngay cả những đồ vật ít được chú ý như chậu kiểng, lọ hoa, khay hứng nước điều hòa… cũng đều là nơi phát sinh lăng quăng, muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết.
Theo Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC, mỗi điểm nguy cơ sẽ được chấm điểm và phân loại mức độ nguy cơ từ cao xuống thấp để giám sát. Ngoài ra, HCDC cũng đã tổ chức các đợt tập huấn cho cộng tác viên sức khỏe cộng đồng để tham gia vào kiểm soát dịch sốt xuất huyết trên địa bàn: “Biện pháp quan trọng nhất trong kiểm soát dịch sốt xuất huyết là chính bản thân từng hộ gia đình tự xử lý những ổ lăng quăng trong phạm vi nhà mình, có sự hỗ trợ của cộng tác viên sức khỏe cộng đồng, tư vấn, hướng dẫn, nhắc nhở. Hiện nay nguồn lực giảm sát điểm nguy cơ chu yếu được giao cho mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng”.
TP.HCM đang bước vào mùa mưa, dự báo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết cũng sẽ tăng cao thời gian tới. Đặc biệt cảnh giác dịch sốt xuất huyết bùng phát ở hơn 8.000 điểm nguy cơ trên toàn thành phố.
Sở Y tế TP.HCM kêu gọi mỗi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết thường xuyên để ngăn chặn dịch bùng phát. Khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng, người dân cần nhanh chóng phản ánh địa chỉ cụ thể lên ứng dụng “Y tế trực tuyến” để được xử lý.
Theo VOV