Nhận diện trò chơi trong lễ hội bị biến tướng
Trò chơi biến tướng thành cờ bạc
Trong những năm qua, việc quản lý, tổ chức lễ hội đã có nhiều tiến bộ, mang lại không khí vui tươi, lành mạnh trong nhân dân. Tuy nhiên, không ít địa phương thường chú trọng phần “lễ” mà không quan tâm phần “hội”, cho nên trong lễ hội đã xuất hiện tình trạng biến chọi gà, cờ tướng, đấu vật… thành cờ bạc, cá cược đỏ đen,… gây bức xúc dư luận.
Cũng không ít trường hợp sau những bữa liên hoan trong ngày Tết, bày ra đánh bài ăn tiền, được núp dưới vỏ bọc “vui xuân” nhưng thực chất là sát phạt nhau.
Dưới góc nhìn pháp lý thì: Đánh bạc là (hành vi) tham gia vào trò chơi được tổ chức bất hợp pháp mà sự được (hoặc thua) kèm theo việc được (hoặc mất) lợi ích vật chất (tiền, hiện vật hoặc các hình thức tài sản khác).
Nói một cách dễ hiểu, dùng trò chơi để ăn thua bằng tiền là đánh bạc. Do đó việc dùng những trò chơi nói chung, trong lễ hội nói riêng để ăn thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị là hành vi vi phạm pháp luật. Ấy là chưa kể đến các hoạt động mê tín dị đoan, những trò chơi mang tính bạo lực, những hình ảnh phản cảm như: đặt tiền lễ vào tượng Phật; mua thuốc phiện để cúng lễ thánh, thần… làm mất đi giá trị tốt đẹp của lễ hội.
Đánh bạc bị xử lý thế nào?
Để lễ hội được tổ chức trang nghiêm, đúng mục đích, chấn chỉnh những hành vi lệch lạc, ngày 29/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, “Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội”. Trong đó nêu rõ: Việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước; tuyên truyền giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích, truyền thống tốt đẹp của lễ hội. Lễ hội phải được tổ chức trang trọng… Nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm… Tại điểm d, khoản 2, Điều 6 Nghị định này cũng quy định về trách nhiệm của người tham gia lễ hội là: “Không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác.”
Như đã nói trên, việc dùng những trò chơi (trong đó có trò chơi trong lễ hội) để ăn thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị, thực chất là hành vi đánh bạc trái phép.
Hành vi đánh bạc trái phép bị pháp luật xử lý rất nghiêm khắc, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngày 01/01/2022, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, của Chính phủ, “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình” có hiệu lực thi hành. Điều 28 Nghị định này quy định chế tài xử lý “Hành vi đánh bạc trái phép”, trong đó:
Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật; cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.
Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau đây: Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép; tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh đề sau: Tổ chức cá cược trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc, ăn tiền.
Ngoài ra còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung.
Còn đối với hành vi đánh bạc từ 5 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng trước đó đã từng bị xử phạt hành chính, hoặc bị kết án chưa xóa tích mà vẫn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội đánh bạc” được quy định tại Điều 321, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Đối với hành vi đánh bạc trái phép, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và mức cao nhất là 7 năm tù. Đối với hành vi tổ chức đánh bạc theo quy định ở Điều 322 của bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì sẽ bị phạt tiền tối đa đến 300 triệu đồng hoặc bị phạt tù. Và mức cao nhất của hành vi này là 10 năm tù.
Mặc dù chế tài xử lý nghiêm khắc, và nhiều năm qua các cơ quan chức năng cũng đã xử lý rất nhiều trường hợp sử dụng trò chơi trong lễ hội để các cược, đánh bạc đỏ đen… nhưng đâu đó trong các lễ hội vẫn xuất hiện tình trạng này. Và đặc biệt xảy ra nhiều tại các lễ hội sau Tết nguyên đán.
Nguyên nhân và giải pháp
Để xảy ra tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trước hết là sự buông lỏng quản lý của Ban Tổ chức, của chính quyền và các cơ quan liên quan. Và cũng không loại trừ có mục đích thương mại mà Ban tổ chức đã hợp pháp hóa việc đánh bạc trong các trò chơi.
Trò chơi dân gian là nét sinh hoạt văn hóa do nhân dân sáng tạo trong quá trình lao động, sản xuất và được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng. Do đó, việc tổ chức trò chơi dân gian trong lễ hội không những làm cho không khí lễ hội vui tươi mà còn nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị của trò chơi dân gian. Đó là việc rất cần thiết. Để các trò chơi dân gian không bị biến tướng thành tệ nạn cờ bạc, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tích cực tuyên truyền về những hệ lụy của việc đánh bạc; vận động các gia đình ký cam kết không đánh cờ bạc; quản lý chặt chẽ từ khâu cấp phép đến giám sát hoạt động trò chơi trong lễ hội. Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật cho mỗi cá nhân, gia đình,… để cảnh giác tránh sa bẫy trò chơi bị biến tướng thành cờ bạc; tuyệt đối không tổ chức, tham gia, cổ súy các hoạt động cá cược, cờ bạc… Nếu phát hiện cá nhân, đơn vị tổ chức các trò chơi dân gian dưới hình thức cờ bạc thì phải xử lý nghiêm.