Diễn đàn

Nhân rộng hiệu quả mô hình nuôi cá lồng nhờ vốn Quỹ

07:01 02/10/2021 GMT+7

Nghề nuôi cá lồng trên sông đối với nông dân Thái Bình còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, với quyết tâm ham học hỏi và sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật… của Hội ND các cấp trong tỉnh, nhiều hộ hội viên nông dân đã thực hiện mô hình nuôi cá lồng trên sông thành công, có hộ thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Cán bộ Hội ND tỉnh Thái Bình thăm mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng của ông Phạm Đình Chiểu tại xã Vũ Đoài.

Khai thác lợi thế sẵn có của địa phương giúp hội viên làm giàu

Với diện tích mặt nước 68ha – đó là tiềm năng thế mạnh của xã Vũ Đoài (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Nông dân trong xã có truyền thống nuôi cá nước ngọt từ nhiều đời, có làng đã có nghề cá giống truyền thống. Nhận thấy được ưu điểm thế mạnh này, BCH Hội ND xã đã báo cáo và được Đảng bộ xã thống nhất giao cho Hội ND xã là đơn vị chủ trì, triển khai dự án dự án “Nuôi trồng thủy sản cá nước ngọt” đảm bảo vệ sinh môi trường.

Sau khi được lãnh đạo Hội ND tỉnh Thái Bình, Hội ND huyện Vũ Thư thẩm định, nhất trí giao cho Hội ND xã Vũ Đoài tham gia dự án, BCH Hội ND xã đã họp triển khai đến các Chi hội trưởng, thống nhất lựa chọn các hộ trong vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của xã có đủ điều kiện được tham gia dự án. Cho đến nay có 28 hộ tham gia thực hiện 2 kỳ của dự án, giai đoạn 2018 – 2020 có 16 hộ, giai đoạn 2020 – 2022 có 12 hộ. Tổng số tiền đầu tư dự án là 1 tỷ đồng, trong đó vốn vay từ Quỹ Hội là 500 triệu đồng, mỗi hộ tham gia dự án được hỗ trợ từ 30-50 triệu đồng.

Để thực hiện hiệu quả dự án, Hội ND xã quán triệt đến toàn thể cán bộ và những hộ tham gia nên thả các loại giống phù hợp với khí hậu địa phương như cá trắm, chép, trôi, cá lăng, diêu hồng…, thường xuyên tuyên truyền phổ biến, tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi để nâng cao kỹ thuật chăm sóc cá sinh trưởng, phát triển tốt. Qua dự án đã giúp người dân có thu nhập khá từ nuôi cá, tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho hội viên nông dân, làm cơ sở tiếp tục nhân rộng mô hình án “Nuôi trồng thủy sản cá nước ngọt” trong từng thôn và tại địa phương.

Theo ông Nguyễn Đức Tuệ – Chủ tịch Hội ND xã Vũ Đoài: “Hội ND xã đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện dự án nghiêm túc, đảm bảo các quy định pháp luật về đầu tư và sử dụng vốn vay đúng mục đích. Định hướng nội dung hoạt động của dự án thông qua việc kiểm tra giám sát thường xuyên, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hộ chăn nuôi tham gia dự án để kịp thời phản ánh với cấp trên để có hướng giải quyết. Đến nay, hiệu quả của dự án có tính lan tỏa sâu rộng, hội viên trong dự án hỗ trợ, giúp đỡ hội viên ngoài dự án nhân rộng mô hình trên địa bàn dân cư góp phần giảm nghẻo, làm giàu chính đáng”.

Sau 3 năm thực hiện, mỗi năm các hộ tham gia dự án có thu nhập từ 7 – 8 triệu đồng/sào mặt nước (360m2), mức thu nhập bình quân 3 – 5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi hộ trong dự án tạo thêm việc làm mới thường xuyên cho 1 – 2 lao động. Điển hình như hộ ông Phạm Đình Chiểu, ở Thôn 2 đã mạnh dạn đầu tư vật tư, con giống và xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng với quy mô từ 32 – 34 lồng cá, mỗi năm trừ chi phí còn thu lãi từ 400 – 450 triệu đồng/năm (lúc cao điểm đã xây dựng và thực hiện nuôi 74 lồng cá). Tuy nhiên do ảnh hưởng của bão năm 2016; các lồng bè này bị phá vỡ, bị hỏng gây thiệt hại lớn cho gia đình. Tranh thủ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ Nông dân Trung ương hỗ trợ, gia đình đã được vay 50 triệu đồng phần nào đã giúp gia đình vượt qua khó khăn; tiếp tục đầu tư sản xuất.

Ông Phạm Đình Chiểu cho cá ăn trên khu lồng nuôi trên sông của gia đình.

Nhân rộng mô hình giúp hội viên nâng cao thu nhập

Trong những năm đầu, là người tiên phong nuôi cá lồng trên sông tại Vũ Đoài, khó khăn nhất của ông Phạm Đình Chiểu là kinh nghiệm ít và không biết chia sẻ, học hỏi cùng ai. Bởi ở Thái Bình, tuy có 4 con sông lớn (sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý, sông Hóa) chạy qua nhưng chưa địa phương nào áp dụng mô hình này. Ông Chiểu phải lặn lội vào tận miền Nam để học hỏi bà con trong đó, rồi mày mò đọc sách báo, tìm hiểu nhiều nơi, từ cách chọn đoạn sông này đủ độ sâu, dòng chảy ổn định, rồi đến cách đóng khung, làm lồng, xử lý đáy, đến chế độ chăm sóc, phòng dịch bệnh cho cá.

Ông Chiểu cho biết: “Lúc đầu tôi đưa cá lồng về nuôi thì khó khăn xuất hiện. Phải tìm nguồn vốn để đầu tư, con giống chết, thất thoát, bão lũ thiên tai không khắc phục được. Năm đầu tiên, tôi bị thất thoát khoảng 700- 800 triệu đồng”.
Sau nhiều năm lăn lộn với dòng sông Hồng, có khi cả khối tài sản chìm trong nước khi mưa bão về, nhưng với quyết tâm và nghị lực, ông Phạm Đình Chiểu đã chinh phục được dòng sông. Theo ông, để nuôi cá lồng trên sông nên chọn vùng nước đủ độ sâu, nước phải sạch. Chọn lưới tốt để cho cá không thất thoát, dùng thép không gỉ đảm bảo tiêu chuẩn chịu nước, chống bão gió. Mỗi tháng phải kiểm tra lưới lồng, khung và dây lồng. Đặc biệt, dây neo đậu 4 xung quanh phải kiểm tra thường xuyên.

Với kinh nghiệm chỉ lựa chọn 2 – 3 giống cá chất lượng (cá lăng, cá diêu hồng, cá chép), ông Phạm Đình Chiểu đã mở rộng quy mô tới 52 lồng cá với diện tích mặt nước nuôi trên 6.000m2. Mỗi năm, ông xuất bán hàng trăm tấn cá ra thị trường trong và ngoài tỉnh, cho thu nhập hàng tỷ đồng tiền lãi, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương.

Trước mô hình hiệu quả nuôi cá lồng tại địa phương, ông Nguyễn Đức Tuệ – Chủ tịch Hội ND xã Vũ Đoài cho biết: “Với xã Vũ Đoài, mô hình nuôi cá lồng của ông Phạm Đình Chiểu là mới, mang lại thu nhập cao, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Chính quyền xã tiếp tục khuyến khích các nông dân nhân rộng mô hình, đầu tư mở rộng phạm vi nuôi, đồng thời tạo điều kiện về mặt pháp lý. Qua đó giúp người dân phát triển nuôi cá lồng trên sông, nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương”.

“Từ thành công ban đầu của dự án đã góp phần khẳng định niềm tin của hội viên nông dân vào chủ trương của Hội ND cấp trên đối với nông dân vùng duyên giang đồng bằng châu thổ sông Hồng, nhờ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân tạo điều kiện để hội viên nông dân xã Vũ Đoài phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Dự án cũng tạo thêm nhiều việc làm mới, có thu nhập ổn định cho người lao động, làm cơ sở nhân rộng mô hình “Nuôi trồng thủy sản cá nước ngọt” tại địa phương”.
Ông Nguyễn Đức Tuệ – Chủ tịch Hội ND xã Vũ Đoài.

Bài, ảnh: Minh Đức

Tin cùng chuyên mục
Tin khác