Nghiên cứu các mô hình, tiếp thu kinh nghiệm để xây dựng nghị quyết mới về tuyên truyền, vận động nông dân trong thời kỳ mới
Dự Hội nghị, về phía tỉnh Bình Thuận có ông Đỗ Thái Dương, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Liên minh Hợp tác xã, Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh; cùng Thường trực Hội Nông dân (ND) tỉnh, lãnh đạo các ban, đơn vị thuộc Hội ND tỉnh, lãnh đạo Hội ND một số huyện trong tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN cho biết: Đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam, cũng là năm đầu tiên hệ thống Hội triển khai thực hiện Nghị quyết số 46 -NQ/TW ngày 20/12/2023– nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị về Hội Nông dân Việt Nam, và cũng là năm đầu tiên các cấp Hội triển khai Quyết định 182/QĐ-TTg ngày 20/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2024 cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Hội Nông dân Việt Nam. Theo chương trình công tác toàn khóa của BCHT.Ư Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII thì trong nhiệm kỳ sẽ thực hiện nhiệm vụ tổng kết, ban hành 5 nghị quyết (tập trung xây dựng nghị quyết trong 2 năm đầu nhiệm kỳ là năm 2024, 2025; các năm cuối nhiệm kỳ thì tổ chức thực hiện), trong đó đầu tiên là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19 và tiến tới ban hành nghị quyết mới thay cho nghị quyết này để phù hợp và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Hội trong tình hình mới.
Về việc thực hiện Nghị quyết 19 của Hội ND Việt Nam trong 10 năm qua, ông Nguyễn Phú Hoàng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Thuận thông tin: Các cấp Hội đã thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền sát với thực tiễn: Tuyên truyền, phổ biến thông qua sinh hoạt chi, tổ hội, các loại hình câu lạc bộ nông dân, lồng ghép các cuộc họp do cấp ủy tổ chức, qua các cuộc tọa đàm, đối thoại, nói chuyện chuyên đề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, phối hợp xây dựng mô hình trình diễn, dự ân, đề án, tập huấn, hội thảo chuyển giao tiến bộ, khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; tổ chức cho hội viên nông dân thm quan học hỏi mô hình kinh tế hiệu quả và tham gia hội chợ giới thiệu, quảng bá nông sản; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Các cấp Hội trong tỉnh thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức chính trị cho hội viên nông dân về các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, các gương người tốt, việc tốt, mô hình điển hình tiên tiến để nông dân học tập và áp dụng, phổ biến tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh, các chuyên đề về văn hóa, đời sống, xã hội, sức khỏe…
Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận đã tích cực vận động nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống Hội tham gia vào công tác tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền miệng; phát huy thế mạnh các phương tiện thông tin và truyền thông hiện đại, đặc biệt là internet, cổng thông tin điện tử của Hội và của Tỉnh ủy, mạng xã hội (nhóm zalo tổ cộng tác viên dư luận xã hội, facebook…), báo Dân Việt và Đài phát thanh, truyền hình trong công tác tuyên truyền vận động hội viên nông dân.
Hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh ban hành hướng dẫn tuyên truyền về công tác Hội và phong trào nông dân, theo đó, các cấp Hội đã tuyên truyền cho 100% hội viên nắm được chỉ tiêu, nhiệm vụ và tích cực thực hiện.
Kết quả, cơ bản các đơn vị đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Các cấp Hội đẩy mạnh việc tuyên truyền tập hợp, thu hút và kết nạp hội viên mới, từ năm 2014 đến nay, Bình Thuận phát triển được 47.817 hội viên nông dân, nâng tổng số hội viên hiện có 148.977 người, chiếm 100% so với số hộ nông dân. Hội thành lập, duy trì hoạt động 77 chi và 282 tổ hội nghề nghiệp. Nhiều mô hình được Hội thành lập hoạt động có hiệu quả như: Tổ hội phát triển cây táo (Tuy Phong), Tổ hội sản xuất bánh tráng (Bắc Bình), Chi hội chăm sóc cây Sầu Riêng (Hàm Thuận Bắc), Chi hội trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP (La Gi)... Tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đến nay, Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận có 10 huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh có tổ chức Hội, 124 cơ sở Hội, 755 chi hội và 3.250 tổ hội. Qua phân loại hàng năm, số cơ sở Hội khá, vững mạnh đạt chỉ tiêu Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ VIII đề ra.
Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh, doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" được các cấp Hội trong tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ, với số lượng hộ đăng ký và đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp năm sau luôn cao hơn năm trước, đạt 180.4% so với chỉ tiêu Đại hội VIII đề ra.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hội ND huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: "Hàm Thuận Bắc là một huyện thuần nông, kinh tế khó khăn. Công tác tuyên truyền là nội dung quan trọng đầu tiên của tổ chức Hội đoàn thể, trước hết là tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho hội viên nông dân để thực hiện tốt. Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết 19 của T.Ư Hội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội ND huyện đã quán triệt phổ biến, triển khai, tuyên truyền tới gần 300 nghìn lượt hội viên, đạt tỷ lệ trên 90% tổng số hộ nông dân. Nhờ vậy, nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân được nâng lên. Thực hiện Nghị quyết 19, các cấp Hội đi sâu vào đổi mới nội dung tuyên truyền vận động, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, của Hội. Các nội dung có liên quan, sát sườn đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn được chọn để cụ thể hóa cho phù hợp, hiệu quả.
Việc tuyên truyền cho hội viên nông dân thông qua hội thảo, sinh hoạt chi, tổ hội, ví dụ tuyên truyền Nghị quyết 46 -NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị, HND huyện đã tổ chức cho hơn 130 cán bộ Hội, có cả chi hội trưởng tham gia học tập, quán triệt nghị quyết. Đối với nội dung sinh hoạt, trên cơ sở các nghị quyết số 04, 05, 06 khóa VII của BCH T.Ư Hội NDVN, chúng tôi có hướng dẫn quy trình tổ chức sinh hoạt để đảm bảo nội dung, phương thức sinh hoạt; hướng dẫn các bước quy trình sinh hoạt chi, tổ hội nghề nghiệp".
Theo ông Dũng trong quá trình thực hiện nghị quyết, có một số hạn chế, khó khăn. Thứ nhất là việc tập hợp hội viên nông dân rất khó, chi hội sinh hoạt 3 tháng/lần, nên số hội viên nông dân đến sinh hoạt chưa đông đủ, vì vậy phải sinh hoạt lồng ghép với các buổi tập huấn kỹ thuật hoặc hội thảo như hội thảo giới thiệu về sản phẩm, phân bón… thì mới thu hút đông hội viên tham gia. Thứ hai, chế độ thù lao cho chi hội trưởng thông qua quy chế dân chủ (nơi thu nhiều chi nhiều, nơi thu ít chi ít, có nơi trả theo quý, nơi theo năm) gây khó khăn cho cán bộ chi hội. Thứ ba, cán bộ cơ sở lại thường xuyên thay đổi nên chất lượng cán bộ không ổn định. Vì vậy, ông Dũng kiến nghị, mỗi xã cần đầu tư 1 máy tính xách tay, màn chiếu, thành lập mô hình hội quán như ở tỉnh Đồng Tháp sẽ thu hút được hội viên nông dân; quay video về các mô hình tiêu biểu rồi sinh hoạt chi tổ hội chiếu lên cho hội viên xem, trao đổi, thảo luận thì hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn.
Trao đổi về nội dung khó tập hợp hội viên 3 tháng một lần, ông Đỗ Thái Dương – Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Thuận nêu vấn đề: Tại sao còn có hội viên nông dân không đến sinh hoạt chi hội, vì có thể họ không thấy quyền lợi ở đó, hoặc do nội dung chưa thiết thực...! Điều này cần được các cấp Hội phân tích sâu sắc và kỹ lưỡng để có giải pháp hiệu quả, sát thực tiễn.
Từ góc nhìn Khuyến nông, ông Ngô Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cho biết thêm: Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Hội ND tỉnh đã phối hợp thực hiện tốt công tác khuyến nông cho hội viên, nông dân. Do tuyên truyền qua điện thoại thông minh thì có người có, người không, có nơi không có internet, nên Trung tâm Khuyến nông phải phối hợp với Hội ND thông qua tuyên truyền tại các chi, tổ hội nghề của Hội ND.
Trước đây, một số mô hình triển khai nhân rộng được nhiều. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, nông dân không có nhiều tiền để mua máy móc thế hệ mới (ví dụ như thiết bị bay không người lái cần đầu tư 320 triệu đồng, nếu được hỗ trợ 160 triệu đồng thì bà con trong HTX mua được, nhưng nếu không có hỗ trợ thì rất khó để mua). Nói chung, khi hoạt động khuyến nông và mô hình có hiệu quả thì có sức thu hút nông dân tham gia.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu Thảo – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận cho rằng: Để phát triển kinh tế tập thể, đặt trong bối cảnh công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 19… Tuyên truyền là một quá trình, nhưng để tuyên truyền để người dân nhận thức được cần có thời gian. Đồng thời xây dựng kênh, chuyên mục vào giờ vàng trên Đài Phát thanh và truyển hình tỉnh; các cơ quan báo chí. Hiện nay tuy phát triển thông tin trên internet, báo chí điện tử nhưng không nên bỏ qua và không coi trọng công tác tuyên truyền trên báo giấy; một số phương thức tuyên truyền truyền thống như tuyên truyền trực quan sinh động, tuyên truyền trực tiếp vẫn hiệu quả với một số đối tượng và một số những nội dung tính chất công việc cụ thể.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thì Nghị quyết 19 của Hội Nông dân nói về tuyên truyền vận động nông dân. Hội Nông dân có chức năng tuyên truyền, vận động nông dân để họ thực hiện đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cụ thể như Nghị quyết 19 của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết 46-NQ/TW... công tác tuyên truyền đòi hỏi phải đi trước (đi trước phải kịp thời), đi cùng và đi sau. Phương thức tuyên truyền cần kết hợp giữa hiện đại và truyền thống như sử dụng báo giấy, sử dụng kênh truyền thông báo chí chính thống, thông tin qua những kênh chính thống thì uy tín được nâng tầm cao hơn so với yêu cầu.
Kết luận tại buổi làm việc, bà Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN nhấn mạnh: Nghị quyết 19 đã được triển khai nghiêm túc, bài bản đến tất cả các cấp Hội và hội viên nông dân trong tỉnh Bình Thuận. Trong thời gian tới, Hội ND các cấp trong tỉnh cần tiếp tục triển khai tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước; thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện và làm nghiêm túc, triệt để. Thực hiện Nghị quyết 19, các cấp Hội ND tỉnh Bình Thuận đã luôn đổi mới, sáng tạo, nhất là về hình thức tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền thông qua mô hình, bằng việc làm cụ thể (mắt thấy, tai nghe); Phối hợp tốt với các ban, ngành đoàn thể phục vụ cho công tác tuyên truyền. Đối với Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị, Quyết định 182/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình, kế hoạch của tỉnh Bình Thuận thực hiện các nghị quyết, quyết định này thì Hội Nông dân cần tiếp tục tham mưu để xây dựng các chương trình, đề án cụ thể hóa các nghị quyết, quyết định; Tiếp tục đổi mới nông dung, phương thức tuyên truyền, nội dung phải cụ thể, thiết thực, phù hợp, hình thức đa dạng phù hợp đối tượng; Tiếp tục đẩy mạnh phát triển chi, tổ hội nghề nghiệp, thành lập CLB của nông dân, thông qua đó để tuyên truyền vận động hội viên nông dân như CLB ND với pháp luật, CLB ND SXKD giỏi, CLB Khoa học kỹ thuật nhà nông...; Hội ND tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, các cơ quan liên quan về nội dung công tác tuyên truyền với nông dân; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương, nhất là 2 cơ quan báo chí của Hội là Báo Nông thôn Ngày nay/Báo Điện tử Dân Việt, Tạp chí Nông thôn mới để thực hiện tốt công tác tuyên truyền; Tăng cường giâm sát, phản biện xã hội, đề xuất cơ chế, chính sách cho nông dân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội...
”Đoàn công tác đã thăm một số mô hình cụ thể, đồng thời nghe ý kiến của cán bộ Hội Nông dân, của lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan, nắm được tình hình kết quả thực hiện Nghị quyết 19 ở Bình Thuận. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến và thực tế tại các mô hình để xây dựng nghị quyết mới của Hội NDVN về công tác tuyên truyền vận động nông dân trong tình hình mới phù hợp để thật sự mang "hơi thở cuộc sống" vào nghị quyết và đưa nghị quyết vào cuộc sống một cách thiết thực hiệu quả” - bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN khẳng định.