Nhiều ý kiến trao đổi, góp ý xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)
Sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết
Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2009 và đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014 (2 lần), 2016 và năm 2022 để xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế từng giai đoạn. Qua 16 năm thực hiện, Luật thuế TTĐB đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần tăng ngân sách cho Nhà nước. Bên cạnh đó, Luật đã tạo ra một hành lang pháp lý quan trọng, tăng cường hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh đối với những loại hàng hóa dịch vụ xa xỉ hoặc tiềm ẩn những tác động không nhằm điều tiết việc sản xuất, tiêu dùng, nhập khẩu của xã hội.
Tuy nhiên, sau 16 năm áp dụng vào cuộc sống, với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, Luật Thuế TTĐB 2008 cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng không chỉ tới công tác quản lý nhà nước mà còn gây thiệt hại cho các đối tượng chịu sự tác động của Luật trong kinh doanh, sản xuất. Lấy ví dụ về đối tượng chịu thuế TTĐB của Việt Nam còn thấp, theo đó, hiện nay chỉ có 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Trong khi đó, các nhóm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế TTĐB của các nước khác trên thế giới đều nhiều hơn. Hay như Luật thuế TTĐB 2008 hiện nay chưa có quy định hoàn trả thuế TTĐB đối với số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết đối với một số mặt hàng cần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường. Hay như Luật chưa theo kịp với công nghệ thông tin, chuyển đổi số khiến việc nộp thuế điện tử gặp nhiều khó khăn cho người nộp thuế và chính bản thân cơ quan quản lý thuế…
Các hạn chế này không những tiềm ẩn nguy cơ làm thất thu nguồn ngân sách quốc gia, mà còn chưa đủ tác dụng để hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội. Do đó, việc sửa đổi Luật thuế TTĐB 2008 là cần thiết, nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế TTĐB để mở rộng cơ sở thu, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện luật nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách quốc gia.
Sự dân chủ trong công tác xây dựng luật tại Việt Nam
Mới đây, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) vừa có Công văn số 28/CV-VBA ngày 1/7/2024 gửi đến Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Ban soạn thảo hồ sơ Luật Thuế TTĐB sửa đổi. Tại Công văn này, Chủ tịch VBA ông Nguyễn Văn Việt cho biết, trong giai đoạn từ năm 2020 tới nay, ngành đồ uống (rượu, bia, nước giải khát) đã liên tục phải chịu rất nhiều tác động lớn từ dịch bệnh, xung đột chính trị thế giới, các chính sách hạn chế đồ uống có cồn… dẫn tới sự sụt giảm báo động và ghi nhận sự “tụt dốc” về nhiều chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận… của các doanh nghiệp. Đặc biệt, ngành đồ uống là mặt hàng chịu nhiều hạn chế của một loạt luật như: Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Luật thuế TTĐB, Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Giao thông đường bộ… Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ cắt giảm thuế GTGT không được áp dụng đối với ngành đồ uống có cồn. Năm 2024, dự báo toàn ngành tiếp tục đối mặt với những khó khăn thách thức chưa có dấu hiệu suy giảm…
VBA đề nghị thời điểm có hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) từ năm 2027 (thay vì 2025 dự dự kiến) và đối với sản phẩm rượu, bia, cần xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây “sốc”; ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi với việc tăng thuế trong trong thời gian tới.
VBA cũng góp ý với Ban soạn thảo Luật bỏ điểm l khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật, theo đó không bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam thì đối với ngành sản xuất nước giải khát có đường, thì tăng thuế không phải là giải pháp hiệu quả để giảm tỷ lệ thừa cân và béo phì, nhất là khi lượng tiêu thụ nước giải khát ở Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - đại diện Liên minh các nhà sản xuất và phát hành game Việt Nam cho rằng, ngành game có nhiều tiềm năng, được rất nhiều quốc gia trên thế giới coi là một trong những trụ cột của kinh tế số, bởi những lợi ích mà nó mang lại không chỉ là về doanh thu, lợi nhuận, mà còn trực tiếp tác động đến doanh thu của các ngành khác.
Tuy nhiên, cũng như các ngành nghề khác trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp game Việt Nam đang phải chật vật cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài. Chưa kể, trong, các doanh nghiệp game cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, trong bối cảnh khó khăn này, nếu chồng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, đại diện VNG cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà. Thị phần sẽ thuộc về các sản phẩm lậu, không phép và dẫn đến công tác quản lý về nội dung, văn hóa, tài chính,… sẽ trở nên rất nặng nề cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Đồng ý với ý kiến của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến VNG Games góp ý thẳng thắn: “Trong bối cảnh Nhà nước chưa thể tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp trái phép, nếu chưa có những đánh giá đầy đủ, xác đáng, khách quan, đa chiều về tác động của chính sách với ngành thì ít nhất chúng ta cần có thêm những nghiên cứu sâu hơn trước khi đưa ra quyết định”.
Có thể nói, các ý kiến góp ý, phản biện cho dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã thể hiện sự dân chủ trong công tác xây dựng luật tại Việt Nam cũng như sự cầu thị của Bộ Tài chính trong dự án luật này nói riêng và các Cơ quan chủ trì soan thảo các dự án luật khác nói chung. Sự tiếp nhận, xem xét, phân tích các ý kiến dù là đóng góp hay phản biện cũng là một trong nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội của đất nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/2014/QĐ-TTG
- Quyền lợi của người lao động khi bị điều chuyển công việc khác so với hợp đồng lao động
- Một số nội dung liên quan thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật cần lưu ý
- Quy định của pháp luật hiện hành về cho thuê lại lao động mà doanh nghiệp cho thuê lại cần biết
- Những lưu ý về xử lý khi người lao động vi phạm kỷ luật lao động