Nông dân Quảng Ngãi học Bác làm điều hay
Xuất hiện nhiều "bông hoa trong vườn Bác"
Đến thôn Trà Nô xã Ba Tô, huyện Ba Tơ hỏi thăm nhà ông Phạm Thanh Mong (70 tuổi) thì ai cũng biết ông là người tiên phong, gương mẫu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất của gia đình để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, được coi là một trong những "bông hoa" đẹp trong vườn Bác.
Ông Mong cho biết, năm 2015, trường Tiểu học xã Ba Tô (ở cạnh nhà ông) cần được mở rộng đủ diện tích để xây dựng mới nhưng do địa hình đồi núi chông chênh nên kinh phí san lấp mặt bằng rất tốn kém nên ông đã tự nguyện hiến 600m2 phần đất sát Quốc lộ 24 cho nhà trường xây mới khu rèn luyện thể thao, nhà hiệu bộ và dãy phòng học cho các cháu trong xã có ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp.
Đến năm 2016, đảng ủy và chính quyền xã Ba Tô có chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường đi vào xóm Mang Ka Rế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 30 hộ dân nơi đây đi lại, vận chuyển nông sản được thuận lợi, trong đó có khoảng 1.200m2 đất vườn của gia đình ông Mong bị ảnh hưởng. Ông Mong chẳng một chút do dự, đồng ý hiến đất mà địa phương cần để mở đường mới có con đường bê tông sạch sẽ, khang trang như bây giờ.
Không dừng lại ở đó, năm 2018, ông Mong lại tiếp tục hiến thêm 600m2 đất để mở rộng tuyến đường này. Trong những lần hiến đất, ông còn đốn hạ số lượng lớn cây keo, cau đang kỳ thu hoạch; tháo dỡ vật dụng trên đất với giá trị hơn 100 triệu đồng mà chẳng đòi hỏi kinh phí bồi thường. Gia đình ông Mong là một trong những người tiên phong, đóng góp tích cực trong việc xây dựng quê hương, vì vậy, ông luôn được người dân trong thôn tin yêu, quý trọng.
Còn chị Nguyễn Thị Nhi ở thôn Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây cũng là một "bông hoa", một tấm gương nông dân cần cù, năng động, sáng tạo. Chị Nhi là một trong những người tiên phong ở địa phương đưa giống ổi, bưởi về trồng trên mảnh đất đồi này từ năm 2018. Đến nay, vườn cây của chị Nhi đang trĩu quả với 4.000 gốc ổi và hơn 3.000 gốc bưởi, hơn 1.000 gốc sầu riêng cùng rất nhiều loại cây ăn trái khác. Bên cạnh đó, chị còn trồng gần 10ha keo trên diện tích đất đồi của gia đình, nhờ vậy mà các loại cây trồng này đã đem lại nguồn thu nhập cao cho cho gia đình.
Không chỉ có vậy, chị Nhi còn tận dụng vườn đồi để thả nuôi gối vụ khoảng 100 con heo ky, đào ao 100m2 để thả ốc bươu đen. Ngoài ra, chị Nhi còn nhận thu mua các sản phẩm nông sản của người dân ở địa phương để cung ứng cho thị trường ở đồng bằng, thành phố Quảng Ngãi. Hiện nay, trang trại tổng hợp của chị Nhi đang tạo việc làm cho 30 lao động ở địa phương, với mức thu nhập bình quân khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng. Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, hàng năm sau khi trừ chi phí, chị Nhi có nguồn thu nhập khoảng 400 triệu đồng từ mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của mình.
Chẳng những làm kinh tế giỏi, nâng cao thu nhập cho gia đình mà chị Nhi còn giúp đỡ, hướng dẫn các nông dân ở địa phương và các vùng lân cận cách trồng, chăm bón cây ăn quả theo phương pháp hữu cơ để sản phẩm đạt chất lượng cao đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay. Vì vậy mà trang trại của chi Nhi là nơi thu hút đông đảo hội viên nông dân trong xã đến học tập, chia sẻ kinh nghiệm để làm theo.
Tiếp tục nhân rộng các mô hình hay, sáng tạo trong hệ thống Hội
Theo ông Trần Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, tổ chức các chuyên đề học Bác với nhiều hình thức phù hợp, đưa việc học tập và làm theo lời Bác trở thành việc làm thường xuyên, tự giác trong các cấp hội và cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh.
Đến nay, có 100% cơ sở Hội và 70% chi, tổ Hội đăng ký xây dựng mô hình và đã có 308 mô hình học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hệ thống Hội Nông dân các cấp đã và đang duy trì hoạt động hiệu quả (tăng 88 mô hình so với năm 2022). Nhiều mô hình đã tạo sức lan tỏa rộng lớn và được nhân rộng trong cộng đồng, cụ thể như sau:
Đối với cấp tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã tiếp tục duy trì mô hình hỗ trợ hội viên nông dân nghèo gặp khó khăn đột xuất bằng việc mỗi cán bộ công chức, viên chức đóng góp 0,05% lương/tháng để thực hiện mô hình, trong năm đã hỗ trợ được 06 hộ gia đình, mỗi hộ 1 triệu đồng. Mô hình này đã được chỉ đạo triển khai thực hiện và nhân rộng trong cán bộ, hội viên và nông dân toàn tỉnh. Theo đó, định kỳ hàng năm, tại Hội nghị họp cụm thi đua, Hội Nông dân các huyện miền núi và đồng bằng đã đóng góp 3 triệu đồng/đơn vị (trích từ nguồn Hội phí) để tiếp tục duy trì và phát triển mô hình này. Kết quả trong năm 2023, cụm thi đua Hội Nông dân các huyện miền núi, hải đảo đã đóng góp 18 triệu đồng hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết cho 02 hộ hội viên nghèo của huyện Trà Bồng; cụm thi đua Hội Nông dân các huyện đồng bằng, thị xã, thành phố đã trao 02 con bò cái giống (trị giá 36 triệu đồng) cho 02 hộ nông dân nghèo ở xã Tịnh Bắc và Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, trong đó 21 triệu là nguồn đóng góp của cụm, 15 triệu đồng là Hội ND huyện Sơn Tịnh huy động đóng góp từ hội viên nông dân trên địa bàn.
Hầu hết Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố đã nhận thức được vai trò quan trọng của việc xây dựng mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nên đã tập trung chỉ đạo cơ sở Hội đăng ký, triển khai thực hiện theo tiêu chí của 12 mô hình mẫu do Hội Nông dân tỉnh đưa ra, trong đó, các huyện, thị xã, thành phố đăng ký thực hiện các mô hình như: Mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường”, " Nông dân SXKD giỏi và tổ chức Hội giúp đỡ hội viên nông dân nghèo", "Mô hình tổ chức hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân có hiệu quả"...
Điển hình nhất từ hiệu quả của mô hình “hỗ trợ hội viên nông dân nghèo” phải nhắc đến đó là: Hội Nông dân huyện Mộ Đức trong năm 2023 đã trao 13 con bò cái giống cho 13 hộ nghèo ở 13 xã trong huyện với tổng trị giá hơn 215 triệu đồng; nhiều cơ sở Hội trên địa bàn huyện Sơn Tịnh và Nghĩa Hành đã góp vốn xoay vòng cho những hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập, nhiều xã đã vận động đóng góp để tặng heo giống cho HVND nghèo, khó khăn chăn nuôi để tăng thu nhập; Hội Nông dân các huyện Bình Sơn và TP Quảng Ngãi đã vận động từ nhiều nguồn đóng góp để hỗ trợ kinh phí xây dựng 12 ngôi nhà đại đoàn kết cho HVND nghèo...
Thông qua những hoạt động này đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nông dân năng động, vượt khó làm giàu và tích cực đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh như: Mô hình “Cha đỡ đầu” cho những trẻ em mồ côi ở xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành; mô hình hỗ trợ HS nghèo, khó khăn liên tục cả bậc tiểu học đến THCS của tập thể Hội Nông dân xã Long Mai (Minh Long); mô hìnhgóp vốn quay vòng, giúp nhau phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình của tập thể Hội Nông dân xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh...
"Trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách nghiêm túc và có hiệu quả bằng cách nhân rộng các mô hình hay, việc làm sáng tạo có sức lan tỏa trong cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động Hội và các phong trào nông dân, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Hội Nông dân các cấp trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong tình hình mới", ông Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh.
- Hải Dương: Giải bóng chuyền “Bông Lúa vàng” lần thứ XIII, cup Agribank năm 2024 sân chơi giải trí của nông dân
- Nông dân Nghệ An liên kết nuôi ong lấy mật theo chuỗi
- Nghệ An: Tham quan, chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Hội chợ dược liệu 2024: Tiềm năng thị trường còn rất lớn đối với vùng nguyên liệu dược