Những điều cần biết về quy định tình huống khẩn cấp về thiên tai
Công bố tình huống khẩn cấp do thiên tai tại Hà Giang
Tỉnh Hà Giang có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, nên mỗi mùa mưa lũ thường gánh chịu những thiệt hại không nhỏ về hạ tầng giao thông. Theo thống kê sơ bộ của Sở Giao thông Vận tải Hà Giang, từ ngày 5/5 - 17/7/2024 đối với tuyến Quốc lộ 4C: Sạt lở taluy dương 271 vị trí, taluy âm 18 vị trí. Tuyến Quốc lộ 34: Sạt lở taluy dương 132 vị trí, taluy âm 15 vị trí. Tuyến Quốc lộ 4: Sạt lở taluy dương 90 vị trí, taluy âm 9 vị trí. Tuyến đường Cột cờ Quốc gia Lũng Cú: Sạt lở taluy dương 26 vị trí, taluy âm 1 vị trí...
Cùng với đó, rất nhiều tuyến đường tỉnh, đường liên xã cũng xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở, sụt lún, với khối lượng hàng trăm nghìn m3 đất, đá tràn xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông cục bộ... Mưa lớn kéo dài đã gây ra lũ ống, lũ quét và sạt lở tại nhiều địa phương, khiến 19 ngôi nhà bị sập đổ, thiệt hại nhiều diện tích hoa màu, giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đất đá tràn ra đường.
Mưa lũ trong mấy tháng qua tại tỉnh Hà Giang đã gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tình hình mưa lũ trong mấy tháng qua tại tỉnh Hà Giang đã gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông trên một số tuyến quốc lộ như: Quốc lộ 4, Quốc lộ 4C và Quốc lộ 34 đã đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Ngoài ra, Cục Đường bộ Việt Nam đã rà soát, xác định cụ thể hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông thuộc hệ thống quốc lộ và ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp nhằm khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.
Để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Bộ Giao thông Vận tải giao trách nhiệm cho Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải Hà Giang theo phạm vi, trách nhiệm quản lý triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai.
Trong đó, thực hiện rà soát, xác định cụ thể mức độ hư hỏng công trình đường bộ do tình huống thiên tai gây ra, giải pháp sửa chữa khắc phục và ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật.
Quy định tình huống khẩn cấp về thiên tai
Ngày 06/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị đinh số 66/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định này quy định tình huống khẩn cấp về thiên tai là các tình huống thiên tai đã hoặc đang xảy ra đã gây ảnh hưởng hoặc có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân và các công trình đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, công trình hạ tầng quan trọng đang sử dụng như sân bay, đường sắt, đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, bến cảng quốc gia, hệ thống lưới cao thế từ 66 kV trở lên, các khu di tích lịch sử cấp quốc gia, trường học, bệnh viện từ tuyến huyện trở lên, trụ sở các cơ quan từ cấp huyện trở lên, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cần tổ chức triển khai ngay các biện pháp ứng phó khẩn cấp để kịp thời ngăn chặn hậu quả và khắc phục nhanh hậu quả, được công bố bằng quyết định của người có thẩm quyền.
Vụ sạt lở đất, chôn vùi một xe khách khiến nhiều người chết tại Hà Giang tháng 7/2024
Nghị định nêu rõ thẩm quyền và trình tự công bố quyết định tình huống khẩn cấp và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Theo quy định, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xảy ra trên địa bàn cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xảy ra đối với công trình, cơ sở hạ tầng thuộc phạm vi quản lý. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm tham mưu cho Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Các nguồn lực được huy động trong tình huống khẩn cấp
Trường hợp thiên tai nghiêm trọng xảy ra trên diện rộng, vượt quá khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả của bộ, ngành, địa phương, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Căn cứ diễn biến thiên tai hoặc kết quả khắc phục sự cố, cơ quan tham mưu trình người có thẩm quyền ban hành quyết định công bố kết thúc tình huống khẩn cấp thiên tai. Nghị định quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Các biện pháp chính gồm:
Huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn; nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm; bố trí đảm bảo hậu cần cho nhân dân tại nơi sơ tán;
Tổ chức việc tiếp nhận, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân; huy động các cơ sở khám chữa bệnh tham gia cứu chữa cho người bị nạn;
Cấp phát miễn phí lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để giúp nhân dân xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, ổn định đời sống nhân dân trong quá trình ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai;
Huy động mọi nguồn lực (bao gồm cả nguồn lực từ Quỹ phòng, chống thiên tai) để xử lý khẩn cấp sự cố công trình phòng chống thiên tai, sự cố công trình xây dựng do thiên tai;
Các biện pháp cần thiết khác;
Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của các bộ, ngành, địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ theo thẩm quyền.
- Vợ sinh con, chồng tham gia BHXH được hưởng chế độ thai sản
- Cần thiết xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
- Làm rõ một số khái niệm pháp lý trong dự thảo Luật Phòng chống mua, bán người (sửa đổi)
- Khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng tháo, gửi thiết bị giám sát hành trình tàu cá