Những thứ tự ưu tiên khi chọn ngành, chọn trường đại học
Mùa tuyển sinh nào cũng có những thí sinh chọn nhầm ngành đào tạo để rồi khi đỗ vào trường ĐH lại thất vọng với ngành học, chán nản thậm chí bỏ học giữa chừng. Tỷ lệ hơn 5-10% sinh viên năm thứ nhất bỏ học vì chọn nhầm ngành học mà các trường thống kê dường như mới chỉ là con số “cứng", trên thực tế còn nhiều sinh viên đành “chấp nhận" ngành học vì "sự đã rồi" không muốn thi lại hay bỏ ngang để học nghề khác.
Với những học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi quyết định con đường tương lai thì ngoài việc lo học ôn kiến thức các em còn phải chịu một áp lực rất lớn đó là việc chọn ngành và chọn trường cho bước đường tương lai của cả cuộc đời mình sau này. Áp lực này đến với các em, với phụ huynh của các em và nó cũng là trách nhiệm của cả các thầy cô giáo dạy phổ thông cũng như những người làm công tác tư vấn tuyển sinh ở các cơ sở Giáo dục Đại học. Áp lực này đến với tất cả học sinh, kể cả những em học sinh có năng lực khá giỏi ở những trường chuyên.
Chọn nghề theo sở thích chứ chưa theo năng lực
Đánh giá về hiệu quả của công tác tư vấn tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng hiện nay các thầy cô cũng như phụ huynh đã nhận thức rất rõ bối cảnh cũng như sự cần thiết phải có đầy đủ thông tin cho con em của mình để lựa chọn ngành đào tạo nào để sau này thuận lợi chọn nghề nghiệp trong tương lai.
Với số lượng thí sinh lớn trong đó nhiều em ở những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa thì khả năng tiếp cận thông tin tương đối khó. Nhưng về mặt phổ quát trên toàn hệ thống thì càng ngày các em càng có nhiều thông tin hơn và các trường Đại học cũng đang rất tích cực truyền tải những thông tin về các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo của mình tới thí sinh.
"Tuy nhiên, về phía Bộ GD-ĐT rất mong có sự chung tay, phối hợp của nhiều bên liên quan để tăng cường công tác truyền thông giúp cho các em định hướng đúng đắn, phù hợp với năng lực thế mạnh của mình cũng như những điều kiện cá nhân", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
TS Nguyễn Thúy Vân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Đô cho rằng nhận thức của 1 số em thí sinh lớp 12 hiện nay còn hạn chế. Điều này thể hiện qua xu hướng chọn nghề của các em chủ yếu theo sở thích cá nhân mà chưa chọn nghề theo năng lực hoặc theo học lực của các em. Chính vì vậy, các em chưa hiểu sâu về các ngành nghề mà mình sẽ lựa chọn, sẽ làm ở đâu và làm gì?
Hiện nay các trường ĐH đã có nhiều hình thức tư vấn cho các em tại trường ĐH, tại chính trường phổ thông các em học nhưng nhiều em vẫn chưa xác định được rõ ràng là mình nên chọn ngành gì, học trường nào nên đến lúc đăng ký nguyện vọng đưa ra những quyết định thiếu chín chắn.
TS Nguyễn Thúy Vân cho biết: Ở ĐH Thành Đô thì hoạt động tuyển sinh rất được nhà trường quan tâm và chú trọng. Ngoài việc thông tin tới các thí sinh qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như mạng internet hoặc tiến hành tư vấn trực tiếp, khi các thí sinh tìm hiểu về trường thì được cung cấp các thông tin cụ thể về ngành đào tạo, chuẩn kiểm định chất lượng GD hoặc xếp hạng... Việc truyền thông này khá là hiệu qua giúp thí sinh tiếp cận các thông tin 1 cách nhanh chóng và dễ dàng.
Theo PGS.TS Thu Thủy, thống kê công tác tuyển sinh những năm gần đây, lượng sai sót khi xử lý thao tác, quy trình đăng ký tuyển sinh ngày càng giảm bớt. Điều đó cho thấy công tác tư vấn và truyền thông đã đến được đông đảo thí sinh. Trong hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và rất nhiều em trong số đó đăng ký dự tuyển vào đại học và cao đẳng thì các trường hợp sai sót là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, có những em khi sắp xếp các thứ tự nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển thì đã có nhiều thời gian để cân nhắc rồi, đã trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao theo đúng trật tự sắp xếp của mình rồi, nhưng sau đó vẫn khiếu nại lên Bộ GD-ĐT xin được học ở nguyện vọng thấp hơn. Tức là trúng nguyện vọng 1 nhưng lại muốn học nguyện vọng 2, 3. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các em vẫn chưa có những quyết định xác đáng tại những thời điểm then chốt khi mình phải đưa ra quyết định cuối cùng và chính xác nhất.
Việc định hướng ngành nghề cho học sinh cần phải được làm từ rất sớm chứ không phải để đến gần sát thời điểm ra quyết định nhập nguyện vọng xét tuyển vào rồi thì lúc đó mới cân nhắc và thay đổi lại. Do đó việc định hướng ngay từ đầu, từ các trường ĐH, từ các trường Phổ thông, các Sở GD ĐT, Bộ GD-ĐT cũng như các cơ quan truyền thông là vô cùng quan trọng.
Các bộ, ngành cũng cần đưa ra những dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực ngành nghề của mình là thông tin rất quan trọng mà các em thí sinh cần lưu ý. Cụ thể như trong đào tạo giáo viên, đào tạo sư phạm, Bộ GD-ĐT luôn có những định hướng, thông tin số liệu để các em có thể hình dung ra nhu cầu về giáo viên để đưa ra quyết định có học ngành sư phạm hay không.
Trong khi đó hầu hết các bộ, ngành chưa có nhiều thông tin dự báo nhu cầu nhân lực nên chưa thể cân bằng được cung cầu nhân lực và chưa thể đào tạo đúng người, đúng ngành và sau này làm nghề thật tốt. Việc thí sinh chọn nhầm ngành học 1 phần có thể do lỗi của chính các cơ sở đào tạo không công khai minh bạch thông tin về các điều kiện đảm bảo của trường khiến các em khi nhập học thất vọng và bỏ học.
Đổ xô vào ngành "hot" sẽ làm cơ hội giảm đi
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định: Sự minh bạch thông tin và thời đại của chuyển đổi số là sự thuận lợi. Việc minh bạch, công bố rộng rãi những kênh truyền thông, đặc biệt là trên Website của các nhà trường cho thí sinh tiếp cận. Bộ GDĐT luôn khuyến cáo các thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường, nắm vững chương trình đào tạo, đội ngũ thầy cô giảng dạy ở các chương trình, chương trình có được kiểm định, có xếp hạng hay không, chương trình có uy tín như thế nào, thông tin của người học và nhà sử dụng lao động là những thông tin rất quan trọng mà thí sinh cần phải nghiên cứu kỹ thì lúc đó mới có thể ra được quyết định đúng đắn nhất.
Hiện tượng thí sinh đổ xô vào các ngành hot, các ngành đào tạo mới trong khi những ngành kỹ thuật, những ngành khoa học cơ bản xã hội đang rất cần lại không thu hút được thí sinh là một vấn đề đáng lo ngại. Muốn giải quyết được bài toán này cần sự vào cuộc của các bộ, ngành trong việc dự báo nhu cầu cũng như những yêu cầu cụ thể về nguồn nhân lực mà các Bộ, ngành cần, xã hội cần trong tương lai.
Với thí sinh, việc ảnh hưởng của các luồng thông tin, đi theo xu hướng chung của xã hội là điều khó tránh nhưng các em cũng cần tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin một cách thông minh.
Bởi vì việc càng đổ xô vào những ngành nhiều người lựa chọn thì sự cạnh tranh tăng lên, cơ hội giảm đi. Nhất là cơ hội nghề nghiệp phù hợp phải cạnh tranh rất nhiều.
TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội cho rằng, sự phối hợp giữa các trường ĐH và hệ thống các trường phổ thông là cần thiết để cung cấp cho thí sinh những thông tin chính xác về ngành nghề phù hợp với năng lực và mong muốn của các em. Tuy nhiên, rất cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành khi cung cấp nhu cầu nhân lực để thí sinh và các trường ĐH có cơ sở để tư vấn định hướng cho các em.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, trên thực tế có những ngành khoa học cơ bản xã hội rất cần nhưng các em lại thiếu thông tin. Rất nhiều tổ chức doanh nghiệp đã đến tận trường để đặt hàng, lứa sinh viên nào ra trường họ tuyển dụng ngay nhưng lại không có thí sinh học. Đây là thực trạng đáng lo ngại và Bộ GD-ĐT đã khuyến cáo, khuyến khích các trường đại học tăng cường nhiều thông tin hơn nữa để các em thấy cơ hội nghề nghiệp cụ thể.
Ví dụ trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp rất thiếu nhân lực chất lượng cao nhưng thí sinh lại nghĩ đây là những nghề chân lấm tay bùn. Trên thực tế chúng ta đang rất cần nguồn nhân lực có kiến thức hiểu biết công nghệ cao trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Các trường Đại học tư vấn rất rõ cho thí sinh về các ngành nghề và vị trí việc làm trên hệ thống website của mình hoặc trên hệ thống mạng internet. Tuy nhiên việc chọn nghề của các thí sinh hiện nay bị ảnh hưởng rất nhiều do xu hướng đám đông. Chính vì thế có những ngành nghề như khối kỹ thuật hay khoa học cơ bản rất là khát nhân lực trong khi thu nhập của ngành nghề đấy lại rất là cao.
“Tôi nghĩ rằng các trường đại học hiện nay đang đào tạo khối ngành kỹ thuật cũng như các nhóm ngành về khoa học cơ bản cần đẩy mạnh công tác truyền thông. Truyền thông ở đây là truyền thông về vị trí việc làm cũng như các cơ hội việc làm để cho các thí sinh có thể lựa chọn các nhóm ngành nghề này nhiều hơn”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nêu quan điểm.
Việc sống trong thời đại thông tin bùng nổ bao giờ cũng có tính 2 chiều và những thông tin xấu độc, sai lệch vẫn được lan truyền. Việc những ticktoker xuất hiện trên mạng tuyên truyền về ngành nghề, sự vô dụng của một số bằng đại học ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc chọn ngành chọn trường của thí sinh. Vì vậy các cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp, giải pháp để ngăn chặn cũng như lọc những thông tin tiêu cực, không để ảnh hưởng đến giới trẻ.
Những thứ tự ưu tiên khi chọn ngành, chọn trường
Với các thí sinh 2K5, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đưa ra lời khuyên: “Với xu hướng đào tạo đa ngành, xuyên ngành thì việc các em học một ngành nhưng sau này các em có thể làm nhiều nghề khác nhau. Các em thí sinh không nên lo lắng quá về lĩnh vực nghề nghiệp mà điều quan trọng là các em chọn ngành mà mình thực sự yêu thích.
Sau khi chọn ngành, các em hãy lựa chọn đến trường, cơ sở đào tạo. Sự lựa chọn này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố ví dụ như uy tín, chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo, có đội ngũ thầy cô, cơ sở vật chất, trang thiết bị, trường đó có kiểm định hay không kiểm định. Sau đó thì các em cần nhắc đến những yếu tố khác ví dụ như vị trí địa lý của nhà trường, điều kiện tài chính của gia đình có phù hợp hay không.
"Với thứ tự lựa chọn như vậy thì các em sẽ lựa chọn được ngành học tốt nhất phù hợp nhất với năng lực của mình cũng như với điều kiện gia đình mình”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định.
Trên thực tế, tấm bằng đại học không phải mục tiêu cuối cùng mà thí sinh mong muốn nhận được mà các em đang cần được trang bị phương pháp để có thể học tập suốt đời. Các em cần có những kỹ năng kiến thức ban đầu nhưng đó là nền tảng vững chắc để các em còn tiếp tục học, phải tiếp tục thích nghi và ứng dụng được những thành tựu khoa học kỹ thuật mới chứ không phải học xong đại học chỉ để có một tấm bằng. Bởi vì phát triển nghề nghiệp cá nhân còn là một con đường rất dài và nếu như chúng ta ngừng học tập thì có nghĩa là chúng ta đã tụt hậu.
Tấm bằng Đại học là một trong những minh chứng rằng các em đã nỗ lực, đã thực sự đầu tư cho việc học và hoàn thiện bản thân mình để có thể thích ứng với thị trường lao động trong hiện tại cũng như trong tương lai, không chỉ ở Việt Nam mà còn phải là thị trường lao động quốc tế. Chọn ngành phù hợp với bản thân và phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của xã hội sẽ giúp các em thí sinh có nhiều cơ hội thành công trong nghề nghiệp. Việc chọn ngành đúng không chỉ giúp các em phát huy được khả năng, tố chất trong công việc mà còn giúp cho em tăng khả năng thăng tiến trong tương lai./.
Theo VOV
- Phấn đấu đến năm 2030 đào tạo 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh viên bị thiệt hại do bão số 3
- Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo mới gắn với lợi ích của nông dân
- Hào hứng chào đón năm học mới tại ngôi trường mang tên người anh hùng áo vải Lương Văn Nắm