Những triệu phú nuôi ốc bươu đen
Những năm trở lại đây, ốc bươu đen trở nên khan hiếm khiến nhu cầu về mặt hàng này tăng mạnh tại các đô thị lớn và đã trở thành loại thủy sản có giá trị kinh tế cao giúp người nuôi có nguồn lãi lớn và ổn định.
Thu lãi 30 triệu đồng mỗi tháng từ nuôi ốc bươu đen
Chỉ có 1.200m2 đất, ban đầu ông Lê Hoàng Thanh (ngụ xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) nuôi nhiều loại thủy sản như: Cá lóc, cá rô phi, cá chép… nhưng không thành công bởi giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định, tỉ lệ hao hụt cao dẫn đến trắng tay. Sau khi đi tham quan một số mô hình nuôi thủy sản ở các địa phương, ông chọn mô hình nuôi ốc bươu đen đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, khẳng định sự đúng đắn của quyết định sáng suốt này. Hiện nay bình quân ông thu lãi mỗi tháng trên 30 triệu đồng từ việc bán ốc bươu đen thương phẩm lẫn con giống.
Rời quân ngũ năm 2010, anh Khương đã nuôi nhiều loại thủy sản và trồng nhiều loại rau màu nhưng không thành công như mong muốn. Trong một lần tình cờ phát hiện loại ốc bươu đen phát triển rất nhanh, hiệu quả cao, phù hợp với ao mương nhà mình nhưng người nuôi phải am hiểu tập quán sống, điều kiện sinh trưởng phù hợp, những loại thức ăn nào giúp chúng mau lớn và an toàn với dịch bệnh. Sau khi nghiên cứu rất nhiều tài liệu, năm 2015, anh Khương tiến hành thả nuôi 300kg ốc bươu đen con (con giống anh mua ở tỉnh An Giang) trong ao mương trồng bông súng và rau rút của mình. Sau 6 tháng nuôi toàn bộ ốc bươu đen đã chết sạch trong sự ngỡ ngàng của anh.
Anh Khương phá bỏ diện tích trồng bông súng và rau nhút của mình để thay vào đó là loại bèo tây. Đây là loại thực vật vừa làm nơi cho ốc bươu đen sinh sản, vừa tạo bóng mát, vừa là nguồn thức ăn rất dồi dào nhiều dinh dưỡng cho vật nuôi này. Anh Khương thiết lập 10 vèo nuôi (còn gọi là lưới mùng), mỗi vèo có thể tích 3x10x1,3m. Như vậy tổng diện tích bề mặt nước thả nuôi chỉ là 300m2. Song song đó anh thả nuôi 20.000 con giống có xuất xứ từ tỉnh Thanh Hóa với các ưu điểm: Ốc nhanh lớn, khỏe mạnh, khả năng sinh sản cao, chất lượng thịt thơm ngon, nhiều chất đạm dễ chế biến các loại thức ăn từ cao cấp đến bình dân.
Trở thành những “triệu phú ốc bươu”
Ông Lê Hoàng Thanh, ngụ xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền kể rằng: Đặc tính loài ốc bươu đen là “ăn dơ, ở sạch”, tức chúng ăn bã thực vật và phải sống trong môi trường nước trong, từ đó ông đã nuôi bèo tai tượng trong ao chung với ao nuôi ốc, để ốc ăn bèo. Bên cạnh đó, cần xử lý ao sạch sẽ, nguồn nước không bị ô nhiễm.
Cùng quan điểm như ông Thanh, anh Nguyễn Hoàng Khương, ngụ quận Ô Môn cũng cho rằng: Nguồn nước sạch, an toàn là quan trọng hơn hết. Cạnh đó mình phải quan tâm đến nguồn thức ăn có nhiều đạm, xay thật nhuyễn, cho ăn đúng thời điểm, không thả nuôi với mật độ quá dầy đặc”.
Sau 4 tháng thử nghiệm, kết quả đến rất bất ngờ đến với anh Khương. Bình quân anh thu hoạch mỗi tháng từ 70 – 100kg ốc bươu đen thành phẩm với giá bán giao động từ 30.000 – 70.000 đồng/kg (cao hơn ốc bươu thường từ 15 – 20%), sau đó sản lượng cứ tăng dần lên mỗi tháng. Anh Khương ước tính mỗi năm anh xuất bán xấp xỉ 10 tấn ốc bươu đen thành phẩm thu về khoảng 400 triệu đồng trong khi chi phí đầu tư chỉ chiểm 50 triệu đồng.
Hiện nay cơ sở “Mười Khương” do anh đảm nhiệm đã tổ chức thu mua ốc bươu đen của nhiều nông dân quanh vùng để bán lại cho các thương lái xuất đi các tỉnh phía Bắc, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Cùng với đó, anh Khương còn hợp đồng tư vấn kỹ thuật nuôi, cách thành lập các ao nuôi ốc bươu đen và các vấn đề có liên quan giúp nhiều nông dân an tâm thả nuôi loại thủy sản này.
Anh Nguyễn Thanh Đời, đoàn viên khu vực Hòa Thạnh B, phường Thới Hòa kể: “Với vai trò Bí thư Chi đoàn, anh Khương luôn hết lòng giúp đỡ đoàn viên thanh niên tại địa phương làm ăn hiệu quả, trong đó có rất nhiều người đến học tập cách nuôi ốc bươu đen và làm theo rất thành công”.
Năm 2019, nhận thấy tiềm năng cung ứng ốc bươu đen rất lớn bởi cung luôn thiếu cầu với thương trường, anh Nguyễn Hoàng Khương bắt đầu nghiên cứu mô hình ương con giống ốc bươu đen tại ao mương nhà và đã thành công ngoài sự mong đợi. Hiện tại ngoài 10 vèo nuôi ốc thành phẩm, anh Khương còn làm thêm 9 vèo khác để nuôi ốc bươu đen bố mẹ để lấy trứng. Sau đó trứng được chuyển sang những vèo khác và nuôi lớn với cách chăm sóc khá đặc biệt.
Ông Nguyễn Văn Thọ (Chợ Mới, An Giang cho biết thêm: “Năm 2019 tôi có đến đây mua 2kg ốc giống về thả nuôi với giá 2, 5 triệu đồng/kg ốc con, bình quân mỗi kilôgam có khoảng 6.000 con, ốc của cơ sở anh Khương rất khỏe, mau lớn, tỉ lệ hao hụt không đáng kể, chỉ sau 4 tháng tôi đã thu hoạch với giá bán 60.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, tôi còn lãi gần 50 triệu đồng chỉ trên diện tích 150m2 mặt nước. Hôm nay tôi đến mua tiếp 5kg giống nhưng nguồn cung đã hết nên chỉ mua được 1kg, tiếc lắm”.
Với 19 vèo nuôi có tổng diện tích xấp xỉ 600m2 mặt nước nhưng anh Khương đã thu về nguồn lãi trên 600 triệu đồng từ nguồn ốc bươu đen thương phẩm và ốc bươu đen sinh sản. Tương tự như anh Khương, ông Lê Hoàng Thanh cũng lãi hàng trăm triệu đồng chỉ từ 1.200m2 mặt nước. Kết quả có được từ sự cần cù lao động, nắm rất chắc các biện pháp khoa học kỹ thuật nuôi ốc bươu đen, sự nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường của những “triệu phú Tây Đô” đã biết làm giàu từ loại thủy sản độc đáo tại đồng bằng sông Cửu Long.
“Tôi chỉ có xấp xỉ 300.000 con ốc bươu đen bố mẹ nên luôn bị thiếu hàng do người nuôi đặt hàng quá lớn. Thời gian trứng ốc nở thành ốc con từ 30 – 35 ngày, giá bán hiện nay là 350 – 400đồng/con tùy thuộc số lượng người mua nhiều hay ít. Năm 2019, từ nguồn ốc con này tôi đã thu về trên 300 triệu đồng. Sắp tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích ương ốc giống lẫn nuôi ốc bươu đen thành phẩm. Đây là mô hình ít vốn, ít đất, chắc ăn và dễ làm”
Anh Nguyễn Hoàng Khương, quận Ô Môn, Cần Thơ.
Bài, ảnh: Phan Anh