Chuyện người giữ rừng ở Đam Rông
"Người giữ rừng"- Khó tuyển dụng, khó giữ chân
Rừng phòng hộ Sênêpốk thuộc địa bàn huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng trải dài qua địa bàn 6 xã, có diện tích hơn 50.996ha, vị trí giáp ranh với các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, trong đó có 21.914ha rừng phòng hộ, 29.051ha rừng sản xuất. Theo chỉ tiêu, trung bình cứ một người quản lý khoảng 1.000ha rừng, ngoài việc bám sát địa bàn được phân công, mỗi người còn phải kiêm nhiệm thêm công việc văn phòng, hoặc gánh thêm một phần địa bàn của người khác do thiếu hụt nhân sự trầm trọng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hà - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông thì Hạt được biên chế 21 nhân sự, nhưng hiện nay chỉ có 15 người và thêm 1 người mới nhận việc, thiếu 5 người so với chỉ tiêu. Với diện tích rừng lớn, trải dài và địa hình đi lại khó khăn, lực lượng kiểm lâm vừa mỏng, vừa thiếu như hiện nay nên công tác quản lý, bảo vệ rừng được đang gặp không ít khó khăn.
“Cũng bởi nhiều khó khăn, gian nan, tính chất công việc lại làm xa nhà nên gần 30 năm gắn bó với nghề giữ rừng cũng là chừng ấy thời gian bản thân tôi và nhiều anh em kiểm lâm chưa có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình. Trong các dịp lễ, tết cán bộ thay ca nhau trực, vì ngày Tết người dân và những đối tượng phá rừng thường nghĩ đây là dịp nghỉ ngơi sau một năm mệt nhọc nên sẽ lơ là việc canh gác bảo vệ rừng, nên các đối tượng xấu thường xuyên nhằm vào những ngày này tổ chức người xâm nhập vào rừng để săn bắt, khai thác gỗ. Bởi thế càng vào Tết, và các ngày lễ công việc của chúng tôi lại càng vất vả”, ông Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, việc tuyển dụng biên chế ngành kiểm lâm cũng không hề dễ dàng. Để tuyển dụng lực lượng trẻ kế cận gặp muôn vàn khó khăn, trong những năm gần đây tình trạng xin chuyển công tác khỏi lực lượng kiểm lâm, nghỉ việc của cán bộ trẻ xảy ra ngày càng nhiều, dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng. Bởi thực tế lương và các chế độ khá thấp, không thu hút được người lao động làm việc gắn bó lâu dài. Đồng thời, trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp… thì phải kỷ luật, xử lý khá nặng.
Cần có những chính sách đặc thù để giữ được rừng và người giữ rừng
Do lực lượng bảo vệ rừng quá mỏng như hiện nay, đồng thời phải kiêm nhiệm cùng lúc nhiều việc không đúng chuyên môn. Thế nhưng chế độ chính sách lại chưa thực sự tương xứng với công sức bỏ ra, áp lực công việc nặng nề nên nhiều nhân viên không mặn mà với việc giữ rừng.
Trên những cung đường triền dốc dưới cái nắng mùa Hè, mồ hôi nhễ nhại, ông Dương Mạc Tuân - Trạm phó Trạm Quản lý bảo vệ rừng Rô Men thều thào: “Tôi là người trực tiếp đi địa bàn, tham gia lực lượng bảo vệ rừng từ tháng 3/2007 đến nay, nhưng lương tại thời điểm này, vẫn chỉ 5,6 triệu/tháng. Với mức lương này thì không đủ để chi phí cho những sinh hoạt tối thiểu, chi phí sửa xe. Vì hiện nay cán bộ đi địa bàn chưa được trang bị xe máy cũng như các công cụ hỗ trợ bảo vệ rừng. Mong rằng trong thời gian tới, các chính sách thay đổi, phụ cấp được tăng thêm, thu nhập ổn định hơn để chúng tôi có thể yên tâm nỗ lực hết mình mà hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Vì những biến động, thiếu hụt về nhân sự, lực lượng mỏng dần, dễ dẫn đến tình trạng rừng bị xâm hại, không phát hiện kịp thời. Cụ thể, thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số di dân tự do vào canh tác, chặt phá rừng và sinh sống trong các vùng lõi tiểu khu 178, 179, 181 và khu Tây Sơn. “Những nhóm người chặt phá rừng rất manh động, khi lực lượng tuần tra phát hiện và giải tỏa cây trồng trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm thì họ không hợp tác, luôn đưa phụ nữ và trẻ em ra để lấn át chống đối, uy hiếp, cản trở đoàn giải tỏa. Cộng với việc thời gian qua, giá đất trên địa bàn tăng cao, tình hình sang nhượng đất diễn biến phức tạp, các hộ dân bán đất sản xuất dẫn đến thiếu đất nên thường lén lút phá rừng, khai thác gỗ bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, sự manh động của lâm tặc, tình hình biến đổi khí hậu diễn ra khốc liệt cũng như đòi hỏi của xã hội đối với lực lượng kiểm lâm ngày càng cao”. Ông Nguyễn Văn Nam, người dân sinh sống tại xã Đạ Long cho biết.
Ông Đặng Đình Túc – Trưởng ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Sênêpốk, chia sẻ: “Hiện nay, lực lượng kiểm lâm không chỉ bảo vệ rừng, mà còn phải thực hiện thêm cả công tác phát triển rừng. Thế nhưng, việc trồng rừng cũng gặp không ít khó khăn, việc trồng rừng phân tán theo Đề án 1836 và trồng 4,4 triệu cây xanh không phân bổ vốn, nên không có kinh phí hỗ trợ cây giống cho các hộ dân. Chính vì vậy việc vận động các hộ dân tự bỏ vốn cây giống trồng xen trên đất quy hoạch lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp ổn định gặp nhiều khó khăn, khó thực hiện đạt chỉ tiêu đã được đề ra. Trong khi đó nhu cầu về sử dụng lâm sản, đất đai ngày càng nhiều, hoàn toàn đối nghịch với sự phát triển và tăng trưởng của nguồn tài nguyên thiên nhiên”.
Dù việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Đam Rông đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của lãnh đạo các cấp, các ngành và đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ rừng như: Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng, công tác kiểm tra, tuần tra rừng được thực hiện thường xuyên, liên tục, thế nhưng, dưới áp lực của nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy ngày càng gia tăng như hiện nay thì lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách tại các đơn vị quản lý rừng đang phải chịu rất nhiều áp lực, khó khăn, thậm chí là hy sinh khi thực thi nhiệm vụ.