Nội quy kỳ họp Quốc hội bố sung họp bất thường, biểu quyết trên thiết bị di động
Sáng 17/8, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Các ý kiến đều thống nhất cho rằng sau gần 7 năm thi hành, Nội quy năm 2015 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung.
Một trong những lý là một số điều, khoản không còn phù hợp với thực tiễn, trong quá trình hoạt động, nhất là từ năm 2016, Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp, được thực tiễn kiểm nghiệm, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân đánh giá cao, cần được xem xét để bổ sung quy định để bảo đảm cơ sở pháp lý.
24 vấn đề mới
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo bổ sung 5 điều, sửa đổi 41 điều và kế thừa giữ nguyên 10 điều, thể hiện 24 vấn đề mới.
Đáng chú ý là bổ sung quy định về hình thức làm việc trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hay quyền tranh luận nhằm mở rộng dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, tạo điều kiện để các vị đại biểu Quốc hội làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.
Ngoài ra, phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước cũng được yêu cầu phải phát thanh và truyền hình trực tiếp, bên cạnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Lễ tuyên thệ, khai mạc, bế mạc.
Về vai trò của chủ tọa, người điều hành phiên họp, dự thảo Nội quy sửa đổi đang được thể hiện theo hướng bổ sung quy định chủ tọa, người điều hành phiên họp có quyền linh hoạt kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình; được quyền yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận hoặc phát biểu nếu đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận quá thời gian hoặc không phát biểu, tranh luận đúng nội dung.
Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về trình tự bầu Trưởng Đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất nhằm bảo đảm yêu cầu triển khai công tác nhân sự ngay từ đầu kỳ họp thứ nhất của Quốc hội mỗi khóa; kịp thời điều hành hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Liên quan biểu quyết, quy định mới có cả biểu quyết bằng hệ thống điện tử tại hội trường và hệ thống biểu quyết điện tử trên thiết bị di động. Khi cần thiết, Quốc hội áp dụng đồng thời hai hình thức biểu quyết theo đề nghị của Chủ tọa.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc áp dụng đồng thời hai hình thức biểu quyết chỉ nên thực hiện trong các trường hợp bất khả kháng, không nên quy định là “khi cần thiết” vì không bảo đảm minh bạch, chặt chẽ.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị làm rõ khái niệm “tranh luận”, “chất vấn”, “chất vấn lại” để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Tranh luận trong chất vấn là quyền của đại biểu
Thảo luận tại phiên họp, có ý kiến đề nghị cần quy định rõ trường hợp nào được tranh luận, trường hợp nào được chất vấn lại và không nên bỏ qua quyền chất vấn lại của đại biểu không trực tiếp chất vấn, vì chất vấn là quyền của đại biểu nói chung chứ không phải của riêng đại biểu nào.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: "Bản chất tranh luận là để đi đến tận cùng vấn đề, tìm ra chân lý. Do vậy, không nên giới hạn tranh luận hay chất vấn lại, đó là quyền của đại biểu trong nghị trường và cũng chính là mở rộng dân chủ nghị trường".
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tranh luận trong chất vấn là quyền của đại biểu, do đó không nên giới hạn chỉ những đại biểu đặt câu hỏi mới có quyền tranh luận. "Chỉ không tranh luận giữa các đại biểu với nhau, còn anh tranh luận đối với Bộ trưởng, trưởng ngành, người trả lời chất vấn thì hợp lý, dù không hỏi vẫn có thể tranh luận, đó là quyền của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng, đại biểu nào chất vấn thì được ưu tiên tranh luận trước", Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Về thời gian tranh luận, không quá 2 phút như dự thảo là phù hợp. Thời gian chất vấn thì không quá 1 phút. Đối với thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mốc thời gian 7 phút là phù hợp, không nên rút xuống nữa. Quan trọng là làm sao đó để phiên họp nhiều người tham gia phát biểu nhất, nhất là những phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, thứ hai là người điều hành, chủ tọa có thể xin phép giảm thời gian xuống, nhưng không nên giảm dưới 5 phút, và được sự đồng ý của Quốc hội mới thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị, nên chăng dành quyền linh hoạt cho chủ tọa và cho Quốc hội trong điều hành phiên họp, theo tinh thần "Quốc hội làm hết việc chứ không hết giờ". "Tại khóa XIII, XIV chúng ta cũng đã cho kéo dài thời gian phiên họp rồi. Có thể không phải 17h mà 17h30, 18h, thậm chí 19h. Có những phiên đông người, nội dung thảo luận nhiều, thấy cần thiết kéo dài thì làm, nhưng với điều kiện được Quốc hội đồng tình", Chủ tịch Quốc hội nói.
Sau khi thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bổ sung dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới, theo quy trình tại một kỳ họp.
Theo VOV
- Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến với Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni
- Phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
- Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp: Cân nhắc thuế ưu đãi đối với một số lĩnh vực
- Đề xuất áp dụng mức thuế 10% cho các cơ quan báo chí xét theo vai trò đặc biệt