Nông dân Bắc Giang tham gia nông nghiệp công nghệ cao trong xu thế hội nhập quốc tế
Nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện để Hội tham gia
Xác định tầm quan trọng của nông nghiệp ứng dụng CNC giúp thay đổi bức tranh nông nghiệp của tỉnh, đưa nền nông nghiệp hội nhập quốc tế. Tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC, như Nghị quyết số 130-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 401-NQ/TU về Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; Nghị quyết về đẩy mạnh ứng dụng, hỗ trợ, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; quy định cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2025…Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp CNC đã phát huy hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp CNC. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 800 mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC sản xuất hiệu quả, có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi giá trị, sản phẩm bảo đảm chất lượng ATTP; có 585 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó 48 hợp tác xã ứng dụng CNC vào sản xuất; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt bình quân từ 220-250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 2-2,5 lần so với sản xuất thông thường, trong đó mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà màng đạt từ 700 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm.
Nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các cấp Hội Nông dân tham gia xây dựng nền nông nghiệp CNC được ban hành và phát huy hiệu quả như: Đề án phát triển vùng sản xuất Ba kích tím hàng hoá tại huyện Sơn Động giai đoạn 2022-2026; Đề án xây dựng Tổ hợp tác tạo tiền đề phát triển thành hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Đề án Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 - 2025.
Triển khai thực hiện các đề án, Hội Nông dân các cấp đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thay đổi tư duy, nhận thức một cách toàn diện về xây dựng nền nông nghiệp CNC, dựa trên sản xuất nông nghiệp hàng hóa, từ đó thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, tự nguyện tham gia các tổ hợp tác, HTX hình thành chuỗi sản xuất có quy trình sản xuất chung, theo tiêu chuẩn có sản phẩm đồng đều, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hàng hoá.
Tư vấn, hỗ trợ hội viên tiếp cận nguồn vốn phát triển nông nghiệp CNC
Các cấp Hội đã vận động, hỗ trợ thành lập 285 tổ hợp tác, 92 HTX, trong đó có một số tổ hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả như HTX sản xuất thương mại và dịch vụ nông nghiệp Phì Điền (Lục Ngạn) với 43 thành viên trực tiếp sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm vải, táo, cam, gạo nếp. HTX được Hội ND hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng thành viên Hội đồng quản trị, hỗ trợ giống, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GloblaGAP, VietGAP hướng dẫn xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, bao bì sản phẩm. Sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ ở các siêu thị, đặc biệt sản phẩm vải thiều của HTX sản xuất theo tiêu chuẩn GloblaGAP đã xuất khẩu sang một số nước châu Âu, sản phẩm vải thiều khô được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. HTX Na dai Nghĩa Phương, Lục Nam đã cùng trồng và chăm sóc cây na dai theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm tem truy xuất nguồn gốc, mẫu mã bao bì riêng.
Cùng với thay đổi hình thức tổ chức sản xuất, các cấp Hội tạo điều kiện để hội viên nông dân trở thành chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hỗ trợ, tư vấn một số sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đã phát huy hiệu quả như sản phẩm Bánh chưng Vân, gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn (Hiệp Hoà), ổi Tân Yên, Nhãn Lục Sơn… Hội Nông dân tỉnh cũng triển khai hàng loạt mô hình cấy giống lúa chất lượng áp dụng canh tác thân thiện với môi trường, mô hình nông nghiệp tuần hoàn hiệu quả đã góp phần thay đổi tư duy và cách thức sản xuất của người dân, sản phẩm làm ra khả năng cạnh tranh cao, có chỗ đứng trên thị trường và tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển thương mại điện tử nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm, kết nối nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng.
Các cấp Hội tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn phát triển nông nghiệp CNC từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Agribank, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) theo hình thức nhóm hộ nông dân gắn với xây dựng tổ hội, chi hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, HTX hoạt động theo phương thức “5 tự, 5 cùng” để hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nông dân xây dựng mô hình nông nghiệp hàng hoá, CNC. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trên 60 tỷ đồng đã giúp xây dựng hàng trăm mô hình SXKD giỏi. Thông qua các mô hình Quỹ HTND đã thành lập 145 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 10 chi hội nông dân nghề nghiệp, 130 tổ hợp tác và 12 HTX kiểu mới, điển hình như mô hình “Trồng và chăm sóc cây cam đường canh” tại xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn đã thành lập mô hình “Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản”; mô hình “Nuôi dê sinh sản” ở xã Lan Giới đã góp phần hình thành vùng nuôi dê tập trung của huyện với tổng đàn dê trên 1.500 con và thành lập HTX chăn nuôi dê, HTX Đồng Tâm 3 với dự án trồng dưa lưới công nghệ cao... Tín chấp với Ngân hàng Agribank trên 2.800 tỷ đồng cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất. Các nguồn vốn đã giúp nông dân đầu tư, mở rộng sản xuất, ứng dụng CNC trong sản xuất kinh doanh.
Các cấp Hội đã phối hợp đào tạo, tập huấn kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, kỹ năng quản trị kinh doanh cho hội viên, nông dân, phát huy hiệu quả mô hình “nông dân dạy nông dân” nòng cốt là các nhà nông dân thành công trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, dạy học thực hành theo quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi. Qua đó, giúp người sản xuất nâng cao trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, khả năng tiếp cận thị trường, tiêu thụ nông sản theo liên kết chuỗi. Tổ chức các cuộc thi nhà nông đua tài, sáng tạo kỹ thuật nhà nông, đã có hàng trăm sáng kiến, giải pháp kỹ thuật của nông dân, tự sáng chế, tự nghiên cứu được ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất góp phần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, CNC của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thông qua các hoạt động trên, nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về xây dựng nền nông nghiệp CNC đã có chuyển biến rõ rệt, trình độ sản xuất kinh doanh của nông dân được nâng lên, phong trào ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống phát triển rộng khắp, nông dân tiếp tục khẳng định vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, vai trò của các cấp Hội Nông dân trong tham gia xây dựng nông nghiệp CNC còn một số hạn chế, đó là công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn cho nông dân về nông nghiệp CNC còn chưa đa dạng, phong phú; xây dựng và duy trì các mô hình nông nghiệp CNC còn ít và thiếu bền vững, nhỏ lẻ, phân tán; tư vẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử chưa nhiều...
Trong thời gian tới, Hội Nông dân các cấp tiếp tục tuyên truyền, triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về xây dựng nông nghiệp CNC; triển khai thực hiện các đề án, trong đó tham gia phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn là trọng tâm, ưu tiên hợp tác xã mô hình điểm, các hợp tác xã sản xuất ứng dụng CNC, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; xây dựng và duy trì các sản phẩm OCOP; nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất, chuỗi giá trị đã hình thành có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển nông nghiệp địa phương. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu rõ về nông nghiệp CNC. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đào tạo tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNC trong nông nghiệp.