Nông dân giàu góp sức cho đất nước mạnh
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là phong trào đặc trưng, nổi bật và có sức lan toả mạnh mẽ nhất của Hội Nông dân Việt Nam (NDVN). Đây cũng là một trong những cách thức mà tổ chức Hội NDVN thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người giàu thì giàu thêm”(1), đồng thời tham gia thực hiện mục tiêu lớn mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn về xây dựng một xã hội “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”. Được phát động từ năm 1989 đến nay, tên gọi phong trào có thay đổi từ ngữ qua từng giai đoạn, nhưng tính chất cốt lõi vẫn giữ nguyên là một phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trên quy mô toàn quốc do Hội NDVN phát động.
Trong hơn 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và vai trò tổ chức của Hội NDVN, phong trào đã thực sự đi vào nền nếp, xây dựng được “chân dung” tiêu biểu, điển hình có tính thuyết phục, hấp dẫn về người nông dân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Thành công của hàng triệu nông dân điển hình, từ nghèo khó vươn lên đủ ăn, từ khá giả vươn lên giàu có đủ đầy… không chỉ từng bước tự giải phóng họ khỏi tâm lý tự ti trong quá khứ, mà còn mang lại niềm tin vững chắc, cảm hứng tích cực cho cả giai cấp Nông dân cũng như các tầng lớp khác trong xã hội; từng bước làm thay đổi các quan niệm và hình ảnh về người nông dân nghèo nàn, lam lũ từng ăn sâu vào tiềm thức xã hội hàng nghìn năm qua.
Những giải pháp quan trọng thúc đẩy phong trào giai đoạn 2017-2022
Kế thừa thành quả của phong trào giai đoạn 2012-2017, từ năm 2017 đến nay, phong trào tiếp tục được các cấp Hội đặc biệt quan tâm. Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội NDVN lần thứ VII (2018) đã đề ra nhiệm vụ nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào, đồng thời xác định đây là phong trào duy nhất và trọng tâm, xuyên suốt của Hội. Các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội và Hội Nông dân các cấp đều coi trọng và đưa vào mục tiêu, nhiệm vụ để phát triển, nâng cao chất lượng phong trào.
Từ định hướng đó, Trung ương Hội NDVN đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, có sức thúc đẩy mạnh mẽ: (1) Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phong trào theo hướng chuyển mạnh sang hoạt động tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các hộ nông dân nói chung, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nói riêng, có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. (2) Sơ kết, tổng kết và ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án và các văn bản chỉ đạo để nâng cao hiệu quả hỗ trợ nông dân; kiện toàn, sắp xếp lại các cụm thi đua thành 6 cụm để chỉ đạo phong trào. (3) Phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh tổ chức bốn Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân” để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Lan toả hoạt động “đối thoại với nông dân” đến các địa phương với 116 hội nghị đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, lãnh đạo UBND cấp tỉnh với nông dân. (4). Chủ động ký kết với các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình phối hợp của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn; tập huấn khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư cho hàng triệu lượt hội viên, nông dân. (5) Chỉ đạo các cấp Hội xây dựng hàng ngàn mô hình trình diễn, mô hình kinh tế hợp tác, mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn ViệtGAP, khai thác nguồn lực, phát huy tiềm năng đa dạng của địa phương. (6) Chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngân hàng thương mại(2) giúp hội viên nông dân có thêm vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, hạn chế nạn cho vay nặng lãi, tín dụng “đen” ở nông thôn. Tích cực vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân để trực tiếp hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng, phát triển các chi tổ hội nghề nghiệp, các tổ nhóm liên kết hợp tác sản xuất, kinh doanh.
Cùng với việc khai thác các nguồn lực và chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực xây dựng cơ sở vật chất, nguồn lực của Hội để hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế. Đến nay, Hội đã có 55 cơ sở và trung tâm có chức năng dạy nghề và hỗ trợ nông dân từ Trung ương đến các khu vực và địa phương, trong đó có 1 Trường Trung cấp nghề. Hằng năm, hệ thống Trung tâm dạy nghề của Hội đã trực tiếp dạy nghề và phối hợp dạy nghề cho gần 300.000 người. Công tác kiểm tra, giám sát, bình xét danh hiệu, cấp giấy chứng nhận, tôn vinh nông dân sản xuất kinh doanh giỏi… được các cấp Hội thực hiện nghiêm túc, kịp thời đảm bảo uy tín và chất lượng theo quy định của Hội.
Những giải pháp toàn diện đó đã góp phần động viên khích lệ tinh thần hơn 10 triệu hội viên nông dân tích cực thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, ổn định chính trị và phát triển vững chắc nền kinh tế nông nghiệp nước ta.
Năm thành quả nổi bật góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước
Dưới sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước vai trò tổ chức của Hội NDVN, trong giai đoạn 2017-2022, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên phạm vi cả nước, trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, trở thành một tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội nông thôn; lôi cuốn, khích lệ hàng triệu hộ nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi thiên tai, dịch bệnh trên gia súc và đại dịch Covid-19 ở người, nhưng phong trào đã động viên nông dân thi đua sản xuất kinh doanh và nhường cơm sẻ áo cho đồng bào vùng dịch bệnh, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước: Giữ vững an ninh lương thực quốc gia, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng trưởng GDP bình quân khoảng 5,6% mỗi năm(3), giữ vững ổn định chính trị, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, tạo tiền đề vững chắc cho đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong 5 năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã đạt được những thành tựu nổi bật:
Thứ nhất, phong trào ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, trong đó quy mô tích luỹ của người nông dân giỏi đã lớn hơn giai đoạn trước. Hình thức tập hợp nông dân giỏi đa dạng, sinh động hơn. Trong giai đoạn 2017-2022, bình quân hàng năm, số lượng hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đạt 6,21 triệu lượt hộ đăng ký (tăng 4,3%), chiếm 53,4% so với tổng số hộ nông dân cả nước. Trong đó, số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp là 3,6 triệu hộ, chiếm 51,6% số hộ đăng ký. Trong cả nước xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm tỷ đồng, thu hút hàng trăm lao động, thu nhập từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm. So với giai đoạn 2012 - 2017, số hộ có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm trên cả nước tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 2 lần.
Bên cạnh hình thức hội nghị tuyên dương các gương nông dân điển hình tiên tiến theo năm và theo định kỳ, nhiều địa phương đã lập nhiều mô hình tập hợp mới như “Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, “Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú”, “Câu lạc bộ nông dân phát triển kinh tế”... với hàng triệu hội viên nông dân tham gia trao đổi, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; liên kết hợp tác, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Thứ hai, phong trào đã góp phần quan trọng vào việc cơ cấu lại nền nông nghiệp, dồn điền đổi thửa, tập trung đất đai thành vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn hơn giai đoạn trước. Các hộ nông dân giỏi đã tích cực thực hiện “dồn điền, đổi thửa”, từng bước khắc phục sự manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất, tạo nên những vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn. Các cấp Hội có nhiều hoạt động hỗ trợ, động viên nông dân phát triển kinh tế gia trại, trang trại, liên kết hợp tác trong sản xuất, đặc biệt tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị; từng bước giúp nông dân chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh doanh nông nghiệp”, chuyển dần từ sản xuất nhỏ sang hợp tác liên kết với doanh nghiệp và nhà khoa học, tạo ra khối lượng nông sản lớn, đồng bộ, chất lượng cao, giá thành hạ, từ đó tăng sức cạnh tranh và tăng giá trị thu nhập. Điển hình là nông dân tỉnh Sơn La, sau nhiều năm được tập trung, tổ chức lại sản xuất, đến nay đã xuất khẩu xoài, chuối, chanh leo, thanh long, mận hậu, nhãn, rau và tinh bột sắn sang các nước Trung Quốc, Anh, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia. TP.Hồ Chí Minh có hơn 27.000 lượt hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang những ngành nghề mới hiệu quả cao như trồng hoa lan, cây cảnh, rau củ, quả, chăn nuôi bò sữa, nuôi heo ứng dụng công nghệ cao, nuôi tôm, cá cảnh… Gia Lai có cánh đồng mía mẫu lớn. Quảng Nam và Hậu Giang có “Cánh đồng thông minh”. Đồng Tháp có mô hình “Cánh đồng lý tưởng”. Trà Vinh có mô hình “trồng bưởi da xanh dưới tán dừa”. Các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang có mô hình lúa - tôm, lúa - tôm - vịt, nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng…
Thực tiễn sinh động từ khắp 63 tỉnh, thành cho thấy sức sống mạnh mẽ của phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã và đang góp phần cơ cấu lại nền nông nghiệp, làm tươi mới làng quê mỗi ngày trên khắp đất nước.
Thứ ba, phong trào góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo cho nông dân. Phong trào đã khuyến khích, động viên nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, thi đua làm giàu, giúp các hộ nghèo về vốn, giống, ngày công lao động, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, cách sản xuất hiệu quả... Thông qua phong trào, hàng năm, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã giúp trên 200.000 hộ nghèo, trong đó đã có hơn 108.000 hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả; đóng góp xây dựng hàng nghìn căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa và giúp cho trên 1 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất(4).
Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid - 19 bùng phát mạnh trong cộng đồng, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, dưới sự vận động các cấp Hội, hưởng ứng Chương trình “Triệu phần quà, nghìn tấn nông sản nghĩa tình”, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cùng với cán bộ, hội viên, nông dân, các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp ủng hộ gần 13.000 tấn nông sản và tiền mặt, hàng hóa thiết yếu trị giá gần 210 tỷ đồng(5). Nhiều mô hình hỗ trợ hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả của nông dân(6) đã lan tỏa mạnh mẽ, đã kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, nông dân vơi bớt khó khăn trong cuộc sống, trong sản xuất, thu hoạch mùa màng.
Trong 5 năm qua, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong cả nước đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hơn 5 triệu lao động, trong đó có trên 1,5 triệu lao động có việc làm thường xuyên; hơn 3 triệu lao động có việc làm theo mùa vụ hoặc khâu công việc. Phong trào đã động viên, khuyến khích các hộ nông dân giỏi làm được hàng ngàn căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa và giúp hơn 1 triệu hộ nghèo cải thiện điều kiện nhà ở và có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất. Từ chỗ có điều kiện nâng cao thu nhập, những người nông dân giỏi trong cả nước đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng mỗi năm vào các quỹ ở địa phương.
Thứ tư, phong trào đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia. Thông qua phong trào, các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân tích cực tham gia tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; nhiều mô hình sản xuất hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị được hình thành, thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân(7); đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt bền vững để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tại các địa phương, hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã tích cực chủ động tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn: tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các đề án, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, lộ trình xây dựng; hiến đất, đóng góp ngày công, tiền của xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng, các thiết chế văn hóa; giám sát việc thực hiện các chính sách, nội dung trong quá trình xây dựng nông thôn mới...
Thứ năm, phong trào góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, giai cấp Nông dân ngày càng phát triển. Với những kết quả đã đạt được, phong trào tiếp tục có sức tập hợp, thu hút nông dân, tạo sự gắn bó ngày càng chặt chẽ giữa tổ chức Hội với hội viên, nông dân. Trong 5 năm qua, cả nước đã kết nạp được hơn 2 triệu hội viên mới, đưa số hội viên toàn quốc đến hết năm 2021 là hơn 10 triệu hội viên (chiếm hơn 70% trong tổng số hộ làm nông nghiệp). Chất lượng hội viên tiếp tục được nâng lên, sinh hoạt ngày càng chặt chẽ đi vào nền nếp. Số cơ sở hoạt động khá, vững mạnh ngày càng tăng. Các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt để xây dựng các Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp, góp phần đổi mới phương thức, nội dung hoạt động Hội, nâng cao hiệu quả công tác vận động nông dân trong tình hình mới(8).
Thông qua việc tổ chức và chỉ đạo phong trào, trình độ và năng lực thực tiễn của cán bộ các cấp Hội được nâng cao. Chất lượng hoạt động Hội được nâng lên đã góp phần tích cực vào việc xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Kết quả của phong trào đã làm gia tăng uy tín Hội Nông dân Việt Nam trong hệ thống chính trị.
Sáu nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung trong giai đoạn 2022-2027
Trong 5 năm tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước được dự báo tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen; đại dịch Covid - 19 vẫn diễn biến phức tạp; bất ổn chính trị quốc tế; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm… tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới đà phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được Việt Nam và các đối tác ký kết sẽ tiếp tục tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung, nền kinh tế nông nghiệp và đời sống nông dân nước ta nói riêng. Tiếp theo các chủ trương lớn của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được ban hành gần đây(9), các chính sách mới của Nhà nước, đặc biệt là Luật Đất đai sẽ được sửa đổi trong thời gian tới, dự báo sẽ tháo gỡ khó khăn cho người dân nói chung và nông dân nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, cơ giới hóa và tự động hóa.
Để phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn thách thức, tiếp tục đưa phong trào ngày càng phát triển, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam, các cấp Hội NDVN cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2022 - 2027:
Một là, tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Bên cạnh những giải pháp hiệu quả đã và đang thực hiện, trong điều kiện phát triển mới, các cấp Hội cần tiếp tục xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ và tổ chức Hội vững mạnh, tinh thông chuyên môn, ngang tầm nhiệm vụ; nghiên cứu vận dụng những giải pháp sáng tạo, tiết kiệm và hiệu quả, phù hợp với lộ trình số hoá nông nghiệp và khả năng số hoá công tác quản lý, điều hành.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân, tạo sức lan tỏa lớn, thu hút rộng rãi nông dân hưởng ứng và các thành phần xã hội khác tham gia, ủng hộ phong trào. Vận dụng hiệu quả các kênh truyền thông nội bộ, báo chí của Hội nói riêng và báo chí trong nước nói chung trong việc lan toả các sự kiện, hoạt động, mô hình, điển hình của Hội và phong trào nông dân; sử dụng hiệu quả truyền thông xã hội đi đôi với việc nâng cao nhận thức bảo vệ an toàn thông tin của Đảng, Nhà nước, tổ chức Hội và cán bộ, hội viên nông dân.
Ba là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bốn là, chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các đối tác tổ chức các hoạt động liên kết hợp tác, hỗ trợ nông dân, xây dựng mô hình, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững… để thúc đẩy phong trào phát triển mạnh mẽ lên tầm cao mới. Trong đó, chú trọng nhân rộng mô hình chi hội nông dân “3 trong 1” (chi hội Hội Nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp) và chi hội nông dân nghề nghiệp “5 tự, 5 cùng” (5 tự: tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm; 5 cùng: cùng chí hướng về lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cùng mối quan tâm, cùng chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng thụ).
Năm là, làm tốt công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng để đảm bảo thực hiện đúng, đủ và kịp thời các nhiệm vụ đã đề ra. Chú trọng phát hiện, hỗ trợ, động viên khích lệ kịp thời các mô hình, điển hình có tính mới, giá trị cao, bền vững và dễ nhân rộng. Nghiên cứu, cải tiến, áp dụng các hình thức bầu chọn, tôn vinh, khen thưởng phù hợp với quy định của Nhà nước và thực tiễn ngày càng sinh động của phong trào nông dân.
Sáu là, tổ chức tốt các hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo chức năng nhiệm vụ của tổ chức Hội, đề xuất xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Để phong trào tiếp tục có bước phát triển mới cả về lượng và chất trong 5 năm tới, đòi hỏi toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm đổi mới, sẵn sàng thích ứng, nâng cao năng suất lao động và giá trị nhân văn trong mỗi con người, từ đó mạnh dạn mở rộng hợp tác, sáng tạo và trách nhiệm, giúp nhau thoát nghèo và làm giàu bền vững. Các cấp Hội NDVN cần tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp uỷ Đảng có giải pháp huy động hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất kinh doanh; kịp thời động viên cán bộ, hội viên, nông dân thi đua vượt khó vươn lên, làm giàu cho gia đình và xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với các mục tiêu quan trọng mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQGHN 1995, tập 5 tr.62.
(2) Tính đến 31/5/2022, tổng dự nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội qua Hội Nông dân đạt 78.590 tỷ đồng với 1.965.452 thành viên thuộc 52.086 Tổ TK&VV; tổng dự nợ cho vay qua Tổ vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT do Hội Nông dân quản lý đạt 71.601 tỷ đồng thông qua 25.995 Tổ vay vốn với 579.030 thành viên.
(3) Tổng GDP của cả nước giai đoạn 2017-2022 đạt bình quân khoảng 5,6%/năm (năm 2017 là 6,81%, 2018 là 7,08%, 2019 là 7,02%, năm 2020: 2,91%, năm 2021 là 2,58%, năm 2022 ước đạt 7,5%). Trong đó GDP ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2022 đạt bình quân khoảng 2,77%/năm.
(4) Bình quân hàng năm các hộ nông dân SXKD giỏi đã tương trợ giúp đỡ các hộ nghèo, khó khăn với tổng số tiền hơn 3.500 tỷ đồng, gần 1 triệu ngày công lao động, hỗ trợ cây, con giống trị giá hơn 1.461 tỷ đồng.
(5) Trong đó, thông qua Chương trình “Triệu phần quà, nghìn tấn nông sản nghĩa tình” cùng cả nước vượt qua dịch bệnh Covid - 19 các cấp Hội đã vận động được tổng số tiền là 11.532.900.000 đồng; trong đó chuyển sang UBMTTQ các cấp 10.559.500.000 đồng, chuyển Quỹ Vắc-xin là 973.400.000 đồng. Tiếp nhận phần quà an sinh; vật tư thiết bị y tế; nông sản, thực phẩm, nhu yếu phẩm, quy ra tiền trị giá 25.966.600.000 đồng.
(6) Các mô hình “Tổ hỗ trợ nông vụ”, “Chuyến xe 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “Hỗ trợ mua hàng thiết yếu cho nông dân”, “Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân”, “Điểm tiêu thụ nông sản cho nông dân”…
(7) Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện nay thu nhập cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm.
(8) Hội NDVN đã thành lập mới 1.443 chi hội nông dân nghề nghiệp, nâng tổng số chi hội nông dân nghề nghiệp cả nước lên 2.101 chi hội, với 62.673 hội viên; 11.677 tổ hội nông dân nghề nghiệp, nâng tổng số tổ hội nông dân nghề nghiệp hiện nay trên phạm vi cả nước lên 24.342 tổ hội, với 341.722 hội viên.
(9) Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16-6-2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16-6-2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và nhiều đề án, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn khác.