Vai trò chủ thể của nông dân càng được thể hiện một cách sâu sắc
Để làm rõ thêm những vấn đề trên, Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh.
Vai trò chủ thể của người nông dân càng được thể hiện một cách sâu sắc
Trong xây dựng NTM, người nông dân được xác định là chủ thể hay nói cách khác, xây dựng NTM chính là làm sao để đời sống của người nông dân ngày một được nâng cao. Vai trò của chủ thể đã được thể hiện như thế nào trong chương trình xây dựng NTM, thưa bà?
Là nhân vật trung tâm của xã hội nông thôn, nông dân chính là chủ thể của mọi quá trình kinh tế - văn hóa - xã hội diễn ra ở nông thôn. Khi Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo nhân dân ta triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM thì vai trò chủ thể của người nông dân càng được thể hiện một cách sâu sắc. Theo tôi, người nông dân có những vai trò rất quan trọng trong xây dựng NTM như sau:
Thứ nhất, nông dân chủ thể nhận thức thấm nhuần chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới
Là nhân vật trung tâm và đông đảo ở nông thôn, đối với chủ trương xây dựng NTM thì không ai khác, nông dân phải là chủ thể nhận thức, quán triệt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM.
Thứ hai, nông dân là chủ thể thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế nông thôn
Là chủ thể của mọi quá trình phát triển kinh tế ở nông thôn, nông dân chính là người lựa chọn phương thức sản xuất, cách thức kinh doanh, dịch vụ; Họ vừa là người tổ chức sản xuất, người trực tiếp sản xuất vừa là người buôn bán các sản phẩm của quá trình sản xuất. Với tư cách là chủ thể của việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế nông thôn, nông dân càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong quá trình xây dựng NTM.
Thứ ba, nông dân là người thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng NTM.
Tham gia vào mọi quy trình xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn cũng là cách họ thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Đó là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi. Khi trực tiếp thực hiện các công đoạn xây dựng, rõ ràng người nông dân đã trực tiếp giám sát cả tài chính, vật tư, kết cấu, chất lượng, tiến độ công trình. Thực tế này không những ngăn chặn được sự thất thoát, lãng phi vốn và vật tư mà còn chắc chắn bảo đảm chất lượng công trình một cách tối ưu nhất.
Thứ tư, nông dân là chủ thể mọi hoạt động văn hóa, xã hội, trật tự, an ninh ở nông thôn.
Là chủ nhân của xã hội nông thôn, bao đời nay, nông dân tham gia vào muôn mặt đời sống xã hội. Họ trực tiếp tham gia vào các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, văn nghệ, an ninh, trật tự, tín ngưỡng, tôn giáo, từ thiện.
Thứ năm, nông dân có vai trò quan trọng góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở
Hệ thống chính trị cơ sở nói chung, chính quyền cơ sở nói riêng là của dân, do dân và vì dân. Nông dân có vị trí quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Họ tích cực tham gia đóng góp xây dựng sự hoạt động của chính quyền và đoàn thể các cấp. Họ tham gia góp ý, phản biện và giám sát các chủ trương, chương trình, kế hoạch hoạt động của các tổ chức, đoàn thể.
Chương trình MTQG xây dựng NTM đã và đang đạt được những kết quả “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”. Kết quả đó cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, của hội nhập toàn cầu đã và đang tạo ra một “thế hệ nông dân mới”. Xin bà cho biết quan điểm về vấn đề này thưa bà?
Hội Nông dân Việt Nam nói chung và Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh nói riêng đã và đang có nhiều hoạt động cụ thể để tiếp tục gìn giữ, phát huy, khơi dậy những phẩm chất cao đẹp của người nông dân thế hệ mới trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn và hội nhập quốc tế. Trong đó, gắn phát huy vai trò chủ thể của nông dân với xây dựng con người mới. Bởi lẽ, phát huy vai trò chủ thể của nông dân chính là xây dựng và phát huy yếu tố con người; xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa không phải là vấn đề phát triển về số lượng, mà điều cốt lõi là phải tạo cho được sự biến đổi về chất lượng chính trị của nông dân, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước.. Bên cạnh đó, còn có một vài nguyên nhân mà tôi cho rằng chúng ta đã thành công bước đầu trong việc tạo ra một “thế hệ nông dân mới”, đó là:
Một là, Đảng, Nhà nước đã kịp thời ban hành những chủ trương, chính sách đúng đắn để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; những chủ trương đó có ý nghĩa chiến lược và quyết định đến sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn như hiện nay. Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008, Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hiện nay là Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các địa phương nói chung, tỉnh Bắc Ninh nói riêng cũng đã ban hành nhiều chính sách phù hợp, tạo tiền đề, động lực quan trọng để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiêu biểu như HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND Ban hành Quy định hỗ trợ về phát triển nông nghiệp, Chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Hai là, một bộ phận không nhỏ giai cấp nông dân đã mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, không cam chịu đói nghèo, sáng tạo phát triển các mô hình kinh tế mới, có hiệu quả kinh tế cao; rất nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư, vay vốn để mở rộng sản xuất, áp dụng KHKT, công nghệ mới vào sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
Ba là, tổ chức Hội Nông dân từ trung ương đến cơ sở đã và đang phát động có hiệu quả các phong trào nông dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam ngày càng vững mạnh về mọi mặt; đặc biệt là “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Phong trào đã phát triển trở thành phong trào quần chúng sâu rộng trong tỉnh Bắc Ninh, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và nông dân tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, nhiều hộ nông dân vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành hộ khá, giàu, tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho hàng ngàn hộ nông dân. Phong trào thực sự đã phát huy tinh thần sáng tạo trong lao động sản xuất, ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào sản xuất, đạt được kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Mô hình nuôi ốc nhồi trong nhà màng của chị Nguyễn Hạnh Lê, xã Nguyệt Đức, Thuận Thành đã mang lại hiệu quả tích cực, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, mô hình có tiềm năng phát triển và cho thu nhập ổn định.
Mặc dù, đời sống của người nông dân đã không ngừng được cải thiện, song nhìn chung họ vẫn là tầng lớp chịu nhiều khó khăn, vất vả nhất. Hội đã có những việc làm thiết thực nào để tháo gỡ những khó khăn cho người nông dân hiện nay, thưa bà?
Bắc Ninh là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và là cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội. Trong những năm qua kinh tế Bắc Ninh liên tục phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và trở thành cực tăng trưởng quan trọng của Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. GRDP bình quân đầu người đứng thứ tư cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh còn 0,94%; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao... đã tác động tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để các cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc nói riêng và tổ chức Hội Nông dân triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị và công tác Hội.
Toàn tỉnh hiện có 121 cơ sở Hội với 672 chi Hội với 175.966 hội viên nông dân. Xét về mặt bằng chung đời sống của người nông dân Bắc Ninh không ngừng được cải thiện, số hộ nông dân khá giàu không ngừng tăng nhanh theo từng năm. Tuy nhiên đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thường gặp nhiều rủi ro, tác động bởi các yếu tố bên ngoài như diễn biến thời tiết bất thường, diện tích sản xuất tiếp tục bị thu hẹp; giá giống cây trồng, vật tư phân bón, thuốc BVTV duy trì ở mức cao; dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn ra rải rác, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, nhiều sản phẩm cung vượt cầu hoặc không đảm bảo về chất lượng cũng là những vấn đề mà cấp ủy, chính quyền cũng như các cấp Hội Nông dân hết sức trăn trở và chủ động tìm giải pháp tháo gỡ nhằm giảm bớt những khó khăn cho người trông dân trong sản xuất kinh doanh.
Bài toán làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho người nông dân tỉnh Bắc Ninh đã được cấp ủy, chính quyền và các cấp Hội Nông dân trả lời đó là:
Thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên nông dân, phản ảnh với cấp ủy, chính quyền nhằm có biện pháp giải quyết kịp thời.
Tổ chức các Hội nghị gặp gỡ, tọa đàm, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với hội viên nông dân.
Tham mưu triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019″ Ông Nguyễn Văn Linh - Giám đốc HTX Mỹ Linh, xã Cao Đức đã khai phá để biến vùng đất hoang hoá thành 40ha vùng đất bãi trù phú trồng và xuất khẩu 2 loại cây củ cải đường và cà rốt theo phương pháp hữu cơ sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, doanh thu đạt 9 tỷ đồng/ năm, thu lãi hơn 2 tỷ đồng.
Hỗ trợ vốn cho nông dân
Năm 2021 Ban Thường vụ Hội Nông dân đã tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2021 - 2030”. Theo đó hàng năm Ngân sách tỉnh ngân sách tỉnh cấp bổ sung tối thiếu 10 tỷ đồng, cấp huyện 300 triệu đồng. Tổng nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh Bắc Ninh đến nay đạt 126,227.066 tỷ đồng, giải ngân cho 374 dự án với 1.671 hộ vay để phát triển sản xuất kinh doanh
Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác; tính đến nay dư nợ do Hội Nông dân các cấp đang quản lý là 987,231 tỷ đồng cho 22.181 hộ vay tại 631 Tổ Tiết kiệm và vay vốn.
Hoạt động của các nguồn vốn quỹ, vốn ủy thác có hiệu quả đã góp phần làm giàu và giảm nghèo cho các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.
Hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ: Năm 2023 Hội Nông dân các cấp phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT cho 34.973 lượt hội viên tham dự. Hỗ trợ, hướng dẫn 73 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổ chức 20 lớp tập huấn cho trên 2.000 lượt hội viên về kiến thức phát triển kinh tế chi, tổ Hội nghề nghiệp; sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học trong sản xuất; ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị...
Tổ chức đào tạo nghề cho nông dân
Năm 2023 Hội trực tiếp tổ chức 8 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 276 hội viên nông dân. Tập trung vào các ngành có xu hướng phát triển, phù hợp với tình hình phát triển của tỉnh như: kỹ thuật nấu ăn, kỹ thuật trồng rau an toàn, nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật trồng và nhân giống nấm. Kết quả có 695 lượt lao động đã qua đào tạo có việc làm, giới thiệu 38 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm
Tổ chức các lớp tập huấn về “Nâng cao hiệu quả và chất lượng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”. Tổ chức 2 Chợ phiên sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP năm 2023 với 40 gian hàng.
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa; tiến hành rà soát, hỗ trợ 14 hộ đăng ký tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử POSTMART; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc cho 10 sản phẩm nông sản; hỗ trợ thủ tục tham gia chương trình OCOP cho 23 sản phẩm và nâng hạng cho 02 sản phẩm được chứng nhận 03 sao lên 04 sao.
Cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp
Đến nay, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã cung ứng 1.450 tấn phân bón các loại; cung ứng giống, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi cho hội viên phục vụ sản xuất. Trong đó, Trung tâm Dạy nghề và HTND tỉnh trực tiếp thực hiện cung ứng 420 tấn phân bón NPK các loại; 1.500 gói chế phẩm vi sinh, 30 tấn phân bón trung lượng Silic cho nông dân theo hình thức trả chậm.
Hỗ trợ nông dân khởi nghiệp
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo HND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 03-ĐA/HNDTW ngày 12/7/2020 của Ban Thường vụ Trung ương Hội về Nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, giai đoạn 2020-2025.
Tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý
Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân; phối hợp, tham gia hoà giải, giải quyết đơn thư kiến nghị, tranh chấp trong nội bộ nông dân, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Kết quả, tổ chức 91 buổi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho 9.235 hội viên, nông dân.
Thông qua các hoạt động trên của Hội Nông dân tỉnh đã góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tháo gỡ các khó khăn, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống tinh thần, vật chất của hội viên nông dân. Góp phần khơi dậy nông dân khát vọng vươn lên phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương theo hướng văn minh hiện đại.
Lãnh đạo HND tỉnh Bắc Ninh - HND huyện Tiên Du bàn giao Ngôi nhà nghĩa tình nông dân cho gia đình Hội viên Nguyễn Thị Phúc, xã Tân Chi, huyện Tiên Du.
Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là một nguồn vốn không lớn, nhưng đã và đang hỗ trợ rất kịp thời cho người nông dân. Xin Bà cho biết khái quát về tính hiệu quả, cũng như những bất cập còn tồn tại từ chương trình này cũng như các kiến nghị, giải pháp để tháo gỡ?
Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân không chỉ giúp các hộ hội viên nông dân, tổ hợp tác phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh có thêm thu nhập, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, cải thiện cuộc sống mà còn giúp thay đổi phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, qua đó góp phần thúc đẩy cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời phát huy có hiệu quả các tiềm năng sẵn có của địa phương và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn, tạo niềm tin cho cán bộ hội viên nông dân thu hút được nhiều hội viên tham gia vào tổ chức Hội.
Qua thực tế hoạt động của Quỹ HTND tại tỉnh Bắc Ninh, tôi nhận thấy tăng trưởng vốn còn thấp, số tiền cho vay đối với một hộ còn ít, các mô hình xây dựng còn nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác. Cán bộ làm công tác quản lý Quỹ còn kiêm nhiệm, công tác kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên, chưa có phần mềm quản lý Quỹ. Chế độ thông tin báo cáo của Quỹ cấp huyện còn chậm nên ảnh hưởng tới các tác quản lý, điều hành.
Từ thực tiễn trên tại Bắc Ninh, tôi xin đề xuất một vài giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động về mục đích, ý nghĩa hoạt động của Quỹ nhằm tranh thủ sự ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho hoạt động của Quỹ.
Thứ hai, đa dạng hoá hình thức huy động vốn, khuyến khích và nhân rộng mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả của cán bộ chuyên môn trong quá trình huy động tăng trưởng nguồn vốn. Tăng mức cho vay đối với mỗi hộ dân, giảm phí, quy trình cách thức, thủ tục cho vay cần đơn giản hơn.
Thứ ba, nâng cao vai trò trách nhiệm của Ban Điều hành, Ban Kiểm soát trong việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách và giám sát hoạt động Quỹ. Thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ được phân công công quản lý Quỹ.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ.
Thứ năm, ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện hơn trong quản lý và điều hành hoạt động của Quỹ.
Nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp Hợp tác xã sản xuất rau củ quả nông sản an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh vượt qua giai đoạn khó khăn và trở thành Hợp tác xã điển hình trong việc sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Chương trình OCOP có tác động tích cực đối với phong trào của Hội Nông dân cơ sở
Chương trình OCOP đang được nhiều địa phương triển khai rất hiệu quả, xin bà cho biết, vai trò của HND tỉnh Bắc Ninh trong việc triển khai chương trình trên?
Từ năm 2021, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đến nay toàn tỉnh đã có 93 sản phẩm được công nhận OCOP và phân hạng chủ yếu 3 sao, 4 sao; để thực hiện chủ trương, chính sách đó, hàng năm Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và phối hợp tổ chức tập huấn chương trình OCOP đến cán bộ, hội viên nông dân; đồng thời tổ chức thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân tiếp cận và tham gia Chương trình OCOP như tổ chức các lớp đào tạo nghề về sản xuất nông nghiệp an toàn; tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế trang trại; Tọa đàm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Chợ phiên nông sản an toàn, trưng bày sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP; kết nối doanh nghiệp với nông dân để tiêu thụ sản phẩm OCOP; Hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ; Hỗ trợ nông dân tham gia các chương trình về chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo; Hỗ trợ nông dân về quy trình, hồ sơ, thủ tục xây dựng thương hiệu sản phẩm và đăng ký tham gia chương trình OCOP…
Qua các hoạt động đó của Hội Nông dân đã góp phần đáng kể vào sự thành công của Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, khẳng định được vai trò của Hội Nông dân trong việc triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Tác giả trao đổi với bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh
Ngoài mục đích phát triển kinh tế, Chương trình OCOP còn có ý nghĩa trong giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở khu vực nông thôn, như vấn đề giải quyết việc làm, an sinh xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy giá trị văn hóa truyền thống… Với những ý nghĩa về kinh tế và xã hội đó, Chương trình OCOP có tác động tích cực đối với phong trào của Hội Nông dân cơ sở. Chương trình OCOP được triển khai hiệu quả sẽ tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu, có chất lượng cao đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Từ đó góp phần thúc đẩy phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Chương trình OCOP sẽ khuyến khích các hộ nông dân phát triển sản xuất, đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và kiến thức tiếp cận thị trường; hình thành các tổ chức liên kết sản xuất là cơ sở thành lập các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tiến tới xây dựng Hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển./.
Trân trọng cảm ơn Bà!
“Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương” .