Nông dân Hà Giang làm giàu từ cây Giang
Cây Giang là loại cây thuộc họ nhà tre có nhiều công dụng như: Thân cây thường được dùng làm lạt buộc hoặc bện thành dây thừng. Lá Giang có thể làm vỏ các loại bánh và lót đĩa trang trí các loại thức ăn; đặc biệt, lá giang khi được sấy khô có mùi rất thơm đặc trưng nên được các nhà hàng khách sạn của Trung Quốc rất thích và lựa chọn để kết hợp với các món ăn; lá Giang cũng là mặt xuất khẩu cho các công ty, doanh nghiệp ở Trung Quốc chế tác hàng thủ công mỹ nghệ, làm túi, hộp đựng đồ….
Cây Giang vốn là cây trồng bản địa ở tỉnh Hà Giang, trước đây để xoá đói giảm nghèo nhiều hộ gia đình ở huyện Vị Xuyên, Bắc Quang đã lên những cánh rừng để thu hái lá Giang về bán cho thương lái kiếm thu nhập, chính vì vậy cây Giang trên rừng ngày càng cạn kiệt.
Từ đó nhiều hộ gia đình ở các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên đã chủ động tìm kiếm và đưa những cây Giang trên rừng về vườn, đồi của gia đình để trồng lấy lá.
Những năm trước 2021, gia đình chị Phàn Thị Khộ ở xã Thượng Sơn (huyện Vị Xuyên) là 1 trong số những gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã, nhưng những năm trở lại đây do đã phát triển trồng cây Giang để lấy lá mà gia đình chị Khộ đã thoát khỏi diện hộ nghèo.
Chị Khộ cho hay: Trước đây kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, chỉ biết trông vào cây ngô, cây lúa nhưng nhờ có chính sách cải tạo vườn tạp theo Nghị Quyết 05 – NQ/TU của tỉnh Hà Giang, gia đình tôi đã mạnh dạn đưa cây Giang về để trồng trên diện tích đất 4.000m2 vườn nhà. Sau hơn 1 năm trồng, cây Giang đã bắt đầu cho thu lá, với giá từ 10-12.000 đồng/kg tuỳ từng thời điểm, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định.
Không chỉ việc trồng cây Giang để lấy lá đem lại thu nhập cao, từ những lợi ích kinh tế mà cây Giang đem lại, nhiều hộ gia đình ở huyện Bắc Quang đã phát triển thêm nghề ươm giống cây Giang để bán, gia đình ông Thèn Văn Lương ở xã Đồng Tâm (huyện Bắc Quang) là một điển hình.
Ông Lương cho hay: Nhận thấy nhiều hộ gia đình trồng cây Giang để lấy lá bán, nhu cầu về giống cây Giang lớn gia đình tôi đã phát triển nghề ươm cây Giang giống, hiện nay gia đình tôi đang có vườn ươm giống cây Giang với tổng diện tích trên 3.000m2. Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm gia đình tôi đều ươm khoảng trên 8 vạn cây Giang giống, phục vụ cho các hộ có nhu cầu trồng cây Giang tại địa phương và các tỉnh như (Lai Châu, Phú Thọ, Đắc Lắk…). Với giá cây Giang giống giao động từ 5.000 – 10.000 đồng/bầu. Ước tổng thu nhập sau khi trừ chi phí của gia đình cũng được trên 250 triệu đồng mỗi năm.
Theo các nhà vườn ở Hà Giang, cây Giang có một điểm khá đặc biệt là càng hái các lá to già đi thì cây càng phát triển và ra thêm nhiều lá mới. Lá to thu hái để bán cho thương lái, HTX, doanh nghiệp sấy còn lá nhỏ bà con làm thức ăn cho trâu, bò...
Cây Giang trồng không chỉ giúp người dân vươn lên làm giàu, việc phát triển cây Giang còn góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, đảm bảo khí hậu ôn hòa cho người dân, giảm lũ lụt, hạn hán, bảo vệ nguồn nước, cải thiện chất đất.
Hiện nay việc trồng cây Giang tại các vườn nhà ở các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên của Hà Giang cũng không mất nhiều công chăm sóc như những cây trồng khác, chính vì vậy người dân cũng đang tích cực trồng cây Giang. Mỗi năm cây Giang có thể cho thu lá từ 6-7 lần và được thương lái vào tận vườn để thu mua.
Cùng với đó ngày càng xuất hiện thêm nhiều cơ sở thu mua, chế biến lá Giang tại địa phương cũng như các tỉnh lân cận, kéo theo đó là một bộ phận không nhỏ lao động nông thôn đã được giải quyết việc làm lúc nông nhàn, đem lại thu nhập lớn cho bà con nông dân.
Từ thực tế cho thấy, việc trồng cây Giang ở huyện Bắc Quang, Vị Xuyên đã mang lại lợi ích về kinh tế cho người dân, tạo công ăn việc làm cho lao động ở địa phương. Tuy nhiên, để cây Giang phát triển và đảm bảo tính bền vững, thì chính quyền các địa phương và các đơn vị liên quan cần phối hợp để người dân hiểu và tích cực phát triển cây Giang theo chuỗi liên kết từ việc ươm giống-trồng-chế biết-xuất khẩu để đem lại giá trị cao hơn.