Giáo dục - hướng nghiệp

Nông dân Hà Giang thoát nghèo nhờ học nghề

Mai Ngọc - 07:10 08/12/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Thời gian qua, Hội Nông dân (ND) tỉnh Hà Giang đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề cho ND, qua đó giúp hội viên ND thoát nghèo và nâng cao thu nhập. Tại các lớp đào tạo nghề cho ND ở Hà Giang, các học viên được học lý thuyết gắn với thực hành ở trang trại, ruộng đồng.
Mô hình nuôi gà xương đen của anh Hà Ngọc Dân (bìa trái) ở thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ, Hà Giang) là một trong những điển hình nông dân trẻ ở địa phương. Ảnh: Vương Mai

Nông dân nâng cao thu nhập nhờ học nghề bài bản

Với mô hình nuôi gà xương đen, lợn cắp nách, bò sinh sản, anh Hà Ngọc Dân (sinh năm 1990, dân tộc Tày) ở thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ, Hà Giang) là một trong những điển hình ND trẻ ở địa phương. 

Anh Hà Ngọc Dân cho biết: Trước đây, khi anh mới bắt tay vào chăn nuôi, do còn thiếu kinh nghiệm nên đàn gà, đàn lợn, đàn bò hay bị bệnh, hiệu quả thấp. Nhờ tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y do các cấp Hội ND tổ chức, anh được hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, cách phòng bệnh cho đàn gà, đàn lợn, anh đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi.

“Gà xương đen là giống gà đặc sản ở cao nguyên đá Hà Giang. Trong quá trình nuôi gà xương đen, phải chọn giống tốt, tiêm phòng định kỳ, cho ăn đều, bổ sung thêm ngô, cám gạo. Ngoài ra, gà được thả trên đồi, tự bới tìm thêm sâu bọ, ăn thêm rau, cỏ nên thịt thơm ngon. Trung bình, một năm tôi xuất bán trên 800 con gà xương đen”- Anh Dân nói.
Về mô hình nuôi bò vỗ béo, trong chuồng bò của anh Dân luôn duy trì có khoảng 10 con bò, trong đó có 5 con cái. Sau khi bò sinh sản, anh vỗ béo và nuôi khoảng 7 đến 8 tháng là xuất chuồng. Trung bình một năm anh xuất bán trên 6 con, mỗi con trị giá trên 15 triệu đồng. Ngoài ra, anh Dân còn nuôi thêm 8 con lợn thịt và trên 60 lợn “cắp nách”… Trung bình một năm, trừ các khoản chi phí anh thu nhập trên 100 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi gà xương đen, nuôi bò vỗ béo, lợn cắp nách…

Vừa qua, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ ND, Hội ND tỉnh Hà Giang cũng đã mở lớp dạy nghề nuôi và phòng, trị bệnh cho lợn ở xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang), nơi có nhiều hộ nuôi lợn với số lượng đàn lớn từ 10 - 40 con. Tại lớp học nghề, các giảng viên đã giảng về cách lựa chọn con giống, loại thức ăn phù hợp, có giá trị kinh tế; cách xử lý chất thải chăn nuôi để tận dụng làm phân bón cho cây lạc; những thắc mắc về từng giai đoạn phát triển của đàn lợn được giải đáp. 

Bà Hoàng Thị Điền, học viên ở thôn Vĩnh Gia, chia sẻ: “Gia đình nuôi 20 con lợn, sau khóa học, tôi đã biết áp dụng vào phòng, trừ bệnh cho đàn lợn. Tôi còn được hướng dẫn xử lý chất thải, khử mùi hôi và tận dụng làm phân bón”. Nhờ bám sát quá trình chăn nuôi, thời vụ trồng cấy ở địa phương, các lớp dạy nghề đều đạt hiệu quả thực tiễn. 

Anh Hoàng Cao Thế, Chủ tịch Hội ND xã Vĩnh Phúc, cho biết: “Kết thúc lớp dạy nuôi và phòng, trị bệnh cho lợn, Hội tiếp tục đăng ký thêm các lớp học trồng lúa năng suất cao, vì xã cũng là vùng trồng lúa, nhiều hội viên có nhu cầu học...”.

Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề

Ông Trần Xuân Thuỷ - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Giang cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 115.358 hội viên ND. Để đồng hành cùng hội viên ND phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ giúp ND như: Hỗ trợ vốn, cung ứng vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức dạy nghề, hỗ trợ thông tin, chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm và tiêu thụ nông sản; vận động, hướng dẫn ND tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất; vận động các tổ chức, cá nhân xây dựng mái ấm cho hội viên ND nghèo. 

Trong năm 2022, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ dạy nghề cho ND phát triển sản xuất kinh doanh cũng được các cấp Hội thực hiện hiệu quả. Các cấp Hội ND trong tỉnh Hà Giang đã phối hợp tổ chức các Hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho trên 7.300 lượt người; giới thiệu việc làm thành công cho trên 1.500 người. 

Các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng giải quyết việc làm cho 17.566 lao động nông thôn (trong đó tại địa phương là 3.700 lao động; đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động là 13.866 người). 

Song song với việc đào tạo nghề, khi hội viên ND bắt tay vào thực hiện phát triển kinh tế từ lớp đào tạo nghề, các cấp Hội ND thường xuyên phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, phân bón, cây, con giống. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Quỹ Hỗ trợ ND các cấp tỉnh Hà Giang đã giải ngân cho 423 hộ vay vốn với tổng số tiền trên 8,4 tỷ đồng. Phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện tốt chương trình ủy thác cho vay, tạo điều kiện cho các hộ ND tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay do Hội quản lý là hơn 1.074 tỷ đồng với hơn 23.349 hộ vay.

Bên cạnh đó, với mục đích xây dựng “mái nhà” chung để hội viên ND trao đổi kinh nghiệm, học hỏi cách làm ăn, gắn bó, liên kết để phát triển thế mạnh của địa phương theo hướng bền vững, cùng giúp nhau làm giàu, các cấp Hội xây dựng kế hoạch thành lập mới được 11 chi hội và 71 Tổ hội ND nghề nghiệp. 

Tính đến nay, tỉnh Hà Giang có 82 chi hội và 334 Tổ hội ND nghề nghiệp với 4.544 thành viên tham gia. Trong đó, có nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình liên kết trồng gừng xuất khẩu sang Nhật Bản, liên kết trồng củ cải và rau hữu cơ tại huyện Xín Mần; mô hình liên kết trồng và thu mua sản phẩm từ cây gừng, phương án trồng rau bắp cải vụ sớm, hỗ trợ trồng rau, hoa theo chuỗi giá trị tại huyện Vị Xuyên; mô hình trồng dâu Tây, bắp cải vụ Xuân - Hè tại huyện Đồng Văn; mô hình sản xuất gạo hữu cơ, liên kết trồng cây bí ngô, trồng sả gắn với chưng cất tinh dầu tại huyện Bắc Quang… Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho ND.

Nhờ được hỗ trợ, đào tạo bài bản, ND Hà Giang đã tích cực tham gia các phong trào do Hội ND phát động, nhất là phong trào ND thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi. Năm 2022, các cấp Hội ND tỉnh Hà Giang đã vận động trên 68.000 hộ (chiếm 60% tổng số hộ hội viên ND) đăng ký hộ ND thi đua SXKD giỏi; tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, ND sản xuất theo hướng chuyên canh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật để mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Trong năm 2022, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ dạy nghề cho ND phát triển sản xuất kinh doanh cũng được các cấp Hội thực hiện hiệu quả. Các cấp Hội ND trong tỉnh Hà Giang đã phối hợp tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho trên 7.300 lượt người; giới thiệu việc làm thành công cho trên 1.500 người. Các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng giải quyết việc làm cho 17.566 lao động nông thôn (trong đó tại địa phương là 3.700 lao động; đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động là 13.866 người).
Theo Hội ND Hà Giang. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác