Nông dân Hà Tĩnh thoát khỏi “cái bóng” của mình nhờ đổi mới tư duy
Phát triển trên diện tích tập trung
Tham gia với đoàn công tác Hội Nông dân 14 tỉnh thành về dự giao ban công tác Hội và phong trào nông dân sáu tháng đầu năm 2024 - Cụm thi đua số 2 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, diễn ra tại Hà Tĩnh vào trung tuần tháng sáu vừa qua, chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nuôi trồng thuỷ sản kết hợp du lịch trải nghiệm ở thôn Trang Liên Nhật, xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh. Nhờ đổi mới tư duy, nỗ lực vượt khó, vươn lên, anh Nguyễn Hữu Quyền - Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Liên Nhật đã biến cánh đồng bỏ hoang thành điểm đến tham quan, học hỏi xây dựng mô hình.
Đươc biết, ở một số địa phương tại Hà Tĩnh, nhiều người dân dần bỏ hoang đồng ruộng do trồng lúa lúc được, lúc mất, hiệu quả kinh tế không đáng là bao. Nhận ra “vấn đề”, từ năm 2021, được sự đồng ý của UBND thành phố Hà Tĩnh, HTX Liên Nhật đã vận động các hộ có đất liền kề tham gia vào tổ hợp tác, tiến hành phá bờ, mở rộng theo chính sách tích tụ ruộng đất khoảng 5 ha, huy động vốn đầu tư để vừa trồng lúa, kết hợp nuôi xen canh cá, tôm càng xanh theo hướng hữu cơ; trồng hoa tạo cảnh quan thu hút khách du lịch trải nghiệm.
Để có được mô hình vạn người mê như hôm nay, anh Nguyễn Hữu Quyền, chia sẽ: Từ diện tích ruộng manh mún, bờ thấp, bờ cao, lại nằm ở vùng trũng thì việc “vung tiền” đầu tư làm nông nghiệp chắc ít ai dám nghĩ. Thế nhưng, sau khi được san ủi bằng phẳng thành vùng sản xuất tập trung mới thấy được tiềm năng thực sự, nhận ra cái cần đầu tư.
Nói về đổi mới tư duy trong làm nông nghiệp của người dân, ông Lê Quang Đức- Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh phấn khởi, cho biết: Phát triển nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch của HTX Liên Nhật đã cho người dân TP Hà Tĩnh và các vùng lân cận được trải nghiệm và tận mắt chứng kiến cách làm mới. Đáng nói, cái quý nhất không chỉ là hiệu quả kinh tế mà còn là sức khỏe của bà con không bị ảnh hưởng bởi thuốc hóa học và môi trường đồng ruộng được trong lành.
Với cách làm này đã cho thấy hiệu quả rõ nét, khi chi phí sản xuất giảm, năng suất, sản lượng tăng; quan trọng nhất, bà con tiết kiệm tối đa sức lao động, tăng thu nhập, thân thiện với môi trường. Được biết, tính riêng vụ mùa thu hoạch đầu tiên, năng suất lúa của HTX Liên Nhật đạt khoảng gần 5 tấn/ha; các loại cá và tôm càng xanh, đạt khoảng 6 tấn/vụ, doanh thu khoảng trên 400 triệu đồng.
Nhận thấy tín hiệu tích cực từ cách làm mới trong phát triển nông nghiệp, thời gian qua, UBND thành phố Hà Tĩnh đã có chủ trương nhân rộng. Để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, TP Hà Tĩnh đã tiến hành tích tụ ruộng đất, xây dựng các mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi trồng thủy sản ở diện tích tập trung.
Ứng dụng khoa học công nghệ để tăng giá trị nông nghiệp
Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có tỷ lệ sản xuất nông nghiệp cao, đời sống của bà con nhân dân phụ thuộc vào nông nghiệp khá lớn, đi kèm với đó hình thức chăn nuôi, trồng trọt theo truyền thống gây ra những tác động xấu đến môi trường, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế không cao. Chính vì vậy, thay đổi tư duy phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên diện tích tập trung, bên cạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất được xem là hướng đi mới với nhiều kỳ vọng.
Từ thực tế, thời gian qua, Hà Tĩnh đã đẩy mạnh xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Trong đó, kết quả cho thấy nhiều sản phẩm của địa phương được nâng cao giá trị nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.
Một số mô hình sản xuất đang được triển khai, áp dụng hiệu quả trên địa bàn như: Lan hồ điệp, sâm bố chính ứng dụng công nghệ cao cho năng suất tốt; nuôi tôm càng xanh ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo; Mô hình trồng rau an toàn; Mô hình phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch mang lại giá trí gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống…
Trong số đó, phải kể đến mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất lan hồ điệp có diện tích 2.500m2 tại xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, do Công ty TNHH Trí Đức Hà Tĩnh thực hiện từ cuối năm 2022. Mô hình được đầu tư công nghệ tự động hoá trong sản xuất, trong đó nhiều thiết bị tự động đo bằng cảm biến và điều chỉnh ánh sáng, độ ẩm không khí, độ ẩm giá thể theo thông số tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhờ ứng dụng công nghệ, trong vụ sản xuất đầu tiên năm 2023, có hơn 60.000 cây lan hồ điệp phát triển tốt (tỷ lệ trên 97%), được thị trường đón nhận, đánh giá cao về chất lượng, mang lại lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng.
Tổng hợp của Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, trong sáu tháng đầu năm 2024, ngành nông nghiệp tăng 2,29%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn tỉnh; ngành thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm. Theo ông Võ Trọng Hải- Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Việc đưa Khoa học và Công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, tăng tính ổn định, giảm dần việc phụ thuộc vào thời tiết trong sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác.
Từ thực tế, những hiệu quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải khẳng định, sự năng động, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ triển khai các mô hình, dự án sản xuất của doanh nghiệp, nông dân đang dần tạo nên sức sống mới. Mặt khác, yêu cầu các đơn vị, địa phương tạo điều kiện cho người dân mở rộng quy mô và nhân rộng các mô hình hiệu quả.
Trong chuyến công tác tại Hà Tĩnh, tham quan một số mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh cao cách làm sáng tạo của Hà Tĩnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân. Trong đó, ấn tượng việc TP Hà Tĩnh xây dựng các dự án nông nghiệp đô thị theo hướng xanh, đa giá trị, lợi ích trên tinh thần lấy hợp tác xã làm nòng cốt để liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, người sản xuất với người tiêu dùng là hướng đi hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển bền vững./.