Nông dân liên kết làm giàu từ trồng cây ăn quả, nuôi dê
Liên kết trong nhiều lĩnh vực
Nhận thấy tiềm năng vượt trội của cây măng cụt, Hội Nông dân xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên đã mạnh dạn đăng ký và xây dựng mô hình dân vận khéo “Chi hội Nông dân trồng cây măng cụt phát triển theo hướng thương hiệu”. Qua quá trình thực hiện, đã vận động được nhiều hộ nông dân tham gia, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng từ thu nhập trái măng cụt theo hướng thương hiệu.
Để làm được điều đó, Hội Nông dân xã Đức Phổ tuyên truyền, vận động trên 65 hộ hội viên cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng theo hướng VietGAP với diện tích 45ha, trong đó, riêng cây măng cụt là 25ha; phối hợp với các cơ quan chuyên môn khảo sát, quy hoạch 28ha vùng trồng chuyên canh măng cụt. Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức 3 buổi tuyên truyền, cập nhật các thông tin về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây măng cụt... cho hơn 259 lượt hội viên tham gia.
Đến nay, Chi hội Nông dân trồng cây măng cụt phát triển theo hướng thương hiệu đã thu hút 82 hộ tham gia, với diện tích khoảng 47ha và tiếp tục vận động triển khai trong toàn xã. Người nông dân sau khi được trang bị các kiến thức về kỹ thuật trồng, quy trình chăm sóc cây theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất cây trồng ngày một tăng cao, được hỗ trợ từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ trái măng cụt với giá bình quân 35 - 45 ngàn đồng/kg; năng suất từ 6 - 7 tấn/ha, thu nhập bình quân mỗi hộ khoảng 315 triệu đồng/ha. Ngoài ra, các hộ trồng xen canh với các loại cây khác nên thu nhập bình quân mỗi hộ dao động từ 450 - 500 triệu đồng/ha.
Tương tự, mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi dê xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà cũng được đánh giá cao với những hiệu quả kinh tế mang lại. Ông Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đan Phượng cho biết: 7 thành viên của Tổ hợp tác chăn nuôi dê xã Đan Phượng đều là các nông dân trẻ, năng động, sản xuất giỏi, thu nhập cao; đồng thời, hoạt động Hội rất nhiệt tình, đóng góp cho phong trào nông dân.
“Tổ hợp tác chăn nuôi dê hoạt động thực sự hiệu quả, hỗ trợ thành viên chăn nuôi tốt cũng như đầu ra ổn định, là mô hình kinh tế hợp tác tiêu biểu của nông dân Đan Phượng”- ông Thông nói.
Hướng tới bài bản
Anh Trần Văn Cao, Chi hội trưởng Chi hội nông dân đồng thời là Tổ trưởng tổ hợp tác xã Đan Phượng cho biết: Tổ hợp tác được Hội Nông dân thành lập từ năm 2014. Đến nay, tổ có 7 thành viên, với trên 200 đầu dê giống. Các thành viên hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăm sóc, đỡ đẻ cho dê sinh sản, đổi giống, đổi con đực cho nhau để làm đa dạng nguồn gen. Đặc biệt, tổ còn lên kế hoạch xuất bán cho phù hợp, nhà có bù đắp cho nhà thiếu, lúc nào cũng có dê thịt, dê giống phục vụ khách hàng.
“Vì vốn đầu tư ban đầu không cao, lại chăn nuôi dễ, thu nhập tốt nên sắp tới, tổ sẽ kết nạp thêm một số thành viên trẻ, cùng hợp tác phát triển đàn dê lai” - anh Cao nói.
Là thành viên tổ hợp tác chăn nuôi dê xã Đan Phượng, anh Phạm Phú Khánh ở thôn An Bình có chuồng dê lai 30 con. Anh Khánh nói: “Đây là giống dê Bách Thảo lai với Boer, một giống dê rất thích hợp để chăn nuôi ở các vùng như Đan Phượng chúng tôi. Dễ chăm, nhanh lớn, thu nhập tốt là đặc điểm của giống dê này”.
Cũng theo anh Khánh cho biết, dê lai ăn khá ít, chủ yếu là ăn cỏ, bắp nghiền với lượng 3-4kg cỏ, 3 lạng bắp/ngày. Anh Khánh chỉ trồng 1 sào cỏ voi, kiếm thêm thức ăn xanh thô ngoài đồng và thêm vài bao bắp nghiền là đủ cho đàn dê phát triển. Dê được thả tự do, có thể ra sân ngoài trời chạy nhảy nên khỏe mạnh, gần như không bị bệnh và rất nhanh lớn.
Anh Khánh chia sẻ: “Giá thịt dê lai là 100-115 ngàn đồng/kg, một con dê có thể nặng tới 40 - 50kg, giá mấy triệu bạc. Chưa kể nhiều khách mua dê giống giá 140 ngàn đồng/kg, nuôi cặp dê vài ba tháng là có chục triệu. Nuôi dê thực sự rất hiệu quả, lại có lượng phân bón để sử dụng cho vườn cà phê”.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, tỉnh Lâm Đồng có 460 hợp tác xã, 4 Liên hiệp hợp tác xã, 372 tổ hợp tác (trong số 460 hợp tác xã có 359 hợp tác xã nông nghiệp).
Ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết: Để nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ về nguồn vốn vay, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư có uy tín, chất lượng cho hội viên...
Những năm qua, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức hàng trăm buổi tập huấn, chuyển giao KHKT về quy trình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap; kỹ thuật sử dụng phân bón; hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học an toàn và hiệu quả; kỹ thuật chăn nuôi và phòng, điều trị bệnh cho gia súc, nuôi trồng thủy sản; cách bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch cho các hộ vay vốn trên địa bàn. Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh ưu tiên đầu tư vào những đơn vị đã thành lập tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả. Tính tới hết tháng 4/2022, Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh Lâm Đồng đạt trên 58 tỷ đồng.
Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Lâm Đồng tiếp tục duy trì, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể. Vận động, hướng dẫn nông dân liên kết, hợp tác theo các nhóm hộ trong sản xuất cùng một loại sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
“Các thành viên hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăm sóc, đỡ đẻ cho dê sinh sản, đổi giống, đổi con đực cho nhau để làm đa dạng nguồn gen. Đặc biệt, tổ còn lên kế hoạch xuất bán cho phù hợp, nhà có bù đắp cho nhà thiếu, lúc nào cũng có dê thịt, dê giống phục vụ khách hàng”
Anh Trần Văn Cao, Chi hội trưởng Chi hội nông dân, Tổ trưởng tổ HTX Đan Phượng.