Được thành lập từ năm 2011, Hợp tác xã rau an toàn Tự Nhiên (bản Tự Nhiên, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) tập hợp nhiều hộ nông dân sản xuất có kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác rau màu. Khi hợp tác xã mới hoạt động, bà con vẫn còn quen với cách thức canh tác truyền thống, chỉ trồng ngô và xen canh một vài loại rau màu khác trên nương rẫy. Để vận động bà con thay đổi tư duy sản xuất, trồng rau theo quy trình VietGAP, bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Tự Nhiên chủ động mày mò, tìm hiểu kỹ thuật sản xuất RAT, thử nghiệm trên ruộng nhà mình rồi trực tiếp “cầm tay chỉ việc” hỗ trợ bà con làm quen với quy trình sản xuất mới.
Dần dần, mô hình trồng rau ứng dụng kỹ thuật RAT đi vào hoạt động ổn định; trồng theo quy trình mới, giá trị cây rau gia tăng, thu nhập của các thành viên trong hợp tác xã cũng cải thiện đáng kể.
Giới thiệu về mô hình sản xuất của hợp tác xã, bà Luyến tự hào: “Sau hơn 10 năm phát triển, hợp tác xã chúng tôi đã có 38 hộ thành viên với 25ha diện tích hoa màu được trồng theo hướng hữu cơ. Hoa màu được chúng tôi chuyển đổi theo mùa vụ, mùa nào thức nấy. Mỗi năm chúng tôi trồng khoảng 30 giống rau, củ, quả khác nhau. Nhờ những kết nối trên internet, mạng xã hội và những liên kết khác, chúng tôi cung cấp lên đến 1.700 tấn rau màu cho các hệ thống siêu thị như Metro, Big C, AEON… và các cửa hàng tiện ích trong và ngoài tỉnh. 2 sản phẩm là khoai tây và cà chua của hợp tác xã đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao”.
Những thành tựu hôm nay của Hợp tác xã rau an toàn Tự Nhiên là kết quả của sự nỗ lực trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số. Để cải thiện năng suất cây trồng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, các thành viên trong hợp tác xã đã đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính; “cơ giới hóa” quy trình sản xuất, thu hoạch; lắp đặt các thiết bị, hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun sương để sản xuất hàng nghìn tấn rau, củ, quả đạt chuẩn VietGAP… Nông sản sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế, đóng bao bì, gắn mã QRcode truy xuất nguồn gốc.
Bảo đảm quy trình sản xuất rau an toàn, các xã viên của hợp tác xã rau an toàn Tự Nhiên đều được tập huấn kỹ thuật và công nghệ trồng rau, có sổ ghi chép đầy đủ quy trình sản xuất, như: ngày bón phân, loại thuốc phun, ngày cách ly… Thương hiệu nông sản của hợp tác xã được “phủ sóng” đa kênh, qua các website, Facebook, Zalo, báo, đài và trang tin khác… Xây dựng được uy tín trên thị trường, hàng năm, trừ chi phí, hợp tác xã thu về 500 triệu đồng/ha sản xuất.
Cùng với Hợp tác xã rau an toàn Tự Nhiên, Hợp tác xã nông nghiệp Dũng Tiến (xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) cũng là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ đạt hiệu quả cao của huyện. Hợp tác xã canh tác các loại rau, củ, quả như bắp cải, cà chua, su su, bí đỏ, đậu cove…, cung cấp nông sản cho các thị trường trong và ngoài nước nước. Hiện nay, hợp tác xã tập trung mở rộng diện tích cà chua cherry (cà chua bi) dựa trên những kỹ thuật công nghệ được cán bộ Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam hướng dẫn, tập huấn.
Để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, hợp tác xã luôn chú trọng đảm bảo tiêu chí an toàn, chất lượng, các sản phẩm được sản xuất theo quy trình đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. Khâu tưới nước, phun thuốc trong chăm sóc rau, củ, quả của hợp tác xã đã được tự động hóa 100%, sử dụng công nghệ tưới phun sương, tưới nhỏ giọt để tối ưu nguồn nhân lực. Tất cả các hộ thành viên của hợp tác xã đều có điện thoại thông minh để quản lý hệ thống tưới tiêu, cập nhật thông tin sản phẩm.
Nông sản được đảm bảo chất lượng từ đầu vào, được chăm bón theo đúng chu trình, kỹ thuật. Sản phẩm đầu ra được quản lý bằng mã vạch truy xuất nguồn gốc, các thông tin về sản phẩm như nơi trồng, thời gian thu hoạch được cập nhật đầy đủ, được bảo quản trong kho lạnh trước khi vận chuyển...
Nhờ ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, năng suất, chất lượng nông sản được nâng cao. Ông Kim Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Dũng Tiến cho biết: “Nếu tính cả các hộ liên kết, hợp tác xã chúng tôi có khoảng 20 ha rau, củ quả đạt chuẩn VIETGAP, trong đó có 2ha là nhà kính, nhà lưới, hiện đang chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ. Các sản phẩm sản xuất ra đảm bảo các tiêu chuẩn sạch, an toàn, mẫu mã đẹp, được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng.
Đến nay, hợp tác xã chúng tôi đã liên kết với nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, trở thành một đầu mối cung cấp rau, củ, quả sạch. Năm ngoái được mùa, chúng tôi đã xuất khẩu 80 tấn bắp cải và các loại rau, củ khác sang Đài Loan. Đây là kết quả sau khi đã áp dụng khoa học công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất”.
Theo ông Dũng, các xã viên của Hợp tác xã nông nghiệp Dũng Tiến đã được tham gia nhiều buổi tập huấn của Hội Nông dân huyện, tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu… về chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Hợp tác FAO hỗ trợ cải tạo và tối ưu hóa diện tích cây trồng. Nhờ vậy, trung bình mỗi năm, hợp tác xã thu được từ 400 triệu đồng/ha, trở thành một trong những mô hình sản xuất tiêu biểu của huyện Mộc Châu, được nhiều đoàn công tác trong và ngoài nước tham quan, học hỏi.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mộc Châu đã xây dựng Đề án số 01-ĐA/HU ngày 15/3/2021 về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025.
Theo đó, huyện Mộc Châu đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai. Thường xuyên, quyết liệt trong công tác chỉ đạo và kiểm tra các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ cao và sản xuất hữu cơ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Sau 2 năm triển khai Đề án, cuối năm 2023, huyện Mộc Châu đạt 5/7 chỉ tiêu ứng dụng công nghệ cao; đạt và vượt 2/5 chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Dù tình trạng thời tiết cực đoan với nắng nóng và hạn hán kéo dài nhưng giá trị sản xuất bình quân trong các vùng ứng dụng công nghệ cao vẫn đạt mức 200 triệu đồng/ha; trong đó vùng chè đạt xấp xỉ 80 triệu đồng/ha, vùng mận hơn 268 triệu đồng/ha.
Huyện đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ xây dựng 4 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, bao gồm vùng chăn nuôi bò sữa của Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, vùng sản xuất chè của Vinatea Mộc Châu, vùng sản xuất mận hậu trên địa bàn thị trấn nông trường Mộc Châu và xã Tân Lập, vùng sản xuất mận hậu trên địa bàn xã Mường Sang. Trong đó, vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao của Vinatea Mộc Châu và vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao của Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu đã được UBND tỉnh Sơn La công nhận vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Số cơ sở sản xuất, diện tích ứng dụng công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt; công nghệ tưới nước, bón phân tự động ngày càng tăng. Qua đó, giúp tiết kiệm nguồn nước tưới, nhân công, chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các cơ sở sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ sản xuất trong điều kiện nhà kính, nhà lưới… ngày càng phổ biến; giúp phòng tránh các loại sâu bệnh, dịch hại, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo môi trường tốt cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, tránh được tác hại xấu của thiên tai, tạo thuận lợi cho sản xuất rau, hoa trái vụ. Công nghệ sinh học trong di truyền và tạo giống cây trồng được ứng dụng theo phương pháp cắt ghép giúp tạo ra các giống cây trồng mới có khả năng chống chịu thời tiết, sâu bệnh, cho năng suất cao, chất lượng tốt, có thể điều chỉnh kỹ thuật chăm sóc để thu hoạch rải vụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường và thời gian tiêu thụ trong năm.
Công nghệ phân tích chất lượng môi trường sản xuất và chất lượng sản phẩm cây trồng đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ chế biến tự động, công nghệ sấy nóng, sấy lạnh, bao gói khí quyển kiểm soát, công nghệ bán tự động… ngày càng được nhiều tổ chức, cá nhân áp dụng.
Trong đó, toàn huyện có 25 cơ sở ứng dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP trong lĩnh vực trồng trọt với diện tích trên 346 ha; cấp 30 mã số vùng trồng cho 22 cơ sở; 2 mã số cơ sở đóng gói; định hướng 9 điểm phát triển sản xuất hữu cơ; trong đó có 3 vùng sản xuất rau hữu cơ (tại xã Đông Sang, Mường Sang, Phiêng Luông), 3 vùng sản xuất chè hữu cơ (tại thị trấn nông trường Mộc Châu, xã Tân Lập); 3 vùng sản xuất quả hữu cơ (tại thị trấn nông trường Mộc Châu, xã Mường Sang).
Về chuyển đổi số trong nông nghiệp, huyện Mộc Châu đã triển khai nhiều nội dung như về truy xuất nguồn gốc, triển khai ghi chép nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh… Huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La rà soát đánh giá thực trạng truy xuất nguồn gốc và xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP để xây dựng cơ sở dữ liệu và thiết lập thành công tài khoản, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc đối với 25 sản phẩm thuộc 9 chủ thể trên địa bàn huyện.
Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. 100% các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng các phần mềm kế toán, sử dụng hóa đơn điện tử; 18% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình ứng dụng các phần mềm quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: Misa, Hitachi,… Huyện cũng tăng cường ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn...
Nhờ có các chính sách phát triển toàn diện, chú trọng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, chất lượng nông sản huyện Mộc Châu được nâng cao, các diện tích sản xuất đáp ứng được tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP ngày càng được mở rộng. Thương hiệu nông sản Mộc Châu gây tiếng vang và tạo được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước, nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người nông dân.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Để phát triển lĩnh vực trồng trọt theo hướng an toàn và bền vững, huyện Mộc Châu tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để cơ cấu lại trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; bảo vệ môi trường và sử dụng có hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được tăng cường, đẩy mạnh vào các nội dung chuyển giao quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nội dung ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà kính, tưới tiết kiệm nước, sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ trong thu hoạch, bảo quản, sơ chế, đóng gói sản phẩm…